Hiện tại, một bản Samsung Galaxy S5 (bản khóa mạng Nhật) có giá khoảng 7 triệu đồng. Các model khác như Pantech Vega Iron 2 7,2 triệu đồng, Sony Xperia Z3 và Z3 Compact bản khóa mạng giá lần lượt 8,5 và 10,2 triệu đồng. Trong số những model này, bộ đôi Xperia Z3 Compact và Z3 đều có giá 14-16 triệu cách đây khoảng 2-3 tháng. Riêng Samsung Galaxy S5 hay Pantech Vega Iron 2 đã giảm giá đến một nửa sau chưa đầy một năm có mặt trên thị trường.
Chỉ với 7-10 triệu đồng, người dùng Việt Nam có thể sở hữu một chiếc máy Android cao cấp với những thông số tối tân nhất như màn hình Full HD hoặc Quad HD, chip Snapdragon lõi tứ, RAM 2 hoặc 3 GB.
Tuy nhiên, máy rẻ, cấu hình tốt không đồng nghĩa với việc máy sẽ bán chạy. Thị trường điện thoại xách tay Android vẫn tương đối trầm ngay cả khi Tết đã đến gần. Nhiều đơn vị kinh doanh đã lắc đầu ngán ngẩm và tính đến việc chuyển các hướng đi mới, trong đó có kinh doanh iPhone.
“Máy Android xuống giá nhanh khiến không ít người dùng dè chừng”, anh Hoàng Long, một chủ kinh doanh di động trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội nhận định. Theo người này, khách có xu hướng chờ đợi khi máy xuống thật thấp mới quyết định bỏ tiền mua. Khi đó, một vấn đề lại phát sinh: nguồn hàng không đáp ứng đủ nhu cầu. “Khi máy sẵn thì khách không mua. Nhiều khi khách mua liên tục lại không có hàng để nhập. Đó là tình trạng chung của máy Android: nguồn cung không ổn định”.
Dạo qua các cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại Nhật, Hàn Quốc hiện nay, nguồn sống của họ không còn là điện thoại Android mà chuyển qua iPhone. Ở nhiều cửa hàng tại Hà Nội, doanh số iPhone chiếm đến 70% lượng máy bán ra.
“iPhone hiện trải rộng ở nhiều phân khúc. Trong đó, những sản phẩm đời cũ, giá rẻ như iPhone 4, 4S có giá chỉ 2-3 triệu đồng. Cao hơn một chút, người dùng có thể mua iPhone 5C, 5S với giá khoảng 5-8 triệu đồng (bản cũ). Riêng iPhone 6 và 6 Plus gần như thống trị phân khúc cao cấp”, đại diện một cửa hàng ở Thái Hà, Hà Nội nhận định.
Một lý do khác khiến cửa hàng chuyển hướng kinh doanh iPhone là dòng sản phẩm này có doanh số ổn định, không phụ thuộc thời điểm như máy Android. Bên cạnh đó, nguồn cung iPhone tại Việt Nam dồi dào khiến cho việc mua bán, sửa chữa hay bảo hành đều dễ dàng hơn so với máy Android.
“Đây cũng là tình trạng chung của các cửa hàng. iPhone ở Việt Nam nhiều nhưng vẫn sống khỏe vì dân mình chuộng ‘táo’. Chỉ cần là hàng Apple, họ sẽ ít đắn đo hơn”, theo một chủ hàng di động trên phố Thái Hà, Hà Nội.
Di động xách tay là phân khúc khiến các đơn vị phân phối chính hãng đau đầu. Thị trường này hình thành khá lâu, máy đưa về thông qua con đường không chính ngạch. Các sản phẩm này thường có giá tốt, nhưng không được bảo hành đầy đủ.