10 nguyên nhân khiến 'đế chế' Google có thể sụp đổ

    Vì sao Google từ “ông vua” của tìm kiếm Internet và quảng cáo có thể xuống dốc nhanh chóng trước Facebook, Microsoft hay Amazon?

    Vì sao Google từ “ông vua” của tìm kiếm Internet và quảng cáo có thể xuống dốc nhanh chóng trước Facebook, Microsoft hay Amazon?

     

     

    Google kiếm được 3 tỷ USD mỗi quý, tăng trưởng khoảng 20%/năm. Công ty vẫn thống trị thị trường tìm kiếm Internet và quảng cáo trực tuyến. Nó còn sở hữu nền tảng smartphone phổ biến nhất thế giới, Android, và mạng chia sẻ video số 1 hiện nay, YouTube.

     

    Tuy nhiên, có vẻ Google đã đạt “đỉnh” và đang trên đà rơi xuống. Dưới đây là 10 nguyên nhân cho thấy đế chế Google có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào.

     

    Google chỉ biết diễn “một trò”

     

    Nguồn tiền chủ yếu của Google vẫn là quảng cáo tìm kiếm. Google không nêu chi tiết phân bổ doanh thu song 2/3 doanh thu ròng đến từ Google Sites, phần còn lại đến từ các trang đối tác trong mạng lưới Google Network và mảng khác như phần mềm doanh nghiệp.

     

    Trong quý III/2014, Google thu về 11,3 tỷ USD doanh thu quảng cáo trên trang riêng. Doanh thu YouTube ước tính 1,3 tỷ USD/năm hay 300 triệu USD/quý. Các trang khác như Gmail, Maps, Finance cũng có phần song phần lớn trong số 11,3 tỷ vẫn là từ quảng cáo tìm kiếm. Google chỉ gặt hái 3,4 tỷ USD doanh thu mạng lưới, 1,8 tỷ USD từ khoản khác.

     

    Nói cách khác, Google dù quy mô lớn song vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quảng cáo tìm kiếm. Vậy các mảng ngoài quảng cáo làm ăn “chẳng ra gì”?

     

    Thị phần tìm kiếm dẫm chân tại chỗ

     

    Google đang chiếm hơn 80% thị phần tìm kiếm toàn cầu và 75% tại Mỹ. Song, vị trí của Google dần thay đổi vì các yếu tố sau: Firefox “rũ bỏ” Google để đến với Yahoo.

     

    Theo StatCounter, dường như Google đã mất 4% thị phần tại Mỹ trong năm ngoái, là mức thấp nhất kể từ năm 2008. Apple cũng quyết định dùng Bing làm công cụ tìm kiếm mặc định trên tất cả sản phẩm; Facebook ra mắt công cụ tìm kiếm News Feed nội bộ; Amazon đang làm những gì có thể để kiểm soát tìm kiếm sản phẩm. Cuối cùng, người dùng Internet tại một số quốc gia đang phát triển chuyển sang dùng giải pháp nội địa như Baidu (Trung Quốc).

     

    Người dùng đang tìm thông tin ở trang khác

     

    Người dùng thường tìm đến Google để tra cứu thông tin sản phẩm, từ đó dẫn tới việc họ click vào quảng cáo, nguồn thu của Google.

     

    Tuy nhiên, ngày càng nhiều giải pháp thay thế Google và phát triển nhanh chóng: Amazon là điểm dừng chân của những người muốn mua gì đó, lượng tìm kiếm trên Amazon tăng 75% trong giai đoạn tháng 9/2013 – tháng 9/2014; người dùng di động tìm kiếm từ ứng dụng như Yelp; họ cũng nhờ đến mạng lưới bạn bè trên Facebook hay Twitter để thu thập thông tin đáng tin cậy hơn thuật toán của Google.

     

    Các nhà quảng cáo không “xì” tiền nhiều như trước

     

    Ngay cả khi thị phần không tăng, Google vẫn có cách để tăng doanh thu từ quảng cáo tìm kiếm như thay đổi thuật toán để đảm bảo các quảng cáo liên quan nhất xuất hiện trên đầu trang, tăng số lượt click.

     

    Song, các nhà quảng cáo cũng chạm đến mức trần trong ngân sách và không thể đấu giá từ khóa cao hơn. Trong báo cáo tài chính, Google cho thấy giá mỗi click chuột giảm liên tiếp trong 3 năm. 9 tháng đầu năm 2014, giá này giảm 6% so với cùng kỳ năm 2013.

     

    Facebook chống lại YouTube

     

    YouTube mang về cho Google hàng tỷ USD, song Facebook không chịu thua. Mạng xã hội dùng công nghệ tự phát quảng cáo video trên News Feed người dùng, một điều mà các nhà quảng cáo yêu thích còn người dùng không mấy bận tâm.

     

    Ngoài ra, nó còn cho phép người dùng đăng video trực tiếp. Đến tháng 11/2014, số video tải lên Facebook đã vượt số video YouTube xuất hiện trên Facebook. Video Facebook cũng có sự tương tác cao hơn. Thậm chí, Facebook còn tiếp cận nhiều ngôi sao lớn của YouTube.

     

    Android ngoài tầm kiểm soát

     

    Với Android, Google cho đi miễn phí và nhà sản xuất, nhà mạng có thể tùy ý thay đổi theo mục đích sử dụng. Tuy nhiên, nếu muốn bán điện thoại Android được Google công nhận, các hãng phải làm theo yêu cầu như cài sẵn tìm kiếm Google.

     

    Android vươn lên vị trí số 1 trên thị trường smartphone trong chưa đầy 3 năm nhưng cũng bộc lộ điểm yếu “chết người”: khoảng 20% điện thoại Android đang dùng phiên bản “forked” không được Google đóng dấu.

     

    Nhiều thiết bị được bán tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, nơi tỉ lệ tăng trưởng còn nhanh hơn nhiều so với các nước giầu. Amazon cũng dùng bản Android “forked” cho các sản phẩm Fire và không có liên quan gì đến dịch vụ Google.

     

    Vấn đề ngày càng tệ hơn khi theo ABI Research, tốc độ tăng trưởng của Android “forked” trong năm 2014 là 93%, vượt hẳn so với toàn bộ Android (34%) và có xu hướng tăng lên. Google còn không thể đưa mọi người tiếp cận phiên bản Android mới. Android 5.0 Lollipop phát hành tháng 11/2014 nhưng giờ chỉ có mặt trong chưa đầy 0,1% thiết bị đang hoạt động.

     

    Google chậm chân trong đám mây doanh nghiệp

     

    Năm 2014, Google cố gắng thuyết phục các công ty chuyển hoạt động sang đám mây Google bằng cách đưa ra giá cạnh tranh hơn so với Amazon và thêm nhiều tính năng mới.

     

    Dù vậy, nỗ lực của hãng dường như chưa có tác dụng khi vẫn chỉ đứng thứ 4 sau Amazon, Microsoft và IBM, theo thống kê hồi tháng 10/2014 của Synergy. Trong số 3 vị trí phía sau, Microsoft tăng trưởng nhanh nhất.

     

    EU chưa buông tha Google

     

    Vài năm nay, EU liên tục điều tra Google vì vị trí số 1 trong tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm. Tháng 2/2014, hai bên đạt thỏa thuận chung nhưng mọi chuyện chưa kết thúc ở đó.

     

    Nghị viện châu Âu tháng 12/2014 tiếp tục bỏ phiếu buộc Google chia tách Google Search với các mảng khác. Dù chỉ mang tính chất tượng trưng, nó gây áp lực cho EU tái điều tra vào hoạt động của Google.

     

    EU có đủ quyền lực để phạt Google tối đa 10% doanh thu hàng năm hoặc làm Google “khổ sở” bằng nhiều cách, như buộc Google tiết lộ thuật toán tìm kiếm. Kết quả của vở bi kịch này là gì? Chính là một công ty rụt rè không dám nâng cấp cho sản phẩm cốt lõi của mình.

     

    “Mãnh tướng” lần lượt ra đi

    Về khía cạnh nhân sự, Google đã để mất nhiều vị trí cấp cao trong vài năm trở lại đây. Đó là Marrisa Mayer, người phụ trách thiết kế công cụ tìm kiếm Google trong những ngày đầu; Vic Gundotra, người xây dựng hội thảo Google I/O và điều hành Google+; Andy Rubin, “cha đẻ” Android.

     

    Những sự ra đi này thường tạo ra sự xáo trộn lớn và trì hoãn do lãnh đạo mới đến có phong cách làm việc riêng, không ăn khớp.

     

    Dự án đặc biệt chưa thể cất cánh

     

    Bộ phận Google X dành riêng cho các ý tưởng lớn lao, thay đổi thế giới. Do Sergey Brin dẫn dắt, Google X đứng sau xe hơi tự lái, khí cầu Internet Project Loon, cáp quang Fiber…

     

     

    Tuy nhiên, lần cuối Google phát triển và ra mắt sản phẩm thành công là khi nào? Đó là Gmail, nhưng đã tồn tại hơn thập kỷ. YouTube và Android đều là hàng mua lại, còn Google TV và Google+ lại thất bại ê chề. Sẽ thế nào nếu các dự án viễn tưởng đó chỉ làm Google xao nhãng việc nâng cấp sức mạnh cốt lõi?

     

    Theo Báo Giáo dục & Thời đại