Vì sao iPhone luôn hoạt động mượt mà?
Khác biệt so với các nhà sản xuất khác, Apple chưa từng tham gia vào cuộc chạy đua về cấu hình. Nhưng các thiết bị di động của Apple lại gần như không có hiện tượng giật, lag và khi đặt lên bàn cân so sánh hiệu năng thì không hề tỏ ra thua kém các đối thủ có cấu hình "khủng long" khác.
Khác biệt so với các nhà sản xuất khác, Apple chưa từng tham gia vào cuộc chạy đua về cấu hình. Nhưng các thiết bị di động của Apple lại gần như không có hiện tượng giật, lag và khi đặt lên bàn cân so sánh hiệu năng thì không hề tỏ ra thua kém các đối thủ có cấu hình "khủng long" khác.
Trong khi cuộc chiến chạy đua về cấu hình vẫn chưa có hồi chấm dứt, các bộ vi xử lý bốn nhân, tám nhân liên tục được ra mắt thì Apple lại là kẻ nằm ngoài "cuộc chơi". Cụ thể, nếu như những chiếc smartphone đến từ Samsung, Sony hay LG sở hữu một cấu hình cực khủng với chip 4 nhân, thậm chí là 8 nhân với 3 GB RAM thì hai siêu phẩm mới nhất của Apple là iPhone 6 và iPhone 6 Plus lại sở hữu một cấu hình khá khiêm tốn chip 2 nhân và RAM chỉ 1 GB.
iPhone 6 và iPhone 6 Plus có cấu hình chỉ nhỉnh hơn 1 chút so với iPhone 5s.
Về cấu hình, cho dù đã có những cải tiến đáng kể về sức mạnh trên dòng chip A8 mới nhất, song, cho đến hiện tại, vi xử lý của Apple chưa thật sự cân xứng với các đại diện đến từ Nvidia, Qualcomm, Samsung hay thậm chí là MediaTek nếu chỉ tính riêng về số nhân và xung nhịp. Nhưng trên thực tế, những trải nghiệm trên iPhone bao giờ cũng rất mượt mà, kể cả trên những sản phẩm vốn đã được ra mắt cách đây 1, 2 năm. Vậy tại sao iPhone lại có thể hoạt động ổn định mà không cần đến những bộ vi xử lý đa nhân mạnh mẽ nhất?
Các thế hệ iPhone đều một tay Apple gây dựng nên từ phần cứng đến phần mềm
APPLE TỰ THIẾT KẾ VỀ MẶT PHẦN CỨNG LẪN PHẦN MỀM
Cho dù Apple đã phải thuê các doanh nghiệp có chuyên môn cao gia công, song,về việc thiết kế phần cứng, Apple vẫn tự tay làm hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, hệ điều hành dành iOS nắm một vai trò quyết định đến việc tối ưu hóa phần cứng. Đã có rất nhiều lý do chỉ ra rằng, nền tảng mà Apple đang sử dụng mang lại 65% sự mượt mà của thiết bị. Cho dù cấu hình nằm ở mức thấp và dung lượng RAM chỉ 1GB nhưng với việc điều phối các tác vụ một cách hợp lý, iOS cho thấy đây là nền tảng tốt nhất hiện nay, vượt trên cả Android và Windows Phone.
Nếu tìm hiểu sâu hơn, chúng ta mới nhận ra rằng các thông số bên trong của vi xử lý của Apple như số đơn vị xử lý, khả năng xử lý lệnh, độ dài dòng lệnh, bộ nhớ đệm...đều thuộc hàng "khủng" nếu so với CPU của các thiết bị di động khác. Do vậy, mặc dù sở hữu tốc độ xử lý thấp hay số nhân không nhiều, iPhone vẫn đủ sức để chạy trơn tru và ít phiền phức hơn so với các đại diện tên tuổi khác
ỨNG DỤNG TRÊN APP STORE ĐƯỢC QUẢN LÝ RẤT NGHIÊM NGẶT
Apple là một hãng sản xuất mang tính độc quyền mạnh mẽ nhất hiện nay, họ sử dụng hệ điều hành riêng chứ không chạy theo số đông, đây là một điểm mà giớicông nghệ cũng như khách hàng thích các sản phẩm của họ. Samsung, LG, Sony.. đều cũng có những tính năng độc quyền riêng tuy nhiên về hệ điều hành, ngoài giao diện ra, họ vẫn sử dụng chung gốc gác là Android. Chính bởi sự tùy biến quá nhiều kèm với hệ sinh thái ứng dụng có phần hơi “rác” khiến cho các thiết bị chạy hệ điều hành Android luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu ổn định và tiêu hao năng lượng rất nhanh.
iOS lại khác, nền tảng này là đứa con cưng của Apple, là biểu tượng mang tính sống còn với thiết bị di động của hãng, thế nên nó được chăm chút rất kỹ lưỡng. Về mặt ứng dụng, Apple luôn có sự tối ưu hóa tuyệt đối với iOS, tình trạng ăn RAM, mã độc, quảng cáo được kiểm soát nghiêm ngặt thông qua mạng lưới quản lý riêng. Các ứng dụng của hãng thứ 3 phải trải qua một thời gian kiểm nghiêm bởi chính các chuyên gia phần mềm của Apple sau đó mới được đưa lên kho ứng dụng riêng. Với iPhone nói riêng, sản phẩm của Apple nói chung, người dùng hoàn toàn yên tâm với ứng dụng họ đang sử dụng.
Các ứng dụng cơ bản của iPhone phần lớn đều của Apple
IPHONE KHÔNG ĐƯỢC CÀI SẴN ỨNG DỤNG CỦA BÊN THỨ BA
Ai đã từng sử dụng dòng Nexus hay các sản phẩm Google Edition đều có thể nhận được một điều rằng, hệ điều hành Android gốc có độ mượt mà và ổn định hơn hẳn so với các bản tùy biến từ các hãng. Và nguyên nhân chính giải thích cho sự khác biệt này đó là các thiết bị đó không đi kèm sẵn các ứng dụng từ bên thứ ba. Apple đã áp dụng điều này từ chiếc iPhone đầu tiên.
Samsung với giao diện TouchWiz, HTC có Sense, Sony có giao diện riêng, tất cả được thiết kế từ việc can thiệp cực kỳ sâu vào hệ điều hành gốc. Cho dù tiện lợi, đẹp và thời gian đáp ứng nhanh, song, sự ổn định của Android nguyên bản đã mất đi. Như thực tế, việc thay đổi cấu trúc gen khiến cho cá thể mất cân bằng, điều này đúng với Android.
Apple lại khác, họ chọn cho mình một hướng đi riêng, một nền tảng riêng và không sử dụng bất cứ một tùy biến nào, không sử dụng thêm một ứng dụng nào đi kèm, từ đó tính ổn định được nâng cao và độ mượt mà là không thể bàn cãi.
Khái niệm đa nhiệm giữa iOS và Android rất khác nhau
ĐA NHIỆM TRÊN IPHONE CHƯA THỰC SỰ LÀ ĐA NHIỆM
Nói về đa nhiệm, chúng ta có thể nói về Android như là ông trùm của đa nhiệm. Một ví dụ đơn giản so sánh giữa iOS, Android hay Windows Phone, khi đang chạy ứng dụng, ấn nút home thì các ứng dụng bên Android vẫn tiếp tục chạy ngầm dù có bao nhiêu ứng dụng thì vẫn tiếp tục chạy ngầm cho đến khi tràn bộ nhớ. Còn đối với iOS, sau khi ấn nút home, thay vì chạy ngầm, các ứng dụng sẽ tự động chuyển sang trạng thái chờ. Trên thực tế, khi bạn nháy đúp nút home của iPhone 2 lần, màn hình sẽ hiển thị các ứng dụng bạn sử dụng nhưng khi nhấp vào một ứng dụng thì thực chất ứng dụng này sẽ load lại từ đầu thay vì chạy tiếp giai đoạn lúc chúng ta thoát ứng dụng bằng nút home.
KẾT LUẬN
Cho dù không chạy theo cuộc đua cấu hình tại thời điểm này (và cả trong thời gian tới), các sản phẩm của Apple luôn cho thấy sự ổn định và mượt mà. Hệ điều hành tối ưu, đa nhiệm thông minh và chính sách kiểm duyệt ứng dụng từ bên thứ ba nghiệm ngặt là những lý do chính khiến iPhone hay các thiết bị của Apple có sự ổn định mà không thiết bị nào có được, cho dù cấu hình không thuộc hàng "top" ở thời điểm ra mắt.
Theo Techz.vn