Khó hiểu khán giả xem phim!

    Trong thâm tâm của người làm nghề, báo giới và những người thật sự quan tâm đến điện ảnh Việt đều mong “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thắng vang dội về doanh thu trong những ngày công chiếu

    Trong thâm tâm của người làm nghề, báo giới và những người thật sự quan tâm đến điện ảnh Việt đều mong “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thắng vang dội về doanh thu trong những ngày công chiếu

     

    Mới đây, khi bộ phim “Để Hội tính” được phát sóng trên kênh truyền hình K+, một người quen gọi điện nhật xét rằng anh ta không thể nào “ngửi” nổi bộ phim điện ảnh này. “Đó mà gọi là tác phẩm điện ảnh à? Tại sao người ta làm phim quá dễ dãi như vậy?” - người này bức xúc. Không riêng gì khán giả và người trong giới bức xúc, báo chí cũng có nhiều bài viết phê phán, chỉ trích ê-kíp làm phim khi phim này công chiếu nhưng đây là bộ phim được liệt vào danh sách doanh thu đạt mức “khủng” nhất, gần 50 tỉ đồng, theo công bố của nhà sản xuất. Điều gì đang xảy ra với thị hiếu người xem, nhất là những người mua vé xem phim ở rạp chiếu?

     

    Không có cửa cho phim tử tế

     

    Mới đây, một đạo diễn có tiếng trong giới điện ảnh, sau khi xem phim “Lật mặt” của nhạc sĩ Lý Hải, đã thốt lên: “Trời ơi, sao lại có những bộ phim như thế! Đến cả xì hơi cũng được đưa vào phim để gây cười. Mà khán giả cười thật. Chẳng hiểu sao thị hiếu khán giả bây giờ thấp đến thế?”.

     

    Không phải chờ đến vị đạo diễn này nói người ta mới nhận ra điều đó. Hàng loạt phim điện ảnh của Việt Nam sản xuất gần đây đều có nội dung và công thức dàn dựng na ná như vậy. Không có chút hài dơ, hài nhảm trong câu chuyện phim là khó bán vé. Những bộ phim như “Tèo em”, “Để Hội tính” đã trở thành chuẩn mực cho hàng loạt bộ phim khai thác thị hiếu dễ dãi của người xem ra đời gần đây.

     

     
     
    Lý Hải và Trường Giang trong phim “Lật mặt”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)

     

    Thị hiếu khán giả ở rạp như vậy nên những bộ phim không thỏa mãn nhu cầu giải trí đơn thuần của người mua vé không có cửa để ra rạp. Dù là phim đoạt giải thưởng tại nhiều liên hoan phim quốc tế nhưng “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Vũ Hoàng Điệp đến giờ  vẫn không thể ra rạp được. Phim “Nước 2030” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng phải lỗi hẹn với người trong giới và khán giả nhiều lần vì không tìm được rạp chiếu. “Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình tung quảng cáo bằng những hình ảnh nóng của cặp đôi diễn viên chính Trần Bảo Sơn - Vũ Ngọc Anh vẫn chưa nhận được tín hiệu tích cực. Nghe đâu “Quyên” được bán cho một kênh truyền hình để phát sóng.

     

    Phân tích khán giả của các nhà phát hành phim cho thấy người xem phim ở rạp chia làm 2 nhóm: Nhóm chuộng phim ngoại và nhóm thường xem phim Việt. Giữa 2 nhóm có những khán giả giao thoa nhưng cơ bản thị phần đã phân khúc. Nhóm xem phim ngoại thường có thị hiếu thẩm mỹ cao, chỉ thích thưởng thức các tác phẩm điện ảnh nước ngoài, đặc biệt của Hollywood, nên ít quan tâm đến phim Việt Nam. Trong khi đó, nhóm xem phim Việt lại chỉ thích xem giải trí bằng những phim có nội dung hài và có nghệ sĩ mình yêu thích tham gia diễn xuất. Rất tiếc, nhóm này đang chiếm số đông và quyết định thành bại về doanh thu cho cả phim và rạp chiếu. Nghe đâu doanh thu bộ phim “Lật mặt” của ca sĩ Lý Hải có diễn viên hài Trường Giang tham gia vai chính đạt 12 tỉ đồng sau 3 ngày ra rạp, theo công bố của nhà xản xuất.

     

    Kết quả phân tích trên không hẳn khẳng định rằng số đông khán giả xem phim ở rạp đang có vấn đề về thị hiếu. Cũng có ý kiến cho rằng sở dĩ phim Việt ra rạp thời gian qua, ngoài nội dung hài, chưa thu hút được người xem vì chưa có phim nào thực sự hay. Thực tế đã chứng minh chỉ những bộ phim mang thương hiệu đạo diễn Victor Vũ bảo đảm được doanh thu cao còn những bộ phim Việt Nam ra rạp thời gian qua có doanh thu thấp đều là phim không hay, thiếu yếu tố hấp dẫn.

     

    Chờ đợi sự chuyển biến tích cực

     

    Bộ phim “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chỉ mới xuất hiện đoạn phim quảng cáo trên mạng đã gây “sốt” công luận khiến người trong giới đang hồi hộp trông chờ ngày phim ra rạp. Nếu phim này thắng lớn về doanh thu thì sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực cho điện ảnh Việt Nam. Bởi đây là phim được sản xuất bằng vốn tài trợ, đặt hàng của Cục Điện ảnh, hãng phim tư nhân sản xuất, có nội dung hay và chất lượng nghệ thuật được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, những nhận định, đánh giá không tốt về thị hiếu người xem phim Việt tại rạp của các nhà chuyên môn lâu nay phải thay đổi.

     

    Còn quá sớm để ăn mừng cho những điều này khi phim chưa ra rạp nhưng trong thâm tâm của những người làm nghề, báo giới và những người thật sự quan tâm đến điện ảnh Việt đều mong “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thắng vang dội về doanh thu trong những ngày công chiếu.

     

    Hai dòng chảy tách biệt

     

    Điện ảnh Việt Nam trong những năm qua đang hình thành 2 dòng chảy tách biệt: Phim làm để đi dự thi và phim làm hoàn toàn nhằm thương mại. Ngoài phim tài trợ của nhà nước, các nghệ sĩ phía Bắc theo dòng phim được cho là vì nghệ thuật chủ đích là đem thi thố các liên hoan phim quốc tế và tìm kiếm cơ hội phát hành tại các thị trường điện ảnh phát triển ngoài nước như “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Vũ Hoàng Điệp. Còn các nghệ sĩ và nhà sản xuất trong Nam chỉ tập trung làm phim thương mại, kiếm lợi nhuận. Ngoài Victor Vũ còn cố gắng dung hòa yếu tố giải trí và nghệ thuật trong những tác phẩm của mình, những đạo diễn có tay nghề trở về từ những nền điện ảnh phát triển đều từ bỏ những gì họ từng ấp ủ, tâm huyết để chạy theo thị hiếu giải trí của đại bộ phận người xem đang quyết định số phận sản phẩm của họ bằng việc mua vé vào rạp.

     

    Giữa 2 dòng chảy tồn tại hiện nay, xem ra dòng chảy phim thương mại đang lấn át về số lượng và cả những ồn ào mà nó tạo ra trong công luận. Một nên điện ảnh phát triển chỉ khi cân bằng được 2 dòng chảy này và cân đối được yếu tố thương mại cũng như nghệ thuật trong cùng tác phẩm điện ảnh.

     

    Theo nld.com.vn