Khán giả 'ngộ độc' chương trình truyền hình thực tế
Truyền hình thực tế không chỉ bội thực do có quá nhiều món ăn để lựa chọn mà còn "ngộ độc" vì quá nhiều thể loại chiêu trò, scandal theo sau.
Truyền hình thực tế không chỉ bội thực do có quá nhiều món ăn để lựa chọn mà còn "ngộ độc" vì quá nhiều thể loại chiêu trò, scandal theo sau.
Hơn 50 chương trình truyền hình thực tế (THTT) chiếm trọn các khung giờ vàng phát sóng trên các kênh truyền hình lớn tại Việt Nam. Khán giả đang thật sự bị "ngộ độc" bởi THTT không chỉ vì bội thực do có quá nhiều món ăn để lựa chọn mà còn "ngộ độc" vì quá nhiều tài năng "kỳ lạ" và các thể loại chiêu trò, scandal theo sau.
Theo Wikipedia, THTT là thể loại chương trình truyền hình chú trọng vào việc phô bày các tình huống xảy ra không theo kịch bản diễn xuất với nội dung mang chất liệu thực tế mà không hư cấu, các nhân vật trung tâm là những người bình thường thay vì diễn viên chuyên nghiệp nhằm để thu hút xúc cảm hoặc tiếng cười. Ngày nay, hai mảng chính của truyền hình thực tế là các cuộc thi có giải thưởng lớn và các bộ phim ghi hình tình huống hài hước theo dạng sêri. Theo định dạng thông dụng, khán giả có thể can thiệp vào việc đánh giá thí sinh (đối với cuộc thi) và nội dung (đối với phim tình huống).
"Ngộ độc" vì tài năng
Tìm kiếm tài năng đang là nội dung chính của rất nhiều chương trình THTT, đặc biệt là tài năng trong lĩnh vực ca hát. Chỉ tính riêng các chương trình THTT về đề tài tìm kiếm tài năng âm nhạc đã có hơn 10 chương trình được lên sóng thời gian qua: Vietnam Idol, The Voice, X-Factor, Ngôi sao Việt, Học viện ngôi sao, Sao Mai điểm hẹn, Giọng hát Việt nhí, Vietnam’s got talent,… Mở đầu cho sự đổ bộ của THTT nói chung và các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nói riêng chính là Vietnam Idol. Phát sóng lần đầu tiên vào năm 2007 trên sóng VTV3, Vietnam Idol là món ăn tinh thần mới lạ, khác biệt và đầy sức hấp dẫn khiến khán giả háo hức chờ đợi, truyền thông nhảy vào phân tích, bình luận.
Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, Vietnam Idol đã gây ra sự tranh cãi khi ở những tập đầu là những "thảm hoạ" ca hát được trình làng nhằm mua vui cho người xem. Sự tự tin thái quá của các thí sinh được nhà sản xuất biên tập nhiều khi tạo nên sự lố bịch mà mục đích là ngoài sự mua vui còn nhằm làm nền để những thí sinh có khả năng ca hát thật sự toả sáng ở những vòng sau đó. Khán giả tiếp tục được dịp bị ‘ngộ độc’ bởi những "tài năng kỳ lạ" theo kiểu thảm hoạ trong những tập phát sóng vòng sơ tuyển của Vietnam’s got talent, The Voice.
Khi có quá nhiều cuộc thi nở rộ liên tục mà tài năng ca hát thật sự lại hạn chế về số lượng thì sự khán giả tiếp tục bị "nhẵn mặt" với các thí sinh do họ xuất hiện quá nhiều hết cuộc thi này tới chương trình kia.
X-Factor mới đây đã trình làng quá nhiều gương mặt cũ đã minh chứng cho sự thiếu hụt tài năng và cạn nguồn thí sinh có chất lượng cho các cuộc thi ca hát. Bùi Caroon, Đinh Huy hết dự thi The Voice lại tiếp tục với X-Factor, Nguyễn Khánh Phương Linh thất bại ở The Voice nhảy sang thi Vietnam Idol, và hàng loạt tên tuổi từng gắn bó với Sao mai điểm hẹn, Ngôi sao tiếng hát truyền hình tìm kiếm cơ hội mới ở The Voice, Vietnam Idol, X-Factor không còn là chuyện lạ, gây bất ngờ nữa.
4 giám khảo chương trình X-Factor.
Ngoài ca hát, thì nhảy múa cũng được mùa tài năng mới khi hàng loạt chương trình xuất hiện. Bên cạnh Vietnam’s got talent còn có Thử thách cùng bước nhảy, Vũ điệu đam mê, Bước nhảy hoàn vũ, cũ hơn là Bước nhảy xì – tin và mới nhất là Bước nhảy hoàn vũ nhí. Do bộ môn nghệ thuật nhảy múa vẫn còn mới lạ so với đại đa số công chúng nên sức hấp dẫn của các cuộc thi này vẫn còn rất thu hút khán giả.
Tiếp đó là các tài năng khác được khai phá từ các cuộc thi về nấu ăn, thiết kế thời trang, người mẫu. Lạ hơn chính là những "tài năng" về bộc lộ cảm xúc, cá tính trong Người bí ẩn, Cuộc đua kỳ thú. Với Người bí ẩn, khán giả được dịp soi mói vào cuộc sống và cá tính của người tham gia trò chơi, điều mà với văn hoá phương Đông khá là hạn chế. Người chiến thắng là người có khả năng bám trụ lại đến cuối cùng của cuộc thi. Tài năng của họ đôi khi chỉ là làm sao cho bạn cùng chơi không ghét mình, làm cho khán giả bình chọn cho mình càng nhiều càng tốt.
"Ngộ độc" vì chiêu trò
Về bản chất của THTT, tính bất ngờ trong các tình huống ở mỗi tập phát sóng là chất liệu chính tạo nên sức hấp dẫn cho người xem. Thay vì để cho tình huống tự diễn biến, không ít nhà sản xuất đã xây dựng kịch bản một cách chi tiết nhằm dẫn dắt cảm xúc của khán giả. Chiêu trò cũng vì thế mà đủ kiểu gây ‘ngộ độc.
Công khai nói xấu lẫn nhau giữa thí sinh và thí sinh với ban giám khảo là câu chuyện hay diễn ra nhất. Nathan Lee tố bị mẹ con Kasim Hoàng Vũ chửi ởChinh phục đỉnh cao, Mỹ Lệ công khai phản pháo giám khảo Lưu Thiên Hương ở Cặp đôi hoàn hảo, Phương Thanh tuyên bố cạch mặt các chương trình của Cát Tiên Sa,…
Chuyện giới tính, tình yêu cũng là một thứ gia vị nóng được lựa chọn để thêm vào cho đa dạng. Vietnam Idol sẽ kém đi kịch tính nếu không có câu chuyện chuyển giới của thí sinh Hương Giang. Các thí sinh nam giả nữ đi dự thi Vietnam’s got talent, Vietnam Next Top model ở mỗi mùa đều được biên tập đưa vào phát sóng.
Các nghi án tình cảm của thí sinh với nhau luôn là đề tài được xăm xoi nhiều nhất. Hương Tràm với Bùi Anh Tuấn hay Đông Hùng với Phương Linh và scandal lớn nhất chính là nghi án tình cảm giữa giám đốc âm nhạc Phương Uyên với thí sinh Thiều Bảo Trang. Phía ban tổ chức thì úp mở, bản thân thí sinh thì từ chối bình luận khiến cho khán giả càng thêm tò mò và kích thích. Giữa mớ bồng bông đó đâu là sự thật, đâu là chiêu trò ít ai biết được!
Lộ kết quả chung cuộc hay mập mờ trong tỉ lệ bình chọn luôn là chiêu trò nhằm tạo nên những cuộc chiến bình chọn cho thần tượng mà nhà sản xuất cố tình đưa ra. Cái lợi ở đây thì ai cũng rõ, số lượng tin nhắn bình chọn càng cao thì doanh thu thu về càng lớn. Những cuộc chiến tin nhắn bình chọn đã tạo thành bão như giữa Uyên Linh và Văn Mai Hương trong Viet Nam idol, Phương Mỹ Chi và Quang Anh ở Giọng hát Việt nhí.
Không dừng lại ở những lùm xùm, một số chương trình THTT còn táo bạo thực hiện trò "khoe thân" của thí sinh trên sóng truyền hình. Gây tranh cãi nhiều nhất chính là hình ảnh các thí sinh nữ của Người bí ẩn đã sẵn sàng lột bỏ tất cả để bước lên bàn cân trong một thử thách của cuộc thi này.
Hiệu quả mang lại là sau phần "cởi" đó thì chương trình lập tức thu hút người xem và sự quan tâm của giới truyền thông. Không táo bạo như Người bí ẩn, nhưng những sự cố "lộ hàng", lộ nội y của các thí sinh Bước nhảy hoàn vũ từ mùa này sang mua khác liên tục xảy ra. Sự thường xuyên này khiến người ta đặt dấu chấm hỏi cho vấn đề nhà sản xuất và cả thí sinh có lợi dụng điều này để gia tăng sức thu hút, tăng "rating"?
Không thể phủ nhận nhờ scandal và những lùm xùm đi kèm theo mà nhiều cuộc thi đang thiếu người xem, doanh thu quảng cáo ở mức thấp bỗng tăng "rating" và thời gian phát sóng dài hơn vì số lượng các spot quảng cao tăng lên đáng kể. Một thực tế khác đáng buồn là khán giả nhiều khi mong đợi cuộc thi đó sẽ tung chiêu trò gì tiếp theo hơn là chờ xem các tài năng trình diễn gì trên sân khấu.
Thanh Bạch làm MC cho chương trình Gương mặt thân quen.
THTT đã thật sự bão hoà?
Nhiều nhận định cho rằng THTT tại Việt Nam đã thật sự đi vào giai đoạn bão hoà khi mà số lượng chương trình được phát sóng hiện nay quá nhiều, sự khan hiếm về tài năng khiến nhiều gương mặt quen thuộc xuất hiện liên tục nhưng vẫn không tạo nên thành công và sự nghiệp vẫn dậm chân tại chỗ. Các ngôi sao thì nhẵn mặt từ vị trí thí sinh tới giám khảo của các cuộc thi khác nhau.
Tuy nhiên đó chỉ mới là sự đổ bộ của THTT trên sóng của một số kênh truyền hình lớn của nhà đài VTV, HTV. Các đài khu vực, đài địa phương hầu như chưa thật sự tham gia vào sân chơi THTT. Một phần vì hạn chế về tài chính, công nghệ, một phần vì sức hút quá lớn của VTV đang tạo nên áp lực chọ họ. Song ở mỗi đài nhỏ vẫn có lượng khán giả trung thành thích thú với sự đổi mới của họ. Vì vậy, THTT vẫn sẽ còn làm mưa làm gió trên sóng truyền hình trong thời gian tới.
Các format mới của chương trình THTT từ các nhà sản xuất, kênh truyền hình lớn của thế giới vẫn được giới thiệu mỗi tháng. Sự chết yểu của nhiều cuộc thi như:Hợp ca tranh tài, Ngôi nhà âm nhạc, Taxi may mắn… chính là cơ hội cho những cuộc thi mới xuất hiện tại Việt Nam.
Áp lực về doanh thu quảng cáo, lợi nhuận kinh doanh và "rating" sẽ thôi thúc cả nhà đài và đơn vị sản xuất nhập khẩu, Việt hóa các chương trình truyền hình nhằm lôi kéo khán giả để tồn tại và cạnh tranh lẫn nhau. THTT vì vậy vẫn sẽ tiếp tục "ngộ độc" người xem. Vấn đề quyết định sự sống còn lâu dài của THTT là khán giả bao giờ tự bảo vệ mình trước sự "ngộ độc" này?
Theo Nguoiduatin.vn