Nỗi lo vắng dần tác phẩm hay

    Phải làm sao giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế và nội dung tư tưởng là yêu cầu đặt ra

    Phải làm sao giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế và nội dung tư tưởng là yêu cầu đặt ra

     

    Game show âm nhạc trên truyền hình được nêu ra tại hội thảo “Bản sắc dân tộc trong đời sống văn hóa, nghệ thuật TP HCM- Quá trình hội nhập quốc tế hiện nay” (do Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật TP HCM tổ chức) diễn ra vào sáng 17-7 tại TP HCM như một “chấm đen” đáng buồn.

     

    Khoảng trống “GDP” văn hóa còn lớn

    Hiện nay, các chương trình, game show âm nhạc trên truyền hình có mật độ phủ sóng ngày càng dày đặc, nhiều chương trình giải trí truyền thống như ca nhạc, kịch nói, phim truyện nhiều tập… bị đẩy lùi.

    Cũng từ đây, những hệ lụy của các game show xảy ra khôn lường, tác động mạnh đến đời sống văn hóa, nghệ thuật cả nước. Đó là việc sử dụng chiêu trò ngoài âm nhạc để giữ chân người xem khiến cho việc “phổ biến kiến thức” của các game show âm nhạc trên truyền hình ngày càng bị lu mờ dần.

    Hiện tượng chèo kéo, tâng bốc thí sinh, nói xấu đối thủ diễn ra ngay cả trên sân khấu. Các thí sinh bước ra từ game show được tâng bốc, lăng xê như một ngôi sao tạo nên giá trị ảo. Những game show lai căng đó đã tác động ngược đến đời sống tinh thần của lớp trẻ khiến họ bỏ quên giá trị tinh thần cốt lõi của văn hóa dân tộc, xao lãng chuyện học tập, gây ra những ảnh hưởng về đạo đức, nhận thức, dẫn đến việc hủy hoại tương lai của chính mình.

     

     
    Chương trình Giọng hát Việt nhí bị chỉ trích khi để các em nghêu ngao những bài hát người lớn Ảnh: Phạm Thế Danh
     
     

    Nói đến thực trạng game show âm nhạc hỗn độn, PGS-TS Đào Duy Quát nêu ra một vấn đề nhức nhối hiện nay đó là những game show dành cho trẻ em đang lên sóng ồ ạt. Theo PGS-TS Đào Duy Quát, những chương trình này đang “báo động” về nội dung, tư tưởng và để lại hậu quả khôn lường cho những tài năng nhí: “Tôi xem chương trình Giọng hát Việt nhí mà không thể nào chấp nhận được khi nhìn những đứa trẻ nghêu ngao các bài hát người lớn, sau đó các em bước ra ngoài được khán giả xưng tụng như ngôi sao. Những nhà quản lý đang ở đâu?”. Theo bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, khoảng trống nghệ thuật, khoảng trống “GDP” văn hóa còn lớn, nhất là việc đáp ứng nhu cầu cho thiếu nhi còn thiếu và yếu. Trong khi đó, những chương trình này thoạt tiên nhiều người nghĩ sẽ tạo sân chơi lành mạnh cho các em nhưng thực chất là phục vụ cho mục đích kiếm tiền của người lớn.

     

    Trước thực trạng game show nhiễu loạn, một đại biểu đặt vấn đề: “Phải làm sao giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế và nội dung tư tưởng. Điều đó đòi hỏi người thực hiện phải có cái tâm. Chúng ta có quyền hy vọng một game show âm nhạc có nội dung giới thiệu, ca ngợi, phổ biến những nét đẹp của nghệ thuật truyền thống, được đầu tư thực hiện nghiêm túc và chất lượng”. Mặt khác, trách nhiệm của nhà nước, nhà quản lý trong việc định hướng những chương trình dành cho trẻ em phải được chú trọng, cặn kẽ hơn chứ không thả nổi như thời gian qua.

     

    Đòi hỏi nghệ sĩ phải có trách nhiệm

    46 tham luận trình bày tại hội thảo là 46 nỗi lo lắng, trăn trở của văn - nghệ sĩ về các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, văn học, hội họa… Theo TS Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện

     

    TP HCM, bộ mặt âm nhạc TP HCM hiện tại chưa có sự cân đối giữa 3 dòng: âm nhạc thị trường, âm nhạc kinh điển và âm nhạc hiện đại. Cán cân âm nhạc đang lệch hẳn về dòng nhạc thị trường; dòng nhạc hàn lâm, kinh điển và nhất là dòng nhạc truyền thống ngày càng có nguy cơ bị nhấn chìm.

     

    Ở lĩnh vực điện ảnh, PGS-TS Trần Luân Kim, Phó trưởng Ban Lý luận Phê bình Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP HCM, nhận định: “Đang có sự giảm sút và cầm chừng số lượng tác phẩm điện ảnh Việt, nhất là với phim chiếu rạp, dẫn đến sự xâm nhập và thống lĩnh của phim nước ngoài. Phim đề tài truyền thống được tác chế quá ít, phim giải trí đơn thuần phổ biến”.

     

    NSƯT Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhìn nhận yếu kém ở lĩnh vực sân khấu là thiếu cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật đã ảnh hưởng đến tư duy sáng tạo của đạo diễn, tác giả, diễn viên. Mặc dù thành phố có tiềm lực về văn hóa, có lực lượng văn nghệ sĩ đông nhưng chưa đủ mạnh; sản phẩm văn học, nghệ thuật có số lượng nhiều nhưng chưa tương xứng với đòi hỏi nâng cao về chất lượng, vắng dần những tác phẩm hay, những tác phẩm mang hơi thở thời đại… là nhận định chung của các đại biểu về bức tranh văn hóa tại TP HCM.

     

     

    Giải pháp được các đại biểu nêu ra, ngoài khâu lãnh đạo, chỉ đạo ở việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng, sự quan tâm dành cho văn nghệ sĩ…, còn đòi hỏi những người nghệ sĩ phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình. Làm sao sáng tác những tác phẩm đậm giá trị văn hóa dân tộc là điều không phải đến bây giờ mới được đặt ra cấp bách. Tuy nhiên, trong điều kiện hoạt động nghệ thuật phụ thuộc quá nhiều vào các cá nhân, công ty tư nhân tự bỏ vốn đầu tư thì đây quả là một bài toán khó.

     

    Theo nld.com.vn