Thi hoa hậu chỉ để... bán sắc!
Nếu không gắn liền với hoạt động phúc lợi và mục đích xã hội, cuộc thi Hoa hậu chỉ đơn thuần là nơi phô bày…thân xác thuần túy, không hơn.
Nếu không gắn liền với hoạt động phúc lợi và mục đích xã hội, cuộc thi Hoa hậu chỉ đơn thuần là nơi phô bày…thân xác thuần túy, không hơn.
Xông đất cho làng giải trí ngay thềm năm mới, hai cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia vừa được cấp phép khiến giới săn tin và dư luận được dịp xớn xác. Và vẫn một câu hỏi muôn thuở đặt ra kiểu “khổ lắm nói mãi”: "Tìm Hoa hậu để làm gì?" cứ được đào đi xới lại mà chưa tìm thấy lời giải đáp thỏa đáng
Hoa hậu có sứ mệnh gì?
“Thi Hoa hậu là một hoạt động văn hóa không chỉ tôn vinh nhan sắc mà cả tri thức và nhân cách người phụ nữ”, Nhà tổ chức thường đưa ra những mục đích đẹp đẽ và to tát như thế về cuộc thi làm công chúng…mát lòng.
Lật lại lịch sử các cuộc thi Hoa hậu danh giá nhất thế giới, có thể thấy có nhiều mục đích và ý nghĩa khác nhau của việc thi Hoa hậu. Nhưng chung quy lại thì Hoa hậu phải có sứ mệnh của một…”nàng tiên”, nghĩa là nàng phải đẹp, phải có những “phép màu” khiến xã hội trở nên tươi đẹp hơn, nôm na là: Hoa hậu phải mang lại lợi ích cho xã hội bằng những hoạt động thiện nguyện.
Sau các cuộc thi, các hoa hậu thường tham gia các hoạt động xã hội
Ví dụ như Hoa hậu thế giới là sứ giả từ thiện toàn cầu; Hoa hậu hoàn vũ là đại sứ của tổ chức bảo vệ người bị nhiễm HIV; Hoa hậu quốc tế mang thông điệp hòa bình cho thế giới; Hoa hậu trái đất, gắn liền với hình ảnh bảo vệ môi trường; Nữ hoàng du lịch có nhiệm vụ quảng bá du lịch. Các cuộc thi Hoa hậu thường có ý nghĩa cao cả, to tát như thế…
Nếu không gắn liền với hoạt động phúc lợi xã hội, cuộc thi Hoa hậu chỉ đơn thuần là nơi phô bày…thân xác thuần túy, không hơn.
Giải thưởng của các Hoa hậu thế giới được trả dần theo lương hàng tháng, được hưởng đặc quyền đặc lợi và phải làm việc cho Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu trong nhiệm kỳ. Các hoạt động bề nổi như làm từ thiện…được diễn ra một cách có tổ chức và chuyên nghiệp.
Và nếu Hoa hậu không hoàn thành trách nhiệm của mình sẽ bị tước vương miện. Ở Việt Nam, Hoa hậu làm hoạt động xã hội theo kiểu…tùy tâm và tự phát, không có tổ chức ban ngành chỉ đạo chuyên nghiệp.
Thi Hoa hậu để…bán sắc
Dù mang ý nghĩa văn hóa nhưng thi Hoa hậu vẫn là hoạt động giải trí mà muốn giải trí thì phải có…tiền. Ở các nước phát triển phương Tây như Mỹ và châu Âu, hoạt động giải trí trở nên dư thừa thì từ lâu người ta đã không còn mặn mà với các cuộc thi Hoa hậu.
Vì thế, các cuộc thi Hoa hậu thế giới đang dịch chuyển về châu Á hay thậm chí ở Việt Nam không phải vì họ đáp lại sự hâm mộ của công chúng đâu mà đơn thuần là ở đâu có tiền thì họ đến. Những lùm xùm như Trung Quốc đăng quang Hoa hậu thế giới 2012 là do đăng cai tài trợ, Hoa hậu trái đất 2012 bị scandal bán giải…đều sặc mùi vị thương mại và đậm đặc màu sắc chính trị. Mục đích đẹp đẽ của các cuộc thi Hoa hậu cũng đang dần giảm đi giá trị.
Trương Thị May không đạt thành tích nào tại Hoa hậu Hoàn vũ 2013. Hoa hậu Hoàn
Vũ cũng là một cuộc thi bán bản quyền tổ chức cho bất kỳ ai đủ tiền mua.
Các nhà tổ chức "bán đứng" cuộc thi Hoa hậu, đương nhiên vì họ…kinh doanh. Thí sinh tham dự cuộc…bán sắc cũng chẳng hề ngu ngơ. Giới truyền thông chính thống từng làm những chuyên đề Văn hóa để giải mã câu hỏi: Thi Hoa hậu phải chăng là con đường tiến thân cho những cá nhân muốn đạt tới Lợi – Danh nhanh chóng bằng bất cứ giá nào?
Danh hiệu là giấc mơ đổi đời khi Hoa hậu lọt vào mắt xanh các tỉ phú, tài phiệt tầm cỡ. Hoa hậu Trung Quốc La Tử Lâm bị giới săn tin phanh phui “đi cửa sau” với thành viên BGK để giành vị trí Á hậu 4 trong cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ. Nhanh chóng sau đó, Hoa hậu nàng hất cẳng siêu mẫu Naomi Campel và thế chân trở thành người tình của tỷ phú Nga Vladimir Doronin.
“Thế lực” của Hoa hậu Việt Nam
Có lẽ không ở đâu trên thế giới hoa hậu lại được mến mộ như ở Việt Nam. Hoa hậu được ưa chuộng ngang hàng với ngôi sao giải trí, được coi như…nghệ sĩ, được mời làm vedette trong các fashion show…
Một Hoa hậu đăng quang đã 8 năm và hết “nhiệm kỳ” từ lâu như Mai Phương Thúy mà vẫn đắt show quảng cáo…điên đảo. Báo chí phơi bày việc Hoa hậu thường xuyên xuất hiện như PG cao cấp cho các nhãn hàng thương mại như rượu mạnh. Báo mạng tiếp tay đưa tin giật tít câu view theo kiểu: Mai Phương Thúy lộng lẫy như nữ thần, Diễm Hương khoe đường cong nảy lửa,...
Các hoa hậu sa đà vào việc làm PG cao cấp cho các hãng quảng cáo rượu và sản
phẩm thương mại nhiều hơn là các hoạt động văn hóa xã hội. - Ảnh: Internet
Các Hoa hậu có nhan sắc rỡ và họ kiếm được thù lao kếch xù thì có gì là sai? Hoa hậu không hẳn sai. Lỗi tại công chúng cứ kỳ vọng quá nhiều vào việc mà đáng nhẽ ra Hoa hậu phải “gồng gánh” sứ mệnh trong nhiệm kỳ của mình với những hoạt động mang lại phúc lợi xã hội như từ thiện hay là quảng bá văn hóa đất nước con người…? Hay tại truyền thông cứ tiếp tay đánh bóng tô hồng, tán tụng lên mây thay vì định hướng?
Theo Docbao.vn