Thí sinh nhí trong 'cơn bão' truyền hình thực tế
“Cơn bão” chương trình truyền hình thực tế cho thiếu nhi đã phát hiện nhiều tài năng nhí ở nhiều vùng miền, nhưng cũng đang làm dấy lên lo ngại về việc các thí sinh nhí phải chịu quá nhiều sức ép trong và cả sau cuộc thi.
“Cơn bão” chương trình truyền hình thực tế cho thiếu nhi đã phát hiện nhiều tài năng nhí ở nhiều vùng miền, nhưng cũng đang làm dấy lên lo ngại về việc các thí sinh nhí phải chịu quá nhiều sức ép trong và cả sau cuộc thi.
Đã đến lúc câu chuyện này cần được nhìn nhận nghiêm túc bởi “cơn bão” truyền hình thực tế đang dần chuyển sang đối tượng chính là trẻ em thay vì người lớn. Sau khi chương trình Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhíkết thúc, Gương mặt thân quen phiên bản nhí đã nhanh chóng thế chỗ, chương trình chuẩn bị lên sóng là Bố ơi, mình đi đâu thế?, chương trình Vua đầu bếp nhí cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị. Khán giả đang dần nhàm chán, quen mặt với những gương mặt cũ trong các chương trình người lớn, thay vào đó bất ngờ với các tài năng nhí, và thích thú trước sự ngây thơ, tự nhiên của các em.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh đã lặn lội tìm đến buổi tổng duyệt đêm nhạc hội tụ các giọng ca bước ra từ chương trình truyền hình thực tế Giọng hát Việt nhí tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) vào năm ngoái. Khi đó ông đã thốt lên: “Các em chính là những mỏ vàng quý”.
Hẳn nhạc sĩ và công chúng sẽ khó biết đến những tài năng như Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Thiện Nhân, Hoàng Anh... nếu không có chương trình. Truyền hình thực tế đã có công phát lộ những “mỏ vàng” tài năng nhí không chỉ ở lĩnh vực ca hát mà cả nhảy múa... Còn với nhiều em, nếu không có truyền hình thực tế thì khó có cơ hội được hỗ trợ phát triển tài năng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Giọng ca nhí Nguyễn Thiện Nhân tỏa sáng trong đêm chung kết Giọng hát Việt nhí 2014 - Ảnh: Độc Lập.
Tuy vậy, không phải vô cớ mà một vị nhạc sĩ nổi tiếng, giám khảo của một chương trình truyền hình thực tế, đã không muốn cho cô con gái nhỏ dù có đủ tố chất tham gia các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát nhí nào. “Con tôi còn quá nhỏ để có thể chịu đựng bất cứ tổn thương tâm lý nào”, anh từng chia sẻ.
“Bắt” con trẻ... múa cột
Cô bé 8 tuổi non nớt đu mình quanh chiếc cột sau màn lắc hông gợi cảm, cô bé 10 tuổi uốn éo, đu dây, lắc bụng, lắc ngực như vũ công chuyên nghiệp... Những hình ảnh trong đêm chung kết Bước nhảy hoàn vũ nhí vừa gây “sóng” dư luận.
“Tôi thấy đau lòng khi người lớn bắt các em lớn quá sớm”, một khán giả đã bình luận. Trong khi một khán giả khác thì nhìn nhận: “Đây đúng hơn là những chương trình của người lớn, họ dàn dựng rồi bắt trẻ con làm theo đấy chứ”. Có phải do sức ép đòi hỏi các em thể hiện tài năng vượt trội, hay do cần những tiết mục lắm chiêu trò hấp dẫn khán giả, mà nhà sản xuất lại dàn dựng những tiết mục có độ khó đòi hỏi phải làm được như người lớn và lại có nội dung không phù hợp với lứa tuổi các em?
Trong chương trình khác là Giọng hát Việt nhí, những đứa trẻ vô lo, vô nghĩ bị “bắt” hát những ca khúc đầy tâm trạng, nhiều trải nghiệm như Đá trông chồng, Xa khơi... Phải chăng vì áp lực thi thố, nên các huấn luyện viên đã phải chọn cho “gà” của mình những ca khúc khó của người lớn để các em tạo ấn tượng nổi trội? Nhiều khán giả còn phản ứng về việc người lớn đã bắt những đứa trẻ vô tư diễn lại các hoạt cảnh về bệnh tật, cuộc sống của chúng một cách thê thiết như để tăng sự chú ý của khán giả.
Năm ngoái một phụ huynh đã vô cùng bức xúc lên tiếng về việc nhà sản xuất của chương trình đã “vắt kiệt” các em trong chương trình của nhà tài trợ. Còn cách đây hai năm, nhà sản xuất chương trình Vietnam’s Got Talentđã bị gia đình thí sinh Quỳnh Anh tố cáo vì đã dàn dựng, cắt ghép, cố tình bóp méo hình ảnh của cô bé, gây scandal và ảnh hưởng đến tâm lý của em. Nhìn nhận về câu chuyện này, khi đó nhà giáo Phạm Toàn đã nói thẳng: “Nhà đài nhằm mục đích thương mại, câu khách cho cái gọi là nhân danh tài năng”.
Đạo diễn Việt Tú thừa nhận, nhà sản xuất luôn chịu áp lực tăng số lượng người xem để thu hút quảng cáo. Anh cho rằng: “Truyền hình thực tế hay không thì tất cả cũng xuất phát từ trào lưu xã hội, khán giả luôn cần những chương trình mới để thưởng thức, còn nhà sản xuất thì luôn chịu áp lực để đưa ra những chương trình mới phục vụ khán giả và tăng số lượng người xem để thu hút quảng cáo nhằm thu hồi lại vốn đầu tư”.
Chịu đựng cả sự cay cú, chửi bới
Trẻ con có thể bị tổn thương không chỉ bởi những gì được dàn dựng trong chương trình mà cả bởi những gì diễn ra bên ngoài, đến chủ yếu từ mạng xã hội như các trang Facebook, diễn đàn... Nhiều người hâm mộ quá khích hoặc chỉ là khán giả đơn thuần bình luận với những lời lẽ khích bác, thậm chí chửi bới tục tĩu, thóa mạ các em.
Chỉ vì thể hiện sự tự tin của mình mà cậu bé Cao Hà Đức Anh (Giọng hát Việt nhí) bị nói là “kiêu chảnh”, cậu đã cho biết thấy buồn khi biết chuyện đó. Trên tài khoản Facebook của một thí sinh dừng lại ở vòng bán kết Giọng hát Việt nhí, nhiều khán giả đã rất cay cú bình luận: “Em hát hay thế đáng nhẽ phải được vào”, “Vì nhà em nghèo không có tiền nên bị loại”, “Nhà sản xuất cố tình dìm hàng thí sinh”, rồi có người quay sang chửi bới các thí sinh khác. Những bình luận này có thể làm tổn thương đứa trẻ, khiến chúng thất vọng vì thua cuộc, ảo tưởng về bản thân, có tâm lý ăn thua, nghĩ cuộc thi là giả dối.
Điều này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Có phải khán giả coi những chương trình truyền hình thực tế cho trẻ con chỉ để mua vui, còn nhà sản xuất chỉ nhăm nhăm tăng rating, thu quảng cáo, cố tình dàn dựng chương trình để câu khán giả, mà không nghĩ đến việc cần phải bảo vệ những đứa trẻ non nớt, ngây thơ?
Trên thế giới, một số quốc gia đã đưa ra quy định cụ thể bảo vệ trẻ em trong các chương trình truyền hình thực tế, chẳng hạn hạn chế thời gian các em phải tập luyện, tham gia hoạt động cho chương trình. Truyền hình Anh cũng dự kiến đưa ra quy định như những trẻ ở lứa tuổi nào không được tham gia truyền hình thực tế sau 19 giờ, hay phải có người giám hộ theo sát khi trẻ tham gia ghi hình...
Nghệ sĩ nhí không được cấp thẻ hành nghề nhưng vẫn có thể biểu diễn Theo đề án Cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (được phê duyệt từ tháng 1/2014, tuy nhiên hiện tại vẫn đang nghiên cứu, rà soát, chưa triển khai), những nghệ sĩ nhí như Phương Mỹ Chi, Quang Anh... không được cấp thẻ hành nghề vì các em dưới 15 tuổi. “Với những trường hợp này, để các em có thể biểu diễn, đơn vị tổ chức biểu diễn cần có giấy bảo lãnh của cha mẹ các em. Việc các em biểu diễn thế nào, có bị vắt kiệt sức khỏe hay không cơ quan quản lý không quản lý việc đó được. Bố mẹ phải chịu trách nhiệm về con cái mình”, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết. |
Theo Nguoiduatin.vn