Trang sử mới cho đờn ca tài tử

    Tối 11-2, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng UBND TP HCM đã tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

    Tối 11-2, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng UBND TP HCM đã tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

     

    Đông đảo khán giả, nghệ nhân đờn ca tài tử của 21 tỉnh, thành trong cả nước và nhiều nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng đã đến dự lễ đón nhận.

    Kết nối sự đồng điệu

    Chương trình lễ đón nhận được tổ chức trang trọng nhằm nâng cao vai trò và vị thế của đờn ca tài tử trong đời sống. Bà Katherine Muller - Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, đã trao bằng công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ cho ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL; đồng thời trao cho đại diện 21 tỉnh, thành bằng công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

    Tại buổi lễ, ấn tượng đọng lại trong lòng khán giả là tiền sảnh Hội trường Thống Nhất đã được thiết kế với khung cảnh sông nước Nam Bộ. Các tiết mục biểu diễn đã cho thấy sự tiếp nối một cách hào hứng của những tài tử trẻ đến từ các địa phương Nam Bộ có phong trào đờn ca tài tử mạnh. Họ đến TP HCM đón mừng sự kiện bộ môn nghệ thuật mà mình đam mê được vinh danh, đồng thời dõng dạc tuyên thệ sẽ tiếp nối những nghệ nhân đi trước.

    Bảy tỉnh đại diện cho các địa phương có phong trào đờn ca tài tử mạnh: Long An, Cần Thơ, Tiền Giang, Bạc Liêu, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long đã biểu diễn các tiết mục đặc sắc.

    Đạo diễn Lê Nguyên Đạt - Trưởng Khoa Sân khấu ca kịch dân tộc Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Hương Việt - thổ lộ: “Chúng tôi tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang của đờn ca tài tử. Qua gần 100 năm hình thành, sự tiếp bước này hứa hẹn mở ra một trang sử mới khi đờn ca tài tử được thế giới vinh danh. Chúng tôi hứa sẽ giữ mãi không gian của đờn ca tài tử, phát huy những ưu điểm và thành tựu nhằm giới thiệu đến bạn bè quốc tế tinh hoa của bộ môn nghệ thuật độc đáo này”.

     
    Bà Katherine Muller - Marin chúc mừng giới làm nghệ thuật Việt Nam tại buổi trao bằng công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể
     

    “Chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan, vẫn giữ vững cốt cách của các di sản văn hóa, trong đó đờn ca tài tử từ ĐBSCL đã lan tỏa ra cả nước trong niềm tự hào” - nghệ nhân Thanh Tùng, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Hóc Môn,  xúc động.

    Nghệ nhân Hoàng Tấn, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử TP HCM, cho biết: “Việc gấp rút đưa đờn ca tài tử vào giảng dạy trong các trường học và trở thành môn ngoại khóa sẽ góp phần truyền bá kiến thức âm nhạc dân tộc nói chung và đơn ca tài tử nói riêng, để giới trẻ hiểu, yêu và đam mê bộ môn nghệ thuật này. Đêm nay, chúng tôi đã làm một việc hết sức ý nghĩa, đó là kết nối sự đồng điệu, để thế hệ trẻ tự tin đón nhận bài học quý của tiền nhân để lại”.

     

    Chương trình hành động quốc gia

    Tại lễ đón nhận, các nghệ nhân bày tỏ sự vui mừng khi đờn ca tài tử Nam Bộ đã có bước chuyển mới, được nhà nước chăm lo từ đời sống của nghệ nhân cho đến việc duy trì tổ chức những lớp học nghề để phát huy thế mạnh đờn ca tài tử. Bên cạnh đó, các cuộc liên hoan, tập huấn cùng các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa trên cả nước sẽ là nguồn lực thúc đẩy phong trào đờn ca tài tử thăng hoa.

    Trong đêm đón nhận bằng của UNESCO, Bộ VH-TT-DL đã công bố chương trình hành động quốc gia với 7 nội dung, đồng thời kêu gọi nhân dân cả nước chung sức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.

    Trong chương trình hành động, Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh: Sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, đối với việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa nói chung và đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng.  Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, đưa bộ môn này vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho các cơ sở đào tạo chuyên ngành. Có chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu của nhà nước cho các nghệ nhân đờn ca tài tử có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc giữ gìn, phát huy bộ môn này…

    Bà Katherine Muller - Marin nhận định: “Đờn ca tài tử Nam Bộ  đã đưa con người đến gần với nhau hơn, gợi lên cuộc sống trên mảnh đất miền sông nước ĐBSCL, phản ánh tâm tư tình cảm của họ, cũng như sự chuyên cần, lòng quả cảm và khí phách của người dân nơi đây”. 

     

     

    Nghệ thuật dân gian độc đáo

    Tại lễ đón nhận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu nhấn mạnh: Trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng và giàu bản sắc dân tộc. Thành quả sáng tạo, giữ gìn, trao truyền của cha ông đã để lại cho chúng ta một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ - phong phú. Trong kho tàng di sản quý báu đó có đờn ca tài tử Nam Bộ - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung và miền Nam.

    Theo Thủ tướng, đây là loại hình nghệ thuật đặc trưng của miệt vườn sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp hòa quyện, đặc sắc giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc vừa mang những nét đặc sắc của người dân phương Nam - cần cù, bình dị, chân thành, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường nhưng rất đỗi nhân văn của những người con Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

     

    Theo nld.com.vn