Chăm chăm vào đại học
Tâm lý coi trọng bằng cấp, những yếu kém trong hướng nghiệp, thiếu cơ chế ưu tiên trường nghề khiến nhiều chính sách, giải pháp về phân luồng học sinh học nghề được đưa ra từ nhiều năm nay rơi vào bế tắc
Tâm lý coi trọng bằng cấp, những yếu kém trong hướng nghiệp, thiếu cơ chế ưu tiên trường nghề khiến nhiều chính sách, giải pháp về phân luồng học sinh học nghề được đưa ra từ nhiều năm nay rơi vào bế tắc
PGS-TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, cho biết mỗi năm, nước ta có khoảng 1,2 triệu học sinh (HS) tốt nghiệp THCS nhưng chỉ 5%-10% vào học tại các cơ sở dạy nghề; gần 1 triệu HS tốt nghiệp THPT nhưng có tới 80% chọn con đường vào ĐH, CĐ.
Trượt 3 năm vẫn thi ĐH
Mặc dù trên thực tế, số HS vào ĐH, CĐ chỉ khoảng 60% nhưng số không đỗ cũng không vào các trường nghề. TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương - dẫn chứng: “Có những HS thi trượt ĐH đến năm thứ 3 nhưng vẫn kiên quyết thi lại mà không chịu học nghề. Trong khi đó, xã hội lại tôn vinh những trường hợp này là có chí, kiên trì mà không nghĩ rằng đây chính là sự lãng phí lao động, tiền bạc vô cùng lớn”.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2010-2011, trong tổng số hơn 2 triệu HS tốt nghiệp THCS và THPT, chỉ có 330.000 (tương đương 16,1%) vào học hệ TCCN, không có đối tượng học hệ dạy nghề. Trong khí đó, cũng trong năm này, số HS tốt nghiệp THPT là trên 940.000 thì tuyển vào ĐH gần 513.000, chiếm tỉ lệ 54,5%. TS Nguyễn Đắc Hưng cho biết số liệu này cho thấy mặc dù đã rất cố gắng nhưng chủ trương phân luồng nhiều năm qua vẫn không thực hiện được. Chính bất cập trong phân luồng đã làm cho cơ cấu nhân lực của nước ta không đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
Theo PGS-TS Mạc Văn Tiến, chính bất cập trong phân luồng nên cơ cấu nhân lực của nền kinh tế nước ta rất bất hợp lý và xu hướng ngày càng bất hợp lý hơn về tỉ lệ giữa ĐH, trung cấp và công nhân kỹ thuật. Đáng lẽ trong nền kinh tế chuyển sang hướng công nghiệp hóa thì tỉ lệ lao động trong các ngành cơ khí, kỹ thuật phải tăng lên nhưng ở nước ta lại ngược lại.
Chê học nghề
Theo khảo sát của TS Nguyễn Đắc Hưng, trong số những nguyên nhân khiến HS chê học nghề, chỉ có 60% ý kiến cho rằng giáo viên (GV) tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đáp ứng được đối tượng HS tốt nghiệp THCS cả về số lượng và chất lượng, có 63% ý kiến đồng ý với nhận xét chương trình hiện nay chưa phù hợp đối tượng tuyển sinh đầu vào là THCS. Trong khi đó, có tới 89,9% ý kiến cho rằng chưa có chính sách khuyến khích người học là một trong những nguyên nhân cản trở phân luồng HS.
Để phân luồng hiệu quả, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, đề xuất không thể chậm trễ mà phải có những quyết sách nhằm thực hiện các tiêu chí về giáo dục nghề nghiệp như điều phối việc xác định chỉ tiêu đào tạo theo từng mã ngành của các bậc, hệ, từ sơ cấp, trung cấp đến ĐH và sau ĐH. “Cho thực hiện mô hình đào tạo hệ CĐ 9+5 nhằm thu hút HS vào học ngay sau THCS, tùy theo trình độ và năng lực của từng em. Đầu ra có thể sau 2 năm là công nhân lành nghề, sau 3 năm nhận bằng trung cấp và sau 5 năm nhận bằng CĐ” - ông Thanh nói.
Ở một góc độ khác, TS Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP, cho biết số HS hao hụt tại các trường TCCN và dạy nghề thường chiếm tỉ lệ 40%-50% nên giáo dục hướng nghiệp không chỉ dừng lại ở các trường THCS, THPT mà còn phải tiếp tục và thường xuyên cho HS khi mới bước vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm góp phần ổn định tư tưởng, thúc đẩy động cơ học tập của các em...
Thiếu giáo viên dạy nghề
Các chuyên gia cho rằng nhiều gia đình và HS không lượng được sức học của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm. Tâm lý xã hội coi trọng bằng cấp thì còn tồn tại những nguyên nhân như hệ thống thông tin thị trường lao động còn nghèo nàn, việc đầu tư của nhà nước và của xã hội để phát triển giáo dục nghề nghiệp bị hạn chế. “Một nguyên nhân không nhỏ nữa là quy mô các cơ sở dạy nghề còn yếu kém, chỉ tính riêng các trường TCCN, nếu mỗi năm tuyển thêm khoảng 100.000 HS tốt nghiệp THCS thì GV phải tăng thêm ít nhất 5.000 người. Để đáp ứng tỉ lệ GV/HS như quy định thì GV dạy nghề và TCCN cần phải tăng thêm ít nhất 20.000 người”- TS Nguyễn Đắc Hưng cho biết.
Theo nld.com.vn