Chuyện con chữ nơi đầu sóng

    Cách đây hơn 10 năm, đảo Cô Tô còn chưa có điện lưới quốc gia, cả huyện đảo chỉ có đường bê tông và ít cây xanh, mùa đông thì buốt giá mùa hạ thì như chảo lửa giữa trùng khơi.

    Cách đây hơn 10 năm, đảo Cô Tô còn chưa có điện lưới quốc gia, cả huyện đảo chỉ có đường bê tông và ít cây xanh, mùa đông thì buốt giá mùa hạ thì như chảo lửa giữa trùng khơi. 

     

     

    Đảo Quan Lạn đẹp đó, nhưng đi lại thì vô cùng gian khó nhưng vẫn có những thầy cô giáo không quản ngại gian khó ngày đêm bám đảo, bám biển dạy chữ cho học sinh.

     

    Hạn hán có năm kéo dài tới hơn 3 tháng, từ tháng 5 - 8 bắt đầu sóng Nam, rồi gió mùa Đông Bắc về, sóng lớn tàu thuyền không ra vào được, đảo hoàn toàn tách biệt với đất liền. 

     

    Cư dân trên đảo ngoài nỗi lo cơm áo gạo tiền còn có sự thiếu thốn về chữ nghĩa, học hành mỗi khi có thêm một đợt di dân ra (chủ yếu là người đi làm kinh tế mới).

     

    Tôi còn nhớ mãi câu nói của bác Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô ngày đó mà người dân vẫn gọi vui là Chúa đảo Nguyễn Thanh Sửu: Đất liền khó khăn một thì ở vùng đảo này khó muôn phần. 

     

    Cái ăn chưa đủ thì việc học chữ đối với người dân cũng chưa cần thiết bằng đi kiếm miếng cơm, manh áo. Thế nhưng, vẫn phải có trường, có lớp để có học sinh. Muốn có học sinh thì phải có thầy cô giáo. 

     

    Chính quyền đã tạo mọi điều kiện để thầy cô giáo đến với đảo và yên tâm công tác. Cô Tô giờ không còn cảnh trò đói, thầy cũng đói, học sinh bỏ học theo cha mẹ đi biển, giáo viên thay nhau dạy để từng người về nhà xin tiền gia đình mua gạo từ đất liền đem ra.

     

    Cô giáo Nguyễn Thị Hường người Cẩm Phả và Phạm Thanh Thùy người Hạ Long, khi đó vừa tốt nghiệp Trường CĐSP Quảng Ninh, xung phong ra đảo làm GV mầm non, chia sẻ: Nhận quyết định phân công ra đảo, chúng em cũng tìm hiểu và nghe mọi người kể lại những khó khăn trên đảo là “cư dân thì nghèo truyền kiếp” lại thêm thiên nhiên khắc nghiệt, giao thông cách trở…. nhưng tuổi trẻ, xác định gắn bó với nghề, lo thì lo đấy, rồi lại vui ngay.

     

    Năm 2002, Quan Lạn chưa có điện, khu nhà tập thể của giáo viên nằm ngay sát biển kề bên bãi sú trải dài tít tắp. Tối đến, cả xã đảo như chìm vào cái bao la của biển cả. Các cô giáo Hà Thị San, Vũ Hồng Minh, Trần Thị Yến đều vui vẻ kể về việc các bác ở xã rất quan tâm, xây cho nhà tập thể, phát cho từ cái giường, chiếu, chiếc giá đựng bát cho đến từng chiếu bát, đôi đũa ... 

     

    Thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Binh ngoài giờ lên lớp lại làm “giúp việc” cho toàn thể chị em, đó là: Xách cho tớ xô nước với Binh ơi! Sớm mai đèo tớ đi chợ nhé – Binh ơi! Tôi còn nhớ mãi nụ cười và câu nói của Binh khi đang tưới rau: Đất ở đây toàn cát cây chậm lớn lắm, nhưng lo gì phải không anh, ở đây chữ còn trồng được trên cát huống hồ là cây, chỉ cần mình quyết tâm thôi!

     

    Thấm thoắt đã hơn 10 năm đã qua, Cô Tô, Quan Lạn giờ đây đã khác xưa nhiều. Đảo Quan Lạn đã có trường THPT theo đúng nguyện vọng của người dân. Cô Tô đã có điện lưới quốc gia, huyện đảo đang ngày càng giàu đẹp. 

     

     

    Cả hai đảo giờ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Trong đổi thay to lớn có công sức không nhỏ của các thế hệ thầy cô giáo đã không quản ngại gian khó để chở chữ ra đảo, công lao đóng góp của họ lớn biết nhường nào.

     

    Theo Báo Giáo dục & Thời đại