Để học sinh yêu hát Quốc ca
Chỉ thị của Bộ GD&ĐT vừa ban hành về tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo được cho là phù hợp và vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Chỉ thị của Bộ GD&ĐT vừa ban hành về tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo được cho là phù hợp và vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Đặc biệt, nội dung hát Quốc ca tại Lễ chào Cờ Tổ quốc, Chỉ thị ghi rõ:
Nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh, sinh viên, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên và các tổ chức đoàn thể khác trong các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức cho học sinh, sinh viên tập hát Quốc ca, đảm bảo 100% học sinh, sinh viên hát đúng nhạc và lời Quốc ca. Tạo điều kiện cho trẻ mầm non được nghe Quốc ca thường xuyên.
Thi hát Quốc ca
Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên cho rằng, trong thời điểm hiện nay, việc nhấn mạnh đến nội dung này là rất phù hợp.
Nhận định của ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang: Việc bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc lúc nào cũng cần thiết, đặc biệt trong thời điểm này. Với sự chỉ đạo nghiêm túc, tôi tin rằng, các nhà trường, thầy cô giáo và các em học sinh sẽ chấp hành tốt, không có gì khó khăn.
Giám đốc Vũ Văn Sử nhấn mạnh thêm, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, với các em học sinh, sinh viên đừng nói điều gì đó cao siêu. Đó là những điều rất gần gũi, rất cụ thể như yêu người thân trong gia đình, yêu từng bờ tre, gốc lúa… Tình yêu đó phải làm sao để đến một cách thật tự nhiên và sâu sắc.
Cũng khẳng định tính cần thiết Chỉ thị của Bộ GD&ĐT ra đời trong thời điểm này, thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) - cho biết: Việc cho học sinh hát Quốc ca trong giờ chào cờ và 100% học sinh thuộc nhạc và lời bài hát thiêng liêng này đã được trường thực hiện 2 năm nay.
“Đội tuyển quốc gia các nước trước khi ra trân đều hát Quốc ca. Họ hát một cách trang trọng, thể hiện sự tự hào, tình yêu với Tổ quốc mình. Đó cũng là hình ảnh tôi thường xuyên nhắc nhở học trò của mình.
Bên cạnh ý nghĩa này, tôi nghĩ một cách đơn giản, nếu trong giờ chào cờ, học trò hát Quốc ca sẽ tập trung và không làm những việc khác.
Còn nếu chỉ bật nhạc, phần nhiều các em sẽ không chỉ không hát mà còn làm việc riêng, ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của giờ chào cờ.
Mới đầu, học sinh cũng miễn cưỡng. Nhưng dần dần, việc này trở thành thói quen và các em đã làm rất tốt” - Thầy Nguyễn Văn Định cho hay.
Không chỉ rèn luyện thói quen học sinh hát Quốc ca bằng lời, Trường THPT Tháp Mười còn tổ chức thi hát Quốc ca trong toàn trường và theo đơn vị lớp mỗi năm một đến hai lần, có đưa vào thi đua.
Trước mỗi kỳ thi, học sinh thường dành 15 phút đầu giờ để tập luyện, nhiều khi, các thầy cô giáo cũng sẽ cùng tham gia. Việc hát Quốc ca đã không còn là miễn cưỡng mà thực sự đem lại niềm hứng thú cho các em.
Vui nhất, theo thầy Nguyễn Văn Định là việc làm của trường đã có sức lan tỏa. “Các trường tiểu học, THCS lân cận cũng đã áp dụng cách làm của trường mấy tháng nay và rất có hiệu quả” – Thầy Định chia sẻ.
Giờ Chào cờ hấp dẫn
Cô giáo Ngọc Mai - Trường THPT Đức Thọ (Hà Tĩnh) - cho biết: Mỗi người dân Việt Nam, trong đó có học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chào cờ Tổ quốc đầu tuần vô cùng thiêng liêng và quan trọng trong việc giáo dục đạo đức nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh.
Nhận thức được điều đó, Ban Giám hiệu Trường THPT Đức Thọ đã kết hợp với Đoàn trường có nhiều đổi mới trong tiết chào cờ, thu hút được sự tham gia nhiệt tình và phát huy hứng thú cho học sinh.
Năm học 20bieetg- 2014, trong tiết chào cờ đầu tuần, ngoài phần nghi lễ và hát Quốc ca, Ban giám hiệu chỉ đạo Đoàn trường lồng ghép các nội dung sinh hoạt với nhiều hình thức đa dạng và phong phú phù hợp với chủ điểm từng tháng như: Kể chuyện dưới cờ, đọc thư gửi thầy cô giáo, diễn đàn về an toàn giao thông, diễn đàn “Khi tôi 18”, tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, giới thiệu sách hay cho học sinh …
Nếu đến dự tiết chào cờ của Trường THPT Đức Thọ, có thể thấy, tất cả học sinh đều hát hát to, rõ, đều và đúng nhạc với tất cả niềm tự hào.
Cô Ngọc Mai kể: Vào tiết chào cờ tuần đầu tháng 12 năm trước, cô Lê Thị Hoài Duyên – Cán bộ thư viện - đã giới thiệu cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường cuốn sách “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam” do trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chỉ đạo nội dung.
Qua đó, giáo dục học sinh lý tưởng cách mạng và hiểu thêm kinh nghiệm chiến đấu của các thế hệ đi trước, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu đất nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
"Tiết chào cờ của Trường thực sự đã trở thành một giờ học lí thú, một buổi sinh hoạt hấp dẫn, mang lại nhiều hứng thú cho học sinh, qua đó giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh trong thời kỳ hội nhập" - Cô giáo Ngọc Mai tự hào khẳng định.
Theo TTXVN, trong buổi lễ chào cờ sáng 12/5, hàng nghìn giáo viên, học sinh THPT Lê Quý Đôn (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đã xếp thành hình bản đồ Tổ quốc Việt Nam với thông điệp khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM), trong buổi lễ chào cờ, thầy Phạm Văn Cường - Phó hiệu trưởng - đã có buổi nói chuyện với học sinh tình hình xâm phạm vùng biển Việt Nam của Trung Quốc. |
Theo Báo Giáo dục & Thời đại