Hoang mang trước Đề án đổi mới giáo dục
Lần đầu trình Thường vụ Quốc hội sáng 14/4, nhưng dự thảo Nghị quyết đổi mới chương trình và sách giáo khoa bị đánh giá là quá sơ sài, không khả thi.
Lần đầu trình Thường vụ Quốc hội sáng 14/4, nhưng dự thảo Nghị quyết đổi mới chương trình và sách giáo khoa bị đánh giá là quá sơ sài, không khả thi.
Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và tờ trình của ngành Giáo dục thì mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là để tạo ra "chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục" thông qua việc xây dựng và thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế...
Thế nhưng, những nội dung cụ thể của chương trình đổi mới lại rất mờ nhạt và chung chung khiến Chủ tịch Quốc hội lẫn hầu hết các Ủy viên Thường vụ Quốc hội đều rất băn khoăn về tính khả thi của đề án này.
Ngành Giáo dục đặt mục tiêu trong 10 năm tới hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa thử nghiệm các lớp 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 11 và 12. Ảnh: H.H
Bộ GD&ĐT cho biết, nội dung cơ bản là đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Chương trình được xây dựng theo hướng tăng cường tích hợp ở tiểu học và THCS, phân hóa rõ dần từ tiểu học đến THCS và sâu hơn ở THPT.
Đề án đổi mới hướng đến việc thống nhất trong cả nước một chương trình giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, các trường xây dựng chương trình giáo dục của mình dựa trên chương trình giáo dục phổ thông quốc gia.
Ngành Giáo dục đặt mục tiêu trong 10 năm tới hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa thử nghiệm các lớp 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 11 và 12; Hoàn thành việc thử nghiệm chương trình, sách giáo khoa; Hoàn thành việc đánh giá chương trình, sách giáo khoa thử nghiệm...
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết thêm, kinh phí dự kiến thực hiện đề án đổi mới này (chưa bao gồm tiền xây cơ sở vật chất cho trường còn thiếu) lên đến 34.275 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, nghe xong phần trình bày, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đặt câu hỏi: "Cái mới là gì, đột phá của sách giáo khoa ở đâu?". Rồi ông cho biết, "thật sự hoang mang" khi cố tìm câu trả lời.
Theo ông Ksor Phước, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa 10 thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002-2003, đến nay đã 14 năm nhưng “thay đổi toàn diện” đến đâu thì chưa ai làm rõ. Cho nên "giờ lại tiếp tục một cuộc đổi mới toàn diện khác thì bắt đầu từ đâu, làm thế nào"?
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng băn khoăn: "Chính phủ, ngành Giáo dục cần phải đánh giá lại xem đổi mới ấy làm được cái gì, hạn chế ở đâu, nguyên nhân vì sao lại thế...".
"Năm ngoái, Nghị quyết 687 của Quốc hội cũng giao Chính phủ tổng kết lại Nghị quyết 40 nhưng nay Bộ bảo căn cứ báo cáo giám sát của Quốc hội là chưa đúng. Bộ phải tổng kết theo yêu cầu của Quốc hội", bà Mai yêu cầu.
Cho rằng, quá trình tổng kết lẫn xây dựng đề án này phải lấy ý kiến chuyên gia, cần thiết thì lấy ý kiến cả nhân dân, ông Lý lập luận: "Đề án này là cần nhưng chuẩn bị phải rõ hơn. Một đề án lớn thế này mà báo cáo đánh giá tác động chỉ vỏn vẹn 2,5 trang. Một đề án tương xứng với số tiền gần 2 tỷ USD không phải là chuyện nhỏ".
Giáo dục hiện nay nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành. Ảnh: H.H
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ sự băn khoăn: "Tôi lo nhất là tính khả thi vì một là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để cập nhật với hệ thống sách giáo khoa mới. Hai là cơ sở vật chất cần thiết để triển khai được. Hai cái này có khả thi không? Hay đến lúc đó lại nói do giáo viên, do cơ sở vật chất rồi đề nghị tăng tiền để thực hiện?".
Nhận xét vào nội dung cụ thể của đề án cũng như dự thảo nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội nói thẳng: "Chương trình thế nào, sách giáo khoa ra sao, tổ chức thực hiện đến đâu để đạt được mục tiêu “đổi mới căn bản toàn diện theo hướng hiện đại” thì đề án chưa hề có mà mới ở mức chép lại quan điểm trong nghị quyết của Đảng"
Theo người đứng đầu Quốc hội, việc đầu tiên của nghị quyết bao giờ cũng phải đánh giá lại việc thực hiện đã qua, nhưng Bộ giáo dục lại đi ngay vào mục tiêu " mục tiêu và nội dung thì lại trùng lẫn với nhau".
Dẫu thông cảm với ngành giáo dục "lần đầu trình đề án này ra thường vụ Quốc hội", song Chủ tịch Quốc hội vẫn nhắc nhở: "Thường trực Chính phủ đã thảo luận rồi mà dự thảo nghị quyết cứ thế này trình ra Quốc hội là bị chê đấy. Từ đây đến tháng 5 phải hoàn thiện lại mới đủ điều kiện trình Quốc hội".