Mò mẫm dạy học chờ phương án thi

    Những dự định về việc chọn ngành, chọn trường đã được học sinh chuẩn bị từ 3 năm trước nhưng giờ đây, các em đang rất băn khoăn khi nhiều trường đưa ra những tổ hợp môn thi mới cho kỳ tuyển sinh 2015

    Những dự định về việc chọn ngành, chọn trường đã được học sinh chuẩn bị từ 3 năm trước nhưng giờ đây, các em đang rất băn khoăn khi nhiều trường đưa ra những tổ hợp môn thi mới cho kỳ tuyển sinh 2015

     

     

    “Ngày nào phụ huynh cũng gọi đến trường bày tỏ lo lắng trước những thay đổi trong phương án tuyển sinh 2015 của các trường ĐH. Họ hỏi nhà trường phải làm gì trước những thay đổi này. Họ lo là phải khi những thông tin về tuyển sinh thay đổi liên tục. Cách đây không lâu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định không thay đổi khối thi nhưng đề án tuyển sinh của các trường lại có nhiều nhóm môn thi mới” - ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TP HCM), nói.

     

    Khó đáp ứng hàng loạt thay đổi

     

    Hiện tại, nhiều trường ĐH đã công bố đề án tự chủ tuyển sinh năm 2015 với những nét mới trong tuyển sinh và mỗi trường tuyển một kiểu. Trường ĐH Kinh tế TP HCM xét tuyển theo 3 tổ hợp môn thi. Bên cạnh khối thi truyền thống là A và A1, trường bổ sung thêm tổ hợp môn thi toán, ngữ văn, tiếng Anh (D1 cũ). Trường ĐH Luật TP HCM tuyển sinh theo hình thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, kiến thức chính trị - xã hội của thí sinh; phần này chiếm tỉ trọng 20% điểm trúng tuyển vào trường. Trường ĐH Nông Lâm TP HCM vẫn giữ các môn thi tích hợp theo khối thi truyền thống của trường, gồm: A, A1, B, D1. Trường xét tuyển 100% chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Rất nhiều trường ĐH khác thì đưa ra các phương án bổ sung hàng loạt khối thi mới.

     

    Cô và trò lớp 12 Trường THPT Marie Curie (TP HCM) trong giờ học chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 2015 Ảnh: TẤN THẠNH
     
     
     
    Cô và trò lớp 12 Trường THPT Marie Curie (TP HCM) trong giờ học chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 2015 Ảnh: TẤN THẠNH
     

    Ông Bùi Gia Hiếu ví đề án tuyển sinh năm 2015 của các trường là cảnh trăm hoa đua nở với nhiều điểm mới. Ông Hiếu cho rằng việc xét tuyển với những tổ hợp môn thi mới sẽ không hiệu quả nhiều khi học sinh ngay từ lớp 10 đã chọn học nâng cao những môn thi ĐH theo khối thi truyền thống.

     

    Bà Phùng Thị Nguyệt Thu - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Lâm, TP HCM - cho rằng thời điểm sau ngày 15-10 mới có nhiều trường công bố đề tuyển sinh. Điều này sẽ khó khăn cho học sinh nếu như có sự điều chỉnh lớn trong phương thức tuyển sinh, các em sẽ không đáp ứng được.

     

    Loay hoay đổi phương pháp dạy học

     

    Đại diện các trường THPT cho rằng cấu trúc đề thi quốc gia khác với đề thi tốt nghiệp và đề thi ĐH trước đây nên các trường đang tập trung đổi mới phương pháp dạy học cho học sinh. Tuy nhiên, việc thay đổi phương pháp học cũng mỗi trường một kiểu và dựa trên phán đoán của giáo viên.

     

    Theo ông Bùi Gia Hiếu, ở kỳ thi quốc gia tới đây, đề thi môn vật lý và hóa học có thêm yêu cầu thí sinh phải mô tả thí nghiệm. Đây là yêu cầu rất mới nên trong dạy học, các thầy cô giáo phải chuẩn bị kỹ cho học sinh.

     

    Ông Nguyễn Phạm Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình, TP HCM - cho rằng đề thi quốc gia năm 2015 chắc chắn sẽ tiếp tục đổi mới trong cách ra đề thi, đặc biệt với môn khoa học xã hội. Thay vì kiểu học thuộc văn mẫu như trước kia, học sinh phải được trang bị tốt kỹ năng làm bài và khả năng cảm nhận. Chỉ có như vậy, các em mới giải quyết tốt bài thi dù nội dung có nằm trong sách giáo khoa hay không.

     

    Theo một đại diện của Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm, đề thi tích hợp chưa được triển khai nhưng ở một số nội dung thi nhất định, thí sinh cần vận dụng tốt kiến thức ở nhiều môn học để áp dụng làm bài. Làm được điều này, bài thi của thí sinh sẽ được cán bộ chấm thi đánh giá cao hơn. Hiện nay, Trường THPT Ngô Thời Nhiệm đang tích cực triển khai dạy học theo hướng này.

     

    Còn theo ông Huỳnh Trọng Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, kỳ thi quốc gia 2015 dù có những thay đổi song sẽ không có xáo trộn lớn. Do vậy, học sinh cần tập trung học, luyện và nắm vững những kiến thức cơ bản.

     

    Tuy nhiên, đại diện các trường cho rằng Bộ GD-ĐT nên sớm có quy chế và những văn bản hướng dẫn về một kỳ thi, trong đó có hướng thay đổi cách ra đề thi như thế nào để việc dạy và học cho học sinh khối 12 không theo kiểu “đoán mò” như hiện nay, gây lo lắng cho thí sinh và cả giáo viên.

     

    Bỏ ước mơ vì thay đổi môn thi

     

    Theo bà Phùng Thị Nguyệt Thu, việc thay thế các môn xét tuyển theo khối thi truyền thống là không nên vì sẽ gây sốc do các em không chuẩn bị kịp. Thực tế cho thấy vào phút chót của kỳ tuyển sinh ĐH 2014, Trường ĐH Kiến trúc TP HCM thay đổi môn thi; thay vì giữ ổn định thi toán, vật lý, vẽ như các năm trước thì trường lại đổi thành toán, văn, vẽ. Sự thay đổi đột ngột đó khiến nhiều học sinh dự kiến thi vào trường này đã phải chuyển nguyện vọng sang trường khác, từ bỏ ước mơ trở thành kiến trúc sư.

     

     

     

    Theo nld.com.vn