Nhiều phản bác đề án cấp bằng cao đẳng cho sinh viên ĐH Sư phạm

    Cho rằng đào tạo giáo viên THCS và THPT có yêu cầu, phẩm chất khác nhau nên cần hai chương trình riêng, lãnh đạo nhiều trường ĐH Sư phạm phản đối đề xuất cấp bằng cao đẳng cho sinh viên đại học đã đủ tỉn chỉ.

    Cho rằng đào tạo giáo viên THCS và THPT có yêu cầu, phẩm chất khác nhau nên cần hai chương trình riêng, lãnh đạo nhiều trường ĐH Sư phạm phản đối đề xuất cấp bằng cao đẳng cho sinh viên đại học đã đủ tỉn chỉ.

     

    Theo đề án đổi mới đào tạo đối với các trường ĐH sư phạm, nếu sinh viên học đủ tín chỉ và đảm bảo chuẩn chất lượng đối với giáo viên THCS thì có thể lựa chọn dừng việc học, lấy bằng cao đẳng.

    Đại diện ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng cách đào tạo vừa cấp bằng cao đẳng vừa cấp bằng đại học như trên không khác gì là cách đi đường của một người có hành trình từ Hà Nội xuống Hải Phòng nhưng dừng chân lại ở Hải Dương. Đây là việc làm không thuyết phục.

    Thầy Lê Tự Hải, Trưởng khoa Hóa ĐH Sư phạm Đà Nẵng phân tích, đào tạo giáo viên THCS phải có chương trình riêng, đi từ đầu đến cuối. Không thể đang đi một chương trình, đến nửa đường dừng lại được.

    Bên cạnh đó, trao quyền lựa chọn cho người học cũng gây hiệu ứng tâm lý không tốt đối với sinh viên. Nhiều em sẽ "cậy" rằng: Học không được thì dừng lại, xuống dạy THCS.

    Thầy Lê Quang Sơn, ĐH Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ, bàn về mô hình đào tạo phải xuất phải điểm là giáo viên. "Tôi cũng không đồng ý trên con đường đào tạo giáo viên THPT lại cắt khúc để cho ra giáo viên THCS bởi đây là hai việc khác nhau, không thể chung được", thầy Sơn nói.

    Theo thầy, muốn đào tạo giáo viên một số môn mới tích hợp ở THCS thì cần phải xây dựng chương trình đào tạo mới. Trong điều kiện kinh tế khó khăn thì thời gian đào tạo sư phạm 4 năm là phù hợp. Tuy nhiên, đào tạo giáo viên phải có 3 khúc, khúc 1 là đào tạo trường học, khúc 2 là nhập nghề (dạy thực tập ở các trường) và khúc 3 bồi dưỡng chuyên môn.

    "Trong chi tiết các môn học, năng lực của người giáo viên chưa nói đến các phẩm chất của nhà giáo như tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề... Chương trình phải bao hàm được các phẩm chất đó bởi nó còn quan trọng học năng lực nghề nghiệp", thầy Sơn kiến nghị.

     

    [Caption]

    Thầy Quốc Phong, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho rằng, mục đích của các trường ĐH sư phạm là đào tạo giáo viên cho các trường phổ thông, vì vậy khi xây dựng chương trình phải có hình bóng, cấu trúc của chương trình phổ thông. Ảnh: Hoàng Thùy.
     

    Thầy Quốc Phong, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho rằng, nhiệm vụ của các trường ĐH sư phạm là đào tạo giáo viên cho các trường phổ thông, vì vậy khi xây dựng chương trình phải có hình bóng, cấu trúc của chương trình phổ thông. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có chương trình sách giáo khoa, cấu trúc năng lực và chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông thì mới có thể tạo ra một mô hình đào tạo sư phạm.

    "Như vậy, vấn đề cần đặt ra hiện nay đúng là con gà có trước hay quả trứng có trước", thầy Phong nói và đề nghị, đề án đổi mới đào tạo trong các trường sư phạm cần phải dài hơi hơn, phải có điểm nhìn vượt thời gian, phát hiện được xu hướng phát triển theo hướng phân hóa, tích hợp, đặt người học làm trung tâm.

    135 hay 150 tín chỉ cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều của những giảng viên đào tạo nhà giáo tương lai. Thầy Mai Sỹ Tuấn, khoa Sinh ĐH Sư phạm Hà Nội đồng ý phải có 150 tín chỉ. Nguyên nhân là do mục tiêu đào tạo giáo viên sau nhiều lần bàn bạc là vừa dạy được môn tích hợp, vừa dạy được các môn chuyên biệt. Như vậy, nếu thời lượng 135 tín chỉ thì còn không bằng các trường cao đẳng, như vậy sẽ thiệt thòi cho sinh viên.

    "Dù có thay đổi cấu trúc đi nữa nhưng nếu không đủ lượng sẽ không chuyển được chất", thầy Tuấn nói và cho hay, để đào tạo giáo viên dạy một môn khoa học cũng đã chật vật, giờ phải đảm bảo cả năng lực dạy tích hợp, nhiệm vụ nặng nề thêm thì tăng 150 tín chỉ là hoàn toàn hợp lý.

    Thầy Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa toán, ĐH Sư phạm Hà Nội không thấy mâu thuẫn gì giữa đào tạo năng lực và kỹ năng. Ông cho rằng, khoa toán không dạy tích hợp thì 135 tín chỉ là hợp lý. Nhưng đối với những khoa có tích hợp, yêu cầu 3 trong 1 nhiệm vụ chương trình đào tạo thì cần nhiều thời gian hơn. "Nếu cắt tín chỉ, còn 1 cuốn SGK toán quá mỏng thì đó là thảm họa", thầy Thái nói.

    Nhiều ý kiến khác cũng đề xuất phải có cơ chế rõ ràng để triển khai dạy 150 tín chỉ cho các khoa học tích hợp, nhưng cần có chính sách, chế độ cho sinh viên và có thể kéo dài hơn 4 năm học.

     

    Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ sẽ không can thiệp vào việc đổi mới đào tạo sư phạm, song các trường cần ngồi lại với nhau, chung sức cùng làm thì nhất định chất lượng sẽ tốt hơn. Ảnh: Hoàng Thùy.

     

    Trong Đề án của ĐH Sư phạm Hà Nội cũng nhắc tới việc đào tạo sư phạm theo hình thức tích hợp các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Tuy nhiên, ngay cả khái niệm thế nào là tích hợp, dạy học tích hợp các ý kiến phát biểu tại Hội thảo còn khá mâu thuẫn, mù mờ.

    Đề nghị Bộ Giáo dục cần giải thích rõ hơn khái niệm tích hợp để giáo viên hiểu rõ, hiểu đúng, thầy Đào Tuấn Thành, Trưởng khoa Lịch sử (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, tích hợp không phải là ghép 2 môn sử cộng với địa. "Đây vẫn là câu hỏi lớn mà câu trả lời của các giảng viên ở đây cũng khác nhau", thầy Thành cho hay.

    Giảng viên khoa lịch sử này cho biết đã có chuyến đi thực tế ở Mỹ, giáo viên sử của họ vẫn dạy sử, địa vẫn dạy địa, chỉ có điều khác là trong chương trình đào tạo giáo viên sẽ có khoảng 15 tín chỉ lựa chọn những kiến thức liên quan địa cho sinh viên khoa sử, và ngược lại, nhằm giúp giáo viên tương lai có kiến thức tích hợp, ra dạy học sẽ tốt hơn, gắn kết nhiều hơn. Hoàn toàn không thể có chuyện giáo viên dạy sử dạy cả môn địa.

    Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển hoan nghênh ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo rất ý nghĩa. Ông Hiển chia sẻ, Bộ sẽ không can thiệp vào việc đổi mới đào tạo sư phạm, song các trường cần ngồi lại với nhau, chung sức cùng làm thì nhất định chất lượng sẽ tốt hơn.

    "Hy vọng đề án của ĐH Sư phạm Hà Nội thành công, trở thành mô hình điểm để các trường khác học tập, phục vụ cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục", Thứ trưởng nói.

    Theo ông Hiển, việc đổi mới các trường sư phạm cũng là nhằm vào đổi mới phổ thông, đổi mới qua năng lực dạy học. Việc tích hợp là cần thiết, thế giới đã làm nhiều. Giáo viên càng tích hợp được nhiều thì dạy học sẽ tốt hơn. Ở xã hội đang phải phát triển, giáo viên ra trường phải có chuẩn nghề nghiệp, có năng lực tích hợp sâu, phân hóa mạnh ngay trong từng môn.

    Về chương trình đào tạo thì càng linh hoạt càng tốt để vừa đáp ứng đào tạo giáo viên cho THPT, vừa đáp ứng giáo viên THCS. Không thể chỉ đào tạo giáo viên sử ra chỉ dạy sử, vì thực tế hiện nay nhiều người ra trường phải dạy chéo. "Điều quan trọng là phải cởi mở trong đào tạo, không nên đóng khuôn", Thứ trưởng nhấn mạnh.

    Vấn đề 135 hay 150 tín chỉ theo ông Hiển nên bàn kỹ. Xác định đào tạo sư phạm chỉ 4 năm thì trong 4 năm đó cần tính toán khoa học số tín chỉ phù hợp, sinh viên ra trường có đầy đủ năng lực tích hợp, phân hóa. Các trường cần tăng hoạt động trải nghiệm, đưa sinh viên vào thực tế của trường phổ thông

    "Các trường cùng nhau ngồi bàn thêm để đi đến tiếng nói chung. Bộ khuyến khích hình thành chương trình chung, nhưng vẫn mở để từng trường áp dụng theo điều kiện cho phép", Thứ trưởng nói.

     

    Theo Vnexpress