Niềm vui 8/3 của giáo viên: Những vất vả theo gió bay đi
Ngày 8/3, nhận những đóa hoa, những lời chúc mừng chân thành từ học sinh, phụ huynh, với mỗi cô giáo, dường như bao vất vả của nghề dạy học cũng đều như tan biến.
Ngày 8/3, nhận những đóa hoa, những lời chúc mừng chân thành từ học sinh, phụ huynh, với mỗi cô giáo, dường như bao vất vả của nghề dạy học cũng đều như tan biến.
Là nữ giáo viên, chúng tôi có nhiều ngày được nhận hoa, quà, lời chúc hơn các đồng nghiệp nam. Âu cũng là một sự an ủi lẫn tự hào cho nữ giáo viên - những người vốn dĩ trong cuộc sống hàng ngày đã chịu nhiều vất vả, thiệt thòi.
Trong nền văn hoá mà tư tưởng “việc nhà là của phụ nữ” còn khá phổ biến như Việt Nam, các cô giáo để có thể vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà” thì phải nỗ lực nhiều lắm.
Trong nhà, làm vợ, làm mẹ của một, hai đứa con đã cực nhọc, theo nghề giáo, cùng lúc, các cô phải làm mẹ cho vài chục em học sinh thì sự vất vả càng tăng thêm gấp bội.
Câu nói “cô giáo như mẹ hiền” vừa gửi gắm tình thương, tin cậy nhưng cũng là yêu cầu trách nhiệm lớn lao của xã hội dành cho các cô.
Làm sao để quan tâm sâu sát, chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ đồng đều cho tất cả học sinh là điều mà hầu hết giáo viên đều trăn trở. Ai đã theo nghề mới thấu hiểu được hết những “khắc nghiệt” của nghề.
Những điều tốt mà giáo viên mang lại cho học sinh thì được xem là điều bình thường, nhưng một sơ sót nhỏ, thì rất dễ bị cả xã hội lên án. Mà có khi không cần xã hội phải chỉ trích, tự bản thân giáo viên, trước những sai lầm của mình dù nhỏ, cũng đã tự dằn vặt, ân hận rồi.
Nói vậy, nhưng cứ mỗi lần đến những ngày đặc biệt như 8/3, nhận những lời chúc, lời cảm ơn, tình cảm chân thành của học sinh, phụ huynh, dường như những nỗi buồn, nỗi vất vả của nghề cũng theo gió bay đi. Để rồi chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình “trồng người” đầy đam mê của mình!
Theo Báo Giáo dục & Thời đại