Cắt buồng trứng dự phòng ung thư: Những lợi ích và nguy cơ

     Với những phụ nữ bị xem là có “nguy cơ cao” bị ung thư vú và buồng trứng, cắt buồng trứng dự phòng là một chiến lược có thể nghĩ đến để giảm nguy cơ bị bệnh.

    Với những phụ nữ bị xem là có “nguy cơ cao” bị ung thư vú và buồng trứng, cắt buồng trứng dự phòng là một chiến lược có thể nghĩ đến để giảm nguy cơ bị bệnh.

    Phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng là phẫu thuật để cắt bỏ cả hai buồng trứng và thường kèm theo cả ống dẫn trứng. Buồng trứng là cơ quan sản sinh trứng và cũng là nguồn hoóc-môn estrogen và progesterone chính của cơ thể. Ống dẫn trứng là nơi nối giữa buồng trứng với tử cung.

    Với những phụ nữ bị xem là có “nguy cơ cao” bị ung thư vú và buồng trứng, cắt buồng trứng dự phòng là một chiến lược có thể nghĩ đến để giảm nguy cơ bị bệnh. Có “nguy cơ cao” đồng nghĩa với việc người phụ nữ đó có xét nghiệm dương tính với bất thường ở gen BRCA1 hoặc BRCA2, cũng có nghĩa là có tiền sử gia đình bị ung thư vú, ung thư buồng trứng, hoặc cả hai rất rõ.

    Những lợi ích của phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng

    Giảm nguy cơ ung thư vú: Nhiều nghiên cứu cho thấy cắt buồng trứng dự phòng làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ nguy cơ cao. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, phẫu thuật này sẽ làm giảm 50% số ca mắc mới ung thư vú ở phụ nữ nguy cơ cao.

    Lợi ích này chỉ có được nếu việc phẫu thuật được tiến hành trước khi mãn kinh. Cắt buồng trứng trước khi mãn kinh làm giảm đáng kể lượng estrogen trong cơ thể người phụ nữ. Do một số ung thư vú cần estrogen để phát triển, nên việc cắt bỏ buồng trứng có thể làm chậm hoặc thậm chí làm ngừng tiến triển của các tế bào ung thư vú.

    Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy mức giảm nguy cơ ung thư vú sau khi cắt buồng trứng còn cao hơn ở những phụ nữ mang đột biến gen BRCA2.

    Phẫu thuật dự phòng phối hợp giảm nguy cơ của cả ung thư vú và ung thư buồng trứng

    Một nghiên cứu nhỏ trên 12 phụ nữ năm 2008 cho thấy phẫu thuật dự phòng cắt đồng thời cả buồng trứng và vú là an toàn và thành công. 7 năm sau mổ, không người nào trong số này phát hiện thấy ung thư. Mặc dù cần nghiên cứu thêm, song phẫu thuật kết hợp cả hai có thể vừa làm giảm nguy cơ vừa giúp tránh được một ca mổ và nằm viện lần hai.

    Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng: Dù thực hiện trước hay sau khi mãn kinh, phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng có thể làm giảm 90% nguy cơ ung thư buồng trứng ở những phụ nữ nguy cơ cao. Đây là một lợi ích quan trọng vì hiện chưa có xét nghiệm tầm soát nào đáng tin cậy đối với ung thư buồng trứng.

    Việc phát hiện sớm ung thư buồng trứng là rất khó khăn. Vì lý do này, chẩn đoán thường chỉ có được khi ung thư đã ở giai đoạn muộn và khó điều trị.

    Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy mức giảm nguy cơ ung thư buồng trứng sau mổ cắt buồng trứng là lớn hơn ở phụ nữ mang đột biến gen BRCA1.

    Các nguy cơ

    Giống như mọi phẫu thuật khác, mổ cắt buồng trứng dự phòng có một số nguy cơ. Đối với phụ nữ chưa mãn kinh, nó khiến cơ thể bị mất kinh, có thể gây ra những triệu chứng khó chịu và những tác dụng phụ khác. Tác động sức khỏe lâu dài của mất kinh do phẫu thuật cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ.

    Nguy cơ ngay sau mổ: có thể gồm

    - Chảy máu hoặc nhiễm trùng

    - Sẹo, nhất là nếu mổ mở (thay vì mổ nội soi). Mô sẹo có thể đau.

    - Tắc ruột và/hoặc tổn thương các cơ quan bên trong, mặc dù hiếm gặp

    Nguy cơ trước mắt: Những tác dụng phụ sau đây có thể xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần sau mổ:

    - Đau do vết mổ hoặc do bơm khí vào khoảng ổ bụng để mổ nội soi

    - Mệt mỏi trong 3-4 tuần sau mổ nội soi và có thể tới 6 tuần nếu phẫu thuật có đường mổ ở bụng lớn hơn

    - Thay đổi ở hệ tiêu hóa, bao gồm chán ăn, ít đi ngoài và cần ăn nhiều bữa nhỏ

    - Bắt đầu các triệu chứng mãn kinh liên quan tới mất estrogen, như bốc hỏa, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, khô và kích ứng âm đạo. Những triệu chứng này thường mạnh hơn đối với những người chưa bắt đầu mãn kinh tự nhiên.

    Nguy cơ lâu dài

    - Mổ cắt buồng trứng dự phòng là vĩnh viễn và không thể khôi phục lại được.

    - Phụ nữ mổ cắt buồng trứng dự phòng không thể có con được nữa.

    - Phụ nữ chưa mãn kinh thường bị mãn kinh do phẫu thuật, làm tăng nguy cơ loãng xương và các triệu chứng khó chịu của mãn kinh, bao gồm bốc hỏa/đổ mồ hôi trộm, khô và kích ứng âm đạo, và giảm ham muốn.

    - Sau phẫu thuật, một số phụ nữ bị trầm cảm hoặc lo âu về việc mất khả năng sinh đẻ, cũng như những tác dụng phụ khác như giảm ham muốn và khô âm đạo. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng.

    - Có những ý kiến trái ngược nhau về việc liệu có nên dùng liệu pháp thay thế hoóc môn (HRT) sau mổ cắt buồng trứng hay không. HRT có thể làm giảm các triệu chứng mãn kinh và mang lại những lợi ích sức khỏe khác cho phụ nữ trẻ. Nghiên cứu cho thấy HRT ngắn ngày là an toàn cho những phụ nữ cần giảm những tác động tức thì của mất kinh do phẫu thuật. Tuy nhiên, cá nhân các bác sĩ có những quan điểm khác nhau về việc này. Việc đưa ra quyết định về HRT có thể khiến một số phụ nữ cảm thấy bối rối và lo lắng.

    - Mặc dù cắt buồng trứng sự phòng làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư buồng trứng, song nó không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị một bệnh tương tự ung thư buồng trứng gọi là ung thư phúc mạc tiên phát. Đây là loại ung thư bắt nguồn ở phúc mạc – lớp mô bao phủ buồng trứng và tiểu khung. Ung thư phúc mạc có đặc điểm rất giống với ung thư buồng trứng, và cũng rất khó phát hiện sớm.

    Những triệu chứng khác có thể gặp phải sau phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng:

    - Đau cơ và khớp

    - Đau ngực/đánh trống ngực

    - Co thắt cơ (chuột rút)

    - Khó ngủ

    - Nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm nấm tái phát

    - Tiểu không tự chủ

    - Những tác động về cảm xúc như lo âu, trầm cảm và thay đổi tâm trạng

    Cắt buồng trứng sự phòng có thể có những nguy cơ lâu dài khác mà chưa biết. Các bác sĩ còn chưa hiểu hết tác động của mất estrogen đến sức khỏe tim, chức năng tâm thần, trí nhớ và những khía cạnh khác của cuộc sống người phụ nữ.

    Nghiên cứu năm 2006 của Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ) trên hơn 2.500 phụ nữ thấy rằng những người dưới 45 tuổi đã cắt buồng trứng mà không dùng liệu pháp thay thế ho óc môn bị tăng nguy cơ tử vong do một số bệnh khi về già. Những phụ nữ này cũng tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và những thay đổi khác trong chức năng tâm thần.

    Cho đến khi các bác sĩ biết rõ thêm về tác động của cắt buồng trứng đối với sức khỏe lâu dài ở phụ nữ trẻ, thì mỗi người cần làm việc với chính bác sĩ của mình để cân nhắc về những nguy cơ và lợi ích của phẫu thuật này.

    Với những người có nguy cơ cao bị ung thư vú và buồng tgrwngs, điều quan trọng là phải bàn bạc về mọi lựa chọn để giảm nguy cơ với bác sĩ và người thân. Cũng cần tham khảo những ý kiến khác về việc liệu mổ cắt buồng trứng dự phòng có phải là chiến lược hiệu quả toàn diện hay không– cả về bệnh và về chất lượng sống.

    Theo SKDS