Nguyên nhân gây vô sinh

    Vô sinh nguyên phát là một cặp vợ chồng chưa bao giờ có thai sau 1 năm có quan hệ tình dục mà không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào. 

    Vô sinh nguyên phát là một cặp vợ chồng chưa bao giờ có thai sau 1 năm có quan hệ tình dục mà không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào.

    Vô sinh thứ phát là một cặp vợ chồng chưa có thai lại sau lần có thai trước đó, ít nhất 1 năm có quan hệ tình dục mà không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào.

    Vô sinh ở nữ giới

    Nguyên nhân tại âm đạo:

    Do âm đạo có cấu trúc bất thường như âm đạo chỉ có một phần, âm đạo có vách ngăn hoặc do màng trinh quá dày nên không bị thủng sau khi giao hợp

    Nguyên nhân do cổ tử cung:

    Cổ tử cung có cấu tạo bất thường như lỗ cổ tử cung quá hẹp hay cổ tử cung bị chít hẹp do đốt điện hoặc sẹo do cắt polip, cổ tử cung không ở vị trí trung gian mà bị nghiêng ra trước hoặc nghiêng ra sau, chất nhày cổ tử cung quá đặc ngăn cản sự di chuyển của tinh trùng qua lỗ cổ tử cung.

    Nguyên nhân do tử cung:

    Tử cung giữ vai trò là nơi làm tổ của phôi sau khi thụ tinh nhưng do có sự bất thường của tử cung nên trứng noãn không thể làm tổ được. Hiện tượng vô sinh thường gặp ở những người không có tử cung, tử cung kém phát triển, tử cung dị dạng, tử cung có vách ngăn; dính buồng tử cung do hậu quả của việc nạo hút thai hay do bệnh lao sinh dục...

    Nguyên nhân do vòi tử cung:

    Vòi tử cung có cấu tạo bất thường như dị dạng hay không có vòi tử cung, tắt lòng vòi do các bệnh lý như: lạc nội mạc tử cung, nhiễm khuẩn thường gặp là do bệnh lậu và Chlamydia trachomatis.

    Nguyên nhân do buồng trứng: với những bất thường như: không có buồng trứng hoặc buồng trứng kém phát triển, hay buồng trứng không phóng noãn do dùng thuốc tránh thai, không phóng noãn do buồng trứng đa nang…

    Do các yếu tố khác: về nội tiết với các bệnh lý: suy tuyến yên hoặc u tuyến yên dẫn đến hoặc rối loạn chế tiết hoóc-môn hướng sinh dục, u tuyến thượng thận; thiểu năng, cường tuyến giáp, tăng prolactin huyết hoặc do sang chấn tinh thần nên lãnh cảm, sợ hãi quá mức nên từ chối sinh hoạt tình dục, suy dinh dưỡng làm rối loạn sản xuất hoóc-môn; các bệnh mạn tính làm giảm khả năng sinh hoạt tình dục, không phóng noãn, tuần suất giao hợp dưới 3 tuần một lần. Thụt rửa âm đạo, dùng các chất bôi trơn làm tinh trùng chết hoặc bị suy yếu.

    Buồng trứng bình thường (phải) Buồng trứng u nang(trái).

    Vô sinh ở nam giới

    Không sản xuất được tinh trùng: nguyên nhân này thường gặp ở những người mắc các bệnh lý như: hội chứng suy sinh dục tiên phát, suy tuyến yên, u tuyến yên, tăng prolactin máu…

    Do những bất thường của tinh hoàn: không có tinh hoàn, hoặc do các bệnh lý suy thận, các bệnh lý về gan bệnh, viêm nhiễm sinh dục do Chlamydia, lậu hoặc Chlamydia, tinh hoàn ẩn, giãn tĩnh mạch tinh hoàn, xoắn tinh hoàn. Ngoài ra nhiễm độc sinh dục do thuốc hoặc do tia xạ, chấn thương tinh hoàn và ở những người bị rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh trùng cũng gây vô sinh ở nam giới

    Bên cạnh đó, vô sinh ở nam giới còn do tác động của các bất thường khác như rối loạn vận chuyển tinh trùng do bẩm sinh hoặc mắc phải, không có ống dẫn tinh bẩm sinh và các bất thường khác do nguyên nhân từ tinh trùng.

    Những thói quen trong sinh hoạt hằng ngày như uống nhiều rượu, hút thuốc lá và kể cả stress cũng góp phần gây nên chứng vô sinh ở nam giới.

    Ngoài ra, vấn đề tâm lý cũng hết sức quan trọng vì có rất nhiều trường hợp mới cưới nhau trong vài tháng, người vợ chưa có thai đã hoang mang, lo lắng đưa nhau đi khám, nhất là đối với những gia đình ít con hoặc có con một. Bên cạnh đó, sức ép từ phía gia đình như ông bà thúc ép muốn có cháu thì tâm lý càng trở nên căng thẳng hơn.

    Khi đi khám vô sinh, cần khám cả hai vợ chồng chứ không riêng gì người vợ hay người chồng vì nếu chỉ khám một trong 2 người thì sẽ làm chậm cơ hội để điều trị. Theo các nhà nghiên cứu về vô sinh, nếu điều trị vô sinh càng chậm thì hiệu quả càng ít đi.

    Theo SKDS