Những nguyên nhân chính gây xuất huyết khi mang thai
Không phải hiện tượng xuất huyết trong thai kỳ nào cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sẩy thai, có những trường hợp không hề gây nguy hiểm cho bà bầu.
Không phải hiện tượng xuất huyết trong thai kỳ nào cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sẩy thai, có những trường hợp không hề gây nguy hiểm cho bà bầu.
Để bạn bớt lo lắng, dưới đây là danh sách một vài nguyên nhân gây chảy máu khi mang thai.
1. Do thai làm tổ
Một trong những nguyên nhân khiến chảy máu trong thai kỳ là do thai làm tổ, thường xảy ra trước khi bạn phát hiện mình có bầu. Sau khi trứng được thụ tinh, nó sẽ đi xuống tử cung rồi bám vào thành tử cung giàu dinh dưỡng để bắt đầu phát triển. Bởi vì tử cung có nhiều máu, vì thế đôi khi trong quá trình làm tổ hiện tượng xuất huyết có thể xảy ra. Những đốm máu màu nâu sáng thường xuất hiện từ vài giờ đến vài ngày. Nhiều người bỏ lỡ được chứng kiến hiện tượng này vì lượng máu không nhiều và cũng không bị phát hiện.
2. Chửa ngoài dạ con
Chửa ngoài dạ con xảy ra khi trứng làm tổ ở ngoài tử cung, thường là ở ống dẫn trứng. Cứ 60 phụ nữ mang thai thì có một trường hợp chửa ngoài dạ con. Các triệu chứng của việc mang thai ngoài tử cung gồm có những cơn đau nhói ở bụng, chuột rút lâu gây đau đớn, nồng độ hormon thai kỳ thấp và chảy máu âm đạo.
3. Sẩy thai
Sẩy thai là trạng thái bào thai bị hoại và ngưng phát triển trước khi sinh, thường xảy ra vào khoảng thời gian trước 12 tuần. Mặc dù đây là tình trạng tương đối phổ biến (15-20% mẹ bầu kết thúc thai kỳ bằng sẩy thai), nhưng không phải cứ chảy máu âm đạo có nghĩa là sẩy thai.
Các triệu chứng sẩy thai bao gồm chảy máu âm đạo với máu đông và các tơ máu, chuột rút mạnh ở vùng bụng dưới và đau phần lưng dưới. Nếu bạn thấy mình có một trong các triệu chứng sẩy thai trên, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức. Và hãy nhớ đôi khi bạn không làm gì sai khiến sẩy thai cả - vì phần lớn là sự bất thường tự nảy sinh nhằm ngăn chặn việc mang thai tiến triển.
4. Khối tụ máu
Khối tụ máu là sự bất thường phổ biến nhất khi mang thai, nó là một cục máu đông ở giữa thành tử cung và màng đệm. Hiện tượng này xảy ra khi trứng làm tổ và một phần tách ra khỏi thành tử cung. Thường thì đến tuần 20, những khối tụ máu nhỏ và vừa sẽ tự biến mất mà không gây ra bất kỳ biến chứng nào cho em bé. Cho dù các khối tụ máu có lớn đi chăng nữa, chúng cũng hiếm khi gây ra bong nhau thai, sẩy thai, hay sinh non.
5. Nhau tiền đạo
Nhau thai tiền đạo là hiện tượng nhau bám ở đoạn dưới tử cung, có thể che lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Khi thau nhai phát triển, nó di chuyển lên và ra khỏi cổ tử cung khi sinh nở. Nói chung các bà bầu được khuyên nên nằm thấp để ngăn không cho chảy máu nhiều hơn, và sinh mổ thường được áp dụng khi có thể nhằm ngăn ngừa những tác hại do chảy máu trong quá trình sinh thường.
6. Bong nhau thai
Bong nhau thai có lẽ là lý do đáng sợ nhất và nghiêm trọng nhất cho hiện tượng xuất huyết trong thai kỳ. Bong nhau thai xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ nhau thai tách ra khỏi thành tử cung, trước hoặc trong quá trình “vượt cạn” gây ra bởi chấn thương, lạm dụng thuốc, tuổi tác của bà bầu. Nếu gặp tình trạng này, mẹ bầu có thể bị sốc vì mất máu, máu bị đông hoặc suy thận. Còn em bé có thể bị thiếu ôxy, sinh non và thai chết lưu. May mắn là, tình trạng này cực kỳ hiếm gặp và bác sĩ của bạn thường nhận thấy các dấu hiệu của bong nhau thai trước khi nó xảy ra và trở nên nghiêm trọng.
7. Sự nhạy cảm của cổ tử cung
Lý do cuối cùng cũng là lý do phổ biến nhất cho hiện tượng xuất huyết - đó là sự nhạy cảm của cổ tử cung khi mang thai. Cổ tử cung của bạn rất nhạy cảm khi bạn có bầu và nó sẽ chảy máu nhẹ nếu bị kích thích. Việc thường xuyên khám phụ khoa trước khi sinh, quan hệ tình dục cũng như việc sử dụng băng vệ sinh có thể gây ra chảy máu nhẹ. Vì quan hệ tình dục khi có bầu thường an toàn, nên nếu bạn thấy xuất huyết hoặc đau sau khi ân ái, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức.
Theo afamily.vn