Phá thai bằng thuốc: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

     Phá thai bằng thuốc là biện pháp được nhiều người sử dụng và cho là biện pháp tối ưu. Thực tế, nó lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn bạn nghĩ.

     Phá thai bằng thuốc là biện pháp được nhiều người sử dụng và cho là biện pháp tối ưu. Thực tế, nó lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn bạn nghĩ.

    Phá thai bằng thuốc là phương pháp phá thai nội khoa, sử dụng thuốc để chấm dứt thai nghén là cách bỏ thai kín đáo mà không phải đến bệnh viện hay phòng khám. Biện pháp này được nhiều người sử dụng và cho là biện pháp tối ưu. Thực tế, phá thai bằng thuốc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn bạn nghĩ.

    Không tự ý phá thai bằng thuốc

    TheoThS.BS Lê Thị Phương Huệ, Bệnh viện Thanh Nhàn, phá thai bằng thuốc (hay phá thai nội khoa) là phương pháp “gây sẩy thai ” tự nhiên, tức là ngậm thuốc làm cho thai bị đẩy ra ngoài.

    Phá thai bằng thuốc hạn chế được các bất lợi hay tai biến có thể gặp trong phá thai thủ thuật, ví dụ như tai biến sốc do thuốc gây mê, gây tê, tổn thương đường sinh dục (thủng tử cung sau nạo hút ), nhiễm trùng… Thai phụ sẽ cảm thấy tự nhiên hơn, giống như tiến trình sẩy thai tự nhiên, do đó áp lực tâm lý sẽ nhẹ nhàng hơn.

    Tuy nhiên, theo bác sĩ Huệ, mặc dù phá thai bằng thuốc có tính chất an toàn nhưng không đơn giản như nhiều người vẫn cho rằng “cứ uống thuốc vào là xong”. Thuốc được sử dụng trong biện pháp bỏ thai này sẽ gây những cơn đau co thắt ở khu vực bụng dưới và ra máu nhiều. Trường hợp thai phụ nếu tùy tiện mua thuốc về dùng hoặc phá thai tại cơ sở y tế không đủ tiêu chuẩn, không theo dõi sát bệnh nhân, thai có thể không được tống xuất hoàn toàn có thể dẫn đến sót thai, sót nhau thai gây băng huyết, mất máu dài ngày nguy cơ nhiễm trùng tử cung cao sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

    Để tăng thêm tính an toàn khi áp dụng phương pháp phá thai bằng thuốc, thai phụ cần được tư vấn để hiểu rõ quy trình dùng thuốc, các dấu hiệu báo động sảy thai, hiện tượng sẩy thai sẽ diễn ra như thế nào và cung cấp kiến thức ngừa thai để không quá lo lắng khi có sự cố, tuân thủ tái khám theo đúng hẹn.

    Thực tế, phá thai bằng thuốc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn bạn nghĩ. 

    Chống chỉ định một số đối tượng

    Cũng như bất kì biện pháp bỏ thai nào khác, phá thai bằng thuốc cũng không được áp dụng rộng rãi cho tất cả mọi đối tượng. Phá thai bằng thuốc chống chỉ định với những người có bệnh tiền sử như tim mạch, gan, tiêu hóa, hen, suyễn, về cơ địa như dị ứng, phản ứng thuốc... Ngoài ra, thuốc chống chỉ định với những người bị bệnh lý tuyến thượng thận, rối loạn đông máu, đang cho con bú, những phụ nữ có vết sẹo cũ ở tử cung, tử cung dị dạng, chửa ngoài dạ con, có tiền sử đã từng dị ứng với bất kỳ loại thuốc trị bệnh nào trước đó.

    Khi áp dụng phương pháp phá thai bằng thuốc, chúng ta cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thực hiện dưới sự theo dõi chặt chẽ của y, bác sĩ tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra, BS Huệ nhấn mạnh.

    Đây cũng không phải là phương pháp bỏ thai có thể lạm dụng xuyên. Việc bỏ thai nhiều lần, dù bằng phương pháp nào, cũng làm thành tử cung bị suy yếu, có thể dẫn đến khó có thai, hỏng thai hay thai làm tổ bất thường về tử cung sẽ làm cản trở cho việc bạn muốn sau này có con lại...

    Phá thai bẳng thuốc chỉ được áp dụng khi phá thai sớm, thai đã nằm trong tử cung. Thai phụ không thể biết thai đã vào tử cung hay chưa, nếu tự ý mua thuốc phá thai về uống theo hướng dẫn trên mạng thì nguy cơ cao nhất có thể gây tử vong.

    Những tác dụng phụ không mong muốn khi phá thai bằng thuốc

    Bác sĩ Huệ cho biết thêm, ngoài băng huyết, thai phụ có thể sót thai hoặc sót rau, một số ca gây chảy máu nhiều kéo dài, đau bụng nhiều trong thời gian sẩy thai hoặc có thể bị tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, ớn lạnh, sốt...

    Bệnh nhân khi sử dụng phá thai bằng thuốc có thể gây những tác dụng nhẹ như nổi mề đay, mẩn ngứa hoặc nặng như khó thở, choáng, tụt huyết áp. 

    Một số ít trường hợp có tình trạng ra máu nhiều khi vào kỳ kinh kế tiếp, đôi khi cần phải nhập viện điều trị. 

    Ngoài ra phá thai bằng thuốc đòi hỏi thai phụ phải tuân thủ lịch tái khám, nhằm đảm bảo chắc chắn thai đã chết và đã được tống ra ngoài hoàn toàn, không có tình trạng sót thai hay sót nhau dẫn đến tình trạng ra máu dây dưa có thể làm thai phụ bị thiếu máu và nhiễm trùng.

    Vì thế khi bạn áp dụng bất kỳ một hình thức phá thai nào bạn phải nói rõ với bác sĩ tuổi thai, tiền sử bệnh tật. Đây là những thông tin quan trọng giúp bác sĩ có thêm sự chính xác trong chẩn đoán và quyết định áp dụng biện pháp phá thai bằng thuốc. 

    Theo afamily.vn