Tăng áp lực động mạch phổi nặng và mang thai
Trong hoàn cảnh Việt Nam, mặc dù các bệnh nhân nữ bị tăng áp lực động mạch phổi đều được tư vấn không nên mang thai.
Trong hoàn cảnh Việt Nam, mặc dù các bệnh nhân nữ bị tăng áp lực động mạch phổi đều được tư vấn không nên mang thai.
Tăng áp lực động mạch phổi nặng là khi áp lực động mạch phổi gần bằng hoặc cao hơn huyết áp hệ thống. Tăng áp lực động mạch phổi có thể là tiên phát, có thể gặp ở bệnh tim bẩm sinh như thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch… đã đảo chiều luồng thông, hoặc thứ phát ở bệnh nhân bị HIV, lupus ban đỏ… Đây là một bệnh lý tim mạch hiếm gặp ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, khác với phần lớn các bệnh lý tim mạch khác, bệnh nhân bị tăng áp động mạch phổi dung nạp rất kém với những thay đổi khi mang thai.
Thời điểm xuất hiện triệu chứng phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh lý tăng áp lực động mạch phổi và bệnh nhân có được theo dõi điều trị hay không. Thông thường, thai phụ thường có dấu hiệu khó thở, tím, hoặc ho máu, thai chậm tăng cân bắt đầu từ cuối quý 2 của thai kỳ. Nếu không được điều trị, các triệu chứng tiến triển nhanh, thai phụ có thể lên những cơn tăng áp phổi dẫn đến suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
Bệnh nhân nên được theo dõi trong suốt thai kỳ bởi cả bác sĩ sản khoa và bác sĩ tim mạch
Trong một vài thập kỷ gần đây, việc đưa vào sử dụng một số nhóm thuốc làm giãn mạch có tác dụng làm hạ áp lực động mạch phổi góp phần làm cải thiện đáng kể tiên lượng, mặc dù vậy nguy cơ tử vong cho mẹ vẫn rất cao, đặc biệt trong quý 3 thai kỳ và còn kéo dài đến ít nhất 1 tháng sau sinh, tỉ lệ này lên tới 30 - 50%. Vì vậy, Hội Tim mạch châu Âu (ESC) vẫn khuyến cáo đình chỉ thai ở bất cứ tuổi thai nào ngay khi phát hiện có thai ở bệnh nhân có tăng áp lực động mạch phổi nặng.
Trong hoàn cảnh Việt Nam, mặc dù các bệnh nhân nữ bị tăng áp lực động mạch phổi đều được tư vấn không nên mang thai. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân có thai lần đầu vẫn kiên quyết có thai bất chấp mọi nguy cơ có thể xảy đến với mẹ. Trong trường hợp này, bác sĩ khuyên bệnh nhân nên được theo dõi trong suốt thai kỳ bởi cả bác sĩ sản khoa và bác sĩ tim mạch chuyên về tăng áp động mạch phổi. Mặc dù chưa có các nghiên cứu khẳng định tính an toàn với thai nhi của các thuốc hạ áp phổi dùng trong khi mang thai, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có những ca lâm sàng tăng áp lực động mạch phổi nặng mang thai thành công. Hiện tại chúng tôi đã có 4 bệnh nhân tim bẩm sinh có tăng áp động mạch phổi nặng có thai được theo dõi trong cả thai kỳ. Bệnh nhân được bắt đầu dùng các thuốc hạ áp phổi như: sildenafil, iloprost… từ tuần thứ 13, đã mang thai trọn vẹn và mổ đẻ chủ động ở tuần thứ 30 - 34 thai kỳ, theo dõi sau sinh từ 3 tháng đến 2 năm mẹ và con đều trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Tóm lại, có thai ở bệnh nhân tăng áp lực động mạch phổi nhiều có nguy cơ tử vong cao, vì vậy chống chỉ định có thai ở nhóm bệnh nhân này. Nếu vì một lý do nào đó bệnh nhân vẫn có thai, bệnh nhân cần tuân thủ theo dõi và điều trị suốt thai kỳ bởi bác sĩ sản và bác sĩ tim mạch chuyên về tăng áp động mạch phổi để có kết quả tốt nhất cho cả mẹ và con.
Theo SKDS