12 bệnh ảnh hưởng do thay đổi thời tiết
Thời tiết có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của con người, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được "sức mạnh" đó rõ ràng nhất mỗi khi trời chuyển từ lạnh sang nóng và ngược lại.
Thời tiết có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của con người, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được "sức mạnh" đó rõ ràng nhất mỗi khi trời chuyển từ lạnh sang nóng và ngược lại.
Phó giáo sư, tiến sĩ Grady Dixon thuộc Khoa địa chất Đại học Mississipi, Mỹ cho biết, thế giới tự nhiên rất đa dạng, tác động của thời tiết lên cơ thể con người cũng đa dạng như vậy, thậm chí còn có hẳn một chuyên ngành khoa học chuyên nghiên cứu về những thay đổi của cơ thể do thời tiết có tên gọi biometeorology. Các nhà khoa học về khí quyển cho rằng mỗi khi bầu khí quyển thay đổi như xuất hiện gió, giông, lốc, bão, tuyết… đều ẩn chứa những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe về xương khớp, hô hấp, các bệnh về huyết áp hay tim mạch…
Những thay đổi thời tiết phức tạp, nó không chỉ biến đổi về trạng thái mà còn có sự thay đổi về nhiệt độ, áp suất… từ đó tác động lên con người và các sinh vật sống trên trái đất. Tuy nhiên để tìm ra chính xác sự biến đổi thời tiết nào ảnh hưởng tới con người, ở bộ phận, cơ quan nào vẫn là một ngành khoa học bí ẩn, nó đặc biệt gây khó khăn trong các lĩnh vực về tâm sinh lý. Bởi khi thời tiết thay đổi không chỉ con người sinh học bị ảnh hưởng mà cả tâm lý, tình cảm, nhận thức của con người ít nhiều cũng chịu tác động của thời tiết.
Hiện nay khi biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ, những tác động của nó đến sức khỏe con người ngày càng nhiều, khi đó những nghiên cứu sâu về khí hậu, thời tiết lên sức khỏe sẽ ngày càng có ý nghĩa và quan trọng hơn bao giờ hết. Người ta dự định lập một mô hình dự đoán hành vi về sức khỏe của con người theo những biến đổi của thời tiết. Dưới đây là một số những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với sức khỏe khi thời tiết thay đổi.
Huyết áp
Trợ lý nghiên cứu về ảnh hưởng sinh học của thời tiết Jennifer Vanos, thuộc đại học Kỹ thuật Texas cho biết, khi thời tiết thay đổi, ảnh hưởng rõ ràng, dễ nhận thấy và phổ biến nhất là vấn đề huyết áp. Khi áp suất khí quyển giảm, huyết áp của con người cũng thay đổi. Nhiệt độ đột ngột xuống thấp khiến các mạch máu bị co lại làm tăng huyết áp, dễ xảy ra tai biến hay đột quỵ, nhất là đối với bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp.
Cảm xúc
Theo nghiên cứu được công bố, TS Grady Dixon cho biết, thời tiết ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của con người. Nghiên cứu cho rằng, số các vụ tự tử tăng vọt trong những ngày trời nhiều mây, u ám. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát của con người đặc biệt là những người mắc các bệnh về tâm thần, từ đó gây ra những hành vi tự tử hoặc tự hủy hoại bản thân.
Hen suyễn và dị ứng
Khi thời tiết chuyển mùa hay từ lạnh sang nóng, những người gặp các vấn đề về hô hấp như hen suyễn, dị ứng thấy bệnh trầm trọng thêm. Khi mùa xuân đến, thời tiết trở nên ấm áp hơn, nhưng đây cũng là mùa của các loài hoa thụ phấn hay côn trùng sinh sôi, phấn hoa chính là nguyên nhân gây ra các cơn dị ứng cho con người.
Đau khớp
Khi trời trở lạnh áp suất khí quyển và nhiệt độ giảm, và độ ẩm không khí.tăng lên gây ra nhiều bệnh xương khớp. Lý do là áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực cho khớp, độ ẩm tăng góp phần gây nên sưng mỏi khớp. Đồng thời mạch máu bị co lại khi nhiệt độ giảm xuống, khiến máu trong cơ thể lưu thông kém càng làm chân tay đau buốt, tê cứng hơn. Một số nghiên cứu còn khuyến cáo trời lạnh, làm thay đổi dịch khớp gây đau khớp hay trước một cơn bão, áp suất khí quyển thay đổi đột ngột có thể gây đau khớp.
Nhức đầu
Vào mùa hè, ở các nước châu Âu, ngày dài hơn đêm, việc tiếp xúc với ánh sáng kéo dài thường gây ra các chứng đau nửa đầu. Việc thời tiết thay đổi làm cho nhiều người mắc chứng đau đầu, đó là do áp suất khí quyển và nhiệt độ không khí ảnh hưởng đến các mạch máu lưu thông đến não gây ra hiện tượng đau đầu.
Thay đổi lượng đường trong máu và bệnh tiểu đường
Khi nhiệt độ xuống thấp, cơ thể sẽ có những phản ứng để thích nghi như mạch máu co lại, đường trong gan được huy động để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động, từ đó có thể làm gia tăng lượng đường trong máu ở các bệnh nhân tiểu đường.
Tác động đến lớp mỡ
Trong cơ thể con người tồn tại 2 dạng mỡ là mỡ trắng và mỡ nâu. Mỡ trắng trữ năng lượng dưới dạng lipid trong khi mỡ nâu đốt cháy năng lượng và tỏa nhiệt. Mỡ nâu thường được coi là tốt hơn mỡ trắng. Khi đi ra ngoài vào trời lạnh, mỡ nâu trong cơ thể bạn sẽ kích hoạt đốt cháy năng lượng (calorie) để giữ ấm cơ thể.
Đau tim
Theo nghiên cứu của Tổ chức tim mạch BMJ, mỗi khi nhiệt độ giảm 1 độ có thêm khoảng 200 trường hợp đau tim xảy ra trên khắp nước Mỹ. Nguyên nhân là do nhiệt độ giảm phát sinh các căn bệnh như tăng huyết áp, tăng nguy cơ cục máu đông và là điều kiện trực tiếp làm xuất hiện các cơn đau tim.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và các bệnh phổi khác
Khi trời nóng, thời tiết ẩm ướt có thể làm cho việc hít thở khó khăn, đặc biệt đối với những người có các bệnh về phổi trước đó. Hoặc khi thời tiết thay đổi nhiệt độ sang lạnh và độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để phát triển các virus gây bệnh đường hô hấp.
Cảm lạnh và cúm
Theo các chuyên gia sinh học địa chất, mặc dù không biết rõ lý do tại sao khi thời tiết thay đổi con người thường mắc bệnh cảm lạnh hoặc cảm cúm. Họ tin rằng, sự biến động nhiệt độ nhanh làm hệ miễn dịch bị suy yếu, thêm vào đó các virus gây bệnh cảm lạnh thường lan truyền dễ dàng hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm.
Chứng tăng động giảm chú ý (ADHD)
Những người bị ADHD sẽ bị rối loạn tình cảm theo mùa nóng lạnh khác nhau. Thêm vào đó, ở những khu vực nắng ít, số lượng bệnh nhân ADHD tăng lên, mặc dù các chuyên gia nghiên cứu chưa giải thích được tại sao lại có tình trạng này.
Bệnh xoang
Khi áp suất khí quyển thay đổi, nhiều người cảm thấy nó tác động ngay đến bệnh xoang vốn có của mình, họ thường xuất hiện các triệu chứng ngạt mũi, khó thở….
Theo SKDS