7 thói quen cần tránh sau khi ăn
Khi ăn bữa chính xong, nhiều người thường dùng trái cây tráng miệng, hút điếu thuốc, nhâm nhi ly trà hoặc đi tắm... Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, những thói quen này cần bỏ ngay vì có hại cho sức khỏe.
Khi ăn bữa chính xong, nhiều người thường dùng trái cây tráng miệng, hút điếu thuốc, nhâm nhi ly trà hoặc đi tắm... Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, những thói quen này cần bỏ ngay vì có hại cho sức khỏe.
Các chuyên gia dinh dưỡng trên trang The Health liệt kê 7 việc không nên làm sau khi ăn gồm:
1. Tráng miệng bằng trái cây
Thông thường sau mỗi bữa ăn, nhiều người thích nhâm nhi vài miếng trái cây tráng miệng. Đây là một thói quen có hại cho sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu lý giải, thức ăn sau khi đưa vào dạ dày sẽ phải lưu lại từ một đến hai giờ mới tiêu hóa xong. Lúc này dạ dày đang phải căng ra để chứa thức ăn. Nếu trong khoảng thời gian "cao điểm" này, bạn tiếp tục ăn thêm trái cây sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho dạ dày. Hơn nữa trong thành phần trái cây có chứa một số lượng lớn các loại axit, đường, glucose, fructose, tinh bột... càng làm tăng thêm sự lưu trệ tại cơ quan tiêu hóa.
Hơn nữa, trong các loại trái cây như nho, cam, quýt, lê... có chứa nhiều plavon. Chất này dễ dàng bị vi khuẩn đường ruột phân giải thành axit tioxianic làm ức chế công năng của tuyến giáp trạng, về lâu dài sẽ gây bệnh ở tuyến này. Vì thế tốt nhất nên ăn trái cây sau khi dùng bữa từ 2 đến 3 giờ, sau khi thức ăn ở dạ dày đã tiêu hóa gần hết.
2. Nằm nghỉ
"Căng da bụng, chùng da mắt" là câu nói quen thuộc dùng để chỉ tình trạng sau khi ăn, thông thường mọi người đều cảm thấy buồn ngủ, kèm theo cảm giác uể oải. Điều này được lý giải là do vào thời điểm đó, lượng máu được huy động phần lớn tập trung vào hệ tiêu hóa nên lượng máu ở não bộ giảm đi đáng kể. Chính lý do này khiến cho não và các cơ quan khác đều "buồn ngủ".
Tuy nhiên, nếu ăn xong mà ngủ ngay thì não sẽ rơi vào trạng thái ức chế, kéo theo sự ngưng nghỉ của toàn bộ cơ thể, trong đó có hệ tiêu hóa. Hệ quả thức ăn không được tiêu hóa triệt để, thậm chí thực phẩm còn sót lại trong cơ quan tiêu hóa bị vi khuẩn tấn công gây ra bệnh về dạ dày, đường ruột.
3. Vận động mạnh
Vận động mạnh sau khi ăn dễ dẫn đến bệnh đau dạ dày. Bởi trong thời gian từ 1 đến 3 tiếng, máu phải đổ dồn về cơ quan tiêu hóa để làm nhiệm vụ "xử lý" thức ăn. Khi ta vận động mạnh trong khoảng thời gian này, buộc lượng máu phải phân bổ nhiều cho cơ bắp, dẫn đến máu không đủ cho cơ quan tiêu hóa, ảnh hưởng đến công năng của dạ dày, dễ gây bệnh đau dạ dày.
4. Hút thuốc lá
Nghiên cứu lâm sàng cho thấy, sau khi ăn, quá trình tuần hoàn máu tăng nhanh. Nếu hút thuốc ngay trong thời gian này, lượng chất độc hại cực lớn trong thuốc lá sẽ thấm vào máu nhanh hơn và nhiều hơn gấp 10 lần so với bình thường. Tình trạng này kéo dài có thể làm rối loạn công năng của dạ dày, ức chế hoạt động của tuyến tụy và gây ra các bệnh về phổi, tim mạch, dạ dày.
5. Uống trà
Nếu bạn có sở thích nhâm nhi một ly trà nóng sau khi ăn cơm, hãy đợi 30 phút rồi mới uống nhé. Bởi trong thành phần trà có chất tanin vào dạ dày sẽ kết hợp với protein, vitamin B1 và sắt trong thức ăn hình thành những hợp chất khó hấp thụ. Ngoài ra chất tanin và chất theocin được tìm thấy trong các loại trà có tác dụng ức chế sự bài tiết dịch vị và dịch ruột, không tốt cho việc tiêu hóa.
6. Đọc sách
Trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tiếng, máu phải đổ dồn về cơ quan tiêu hóa để làm nhiệm vụ "xử lý" thức ăn. Nếu đọc sách ngay trong thời điểm này, máu sẽ được huy động về mắt, làm giảm công năng của dạ dày, mặt khác khi máu tập trung không đủ để mắt hoạt động có thể làm giảm thị lực, dễ gây các bệnh về mắt.
7. Đi tắm
Quá trình kỳ cọ khi tắm gội sẽ làm mạch máu ngoài da giãn nở, máu lưu thông mạnh đến các chi nên lượng huyết dịch ở cơ quan tiêu hóa và nội tạng sẽ giảm. Tình trạng này làm cho quá trình tiêu hóa bị trì trệ, ảnh hưởng xấu đến dạ dày.
Theo SKDS