Aspirin - Dao hai lưỡi
Đối với người chưa có nguy cơ thật sự về bệnh tim mạch thì việc dùng aspirin dài hạn để phòng ngừa thì có hại hơn là có lợi
Đối với người chưa có nguy cơ thật sự về bệnh tim mạch thì việc dùng aspirin dài hạn để phòng ngừa thì có hại hơn là có lợi
Thuốc aspirin từ lâu được dùng giảm đau, hạ nhiệt (dùng trong trường hợp bị cảm sốt) và chống viêm (dùng trong các bệnh về cơ xương khớp). Ngoài tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm vừa kể, aspirin còn có tác dụng chống tập tiểu cầu do ức chế tổng hợp trong cơ thể thromboxane A2 và prostacyclin là 2 chất cần cho sự đông máu, tức aspirin chống lại sự đông máu hay còn gọi ngừa huyết khối.
Cảnh giác với tác dụng phụ
Chính tác dụng chống kết tập tiểu cầu làm cho việc sử dụng aspirin phải rất thận trọng (tức không được dùng trong các bệnh lý gây xuất huyết như bị sốt xuất huyết hay đối với phụ nữ có thai không dùng vào 3 tháng cuối thai kỳ vì nguy cơ băng huyết khi sinh). Cũng chính nhờ có tác dụng chống kết tập tiểu cầu mà aspirin nay trở thành thuốc rất quý, có thể dùng ngăn ngừa sự hình thành cục huyết khối gây nghẽn mạch dẫn đến nhiều bệnh lý tim mạch, trong đó có việc giúp máu không đóng cục gây nghẽn động mạch vành.
Khi sử dụng aspirin, người ta thường lưu ý nhất tác dụng phụ gây tổn hại niêm mạc dạ dày (làm loét dạ dày - tá tràng, thậm chí gây xuất huyết tiêu hóa) và có khuyến cáo nên uống vào lúc bụng no, tức là uống ngay sau khi ăn để nhờ thức ăn làm chất độn ngăn không cho aspirin (aspirin chính là acid acetylsalicylic) tiếp xúc trực tiếp gây hại niêm mạc dạ dày. Để giảm thiểu aspirin gây hại do bản chất axít tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc dạ dày, người ta tạo các dạng thuốc giảm thiểu tác hại gây viêm loét của aspirin, như tạo dạng thuốc: aspirin hòa tan (Aspifar), aspirin đệm (Bufferin), aspirin bao tan ở ruột (Aspirin pH8), aspirin tiêm (Aspégic infectable) nhằm tránh dược chất phóng thích tập trung tại niêm mạc dạ dày gây viêm loét.
Hiện nay có thuốc aspirin tan nhanh ở miệng (quick-release aspirin, tức thuốc giúp aspirin được tan và hấp thu qua niêm mạc miệng để vào máu mà không cần xuống dạ dày) cũng nhằm một phần giảm gây hại niêm mạc dạ dày và cho tác dụng nhanh. Xin đặc biệt lưu ý, aspirin gây hại niêm mạc dạ dày không chỉ do bản chất axít tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc dạ dày mà còn do tác dụng dược lý của nó. Vì vậy, nên lưu ý dù uống aspirin liều thấp, uống vào lúc bụng no hay uống với dạng thuốc bao tan ở ruột, viên tan nhanh ở miệng vẫn có thể bị viêm loét dạ dày - tá tràng như thường. Vấn đề là phải dùng aspirin khi thật cần thiết và luôn cảnh giác các tác dụng phụ của aspirin có thể xảy ra.
Đừng chủ quan
Hiện nay có khá nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi, nghe nói aspirin có thể phòng ngừa các bệnh lý tim mạch nên tự ý dùng aspirin lâu dài gọi là để bổ tim, khỏe tim mà không thông qua ý kiến bác sĩ. Hay có người nghe lời mách bảo mua, thủ sẵn trong người thuốc aspirin để khi hữu sự thì đem ra dùng. Dùng như thế là không đúng.
Nên nhớ aspirin đã được sử dụng trong lĩnh vực bệnh lý tim mạch nhưng chủ yếu là phòng ngừa và phải dùng trong thời gian dài. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và điều trị cảnh báo không được tự ý sử dụng thuốc gọi là phòng ngừa tiên phát (tức là ngừa trước khi có bệnh tim mạch) đối với những người không có dấu hiệu rõ ràng về bệnh tim mạch. Khuyến cáo mới đây của Hội Tim mạch Mỹ là không khuyến khích các bác sĩ kê đơn aspirin thoải mái để phòng ngừa tiên phát cho những người thật sự không có bệnh tim mạch. Đối với người chưa có nguy cơ thật sự về bệnh tim mạch thì việc dùng aspirin dài hạn để phòng ngừa là có hại hơn là có lợi bởi vì dễ bị các tác dụng phụ của aspirin, trong đó có nguy cơ bị xuất huyết. Đối với người đã bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ do huyết khối, có nguy cơ tái phát thì việc dùng aspirin dài hạn, mặc dù là dùng liều thấp 75 mg-81 mg/ngày nhưng phải dùng liên tục trong nhiều năm, vẫn phải cần có sự theo dõi của bác sĩ điều trị. Phòng ngừa tái phát sau đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim bằng aspirin chắc chắn sẽ được bác sĩ chỉ định nhưng phòng ngừa tiên phát (tức ngừa khi chưa có bệnh), đặc biệt là aspirin, nhất thiết vẫn phải được bác sĩ khám và quyết định. Bởi chỉ có bác sĩ mới rõ khi nào cần dùng thuốc phòng ngừa và cân nhắc kỹ giữa lợi ích phòng ngừa cũng như rủi ro gây tai biến của thuốc. Vậy đối với người chưa có việc gì, có nên thủ sẵn trong người thuốc aspirin như thuốc loại tan nhanh ở miệng để khi hữu sự thì đem ra dùng? Xin được nhấn mạnh: Nếu nghi ngờ có bệnh tim mạch thì nên đi khám ở bác sĩ để có sự chẩn đoán và lời khuyên của bác sĩ.
Đối với người chưa có bệnh lý về tim mạch thì việc cần làm chính là tuân thủ các biện pháp về dinh dưỡng đúng phép, vận động thích hợp và lối sống lành mạnh để ngừa bệnh, đừng chủ quan cho rằng “tôi đã có sẵn aspirin mang theo, khi có vấn đề về tim là tôi dùng”.
Coi chừng phát hen
Tác dụng có hại của aspirin bao gồm chứng khó tiêu, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, loét dạ dày - tá tràng và xuất huyết tiêu hóa. Người bị hen suyễn nên thận trọng, dùng tùy tiện aspirin có thể làm khởi phát cơn hen và làm cơn hen trở nên trầm trọng. Như vậy, hoàn toàn không nên tự ý uống aspirin gọi là để bổ tim, khỏe tim; nếu nghi ngờ có nguy cơ bị bệnh lý tim mạch thì nên đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ.
Theo SKDS