Bệnh răng miệng thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi
Giai đoạn từ 0-3 tuổi là giai đoạn của những năm tháng đầu đời của trẻ em, sự phát triển ở trẻ em diễn ra rất nhanh. Trẻ có khả năng học hỏi rất nhanh song đồng thời các em cũng dễ bị tổn thương hay mắc các bệnh truyền nhiễm do các tác nhân bên ngoài. Bài viết dưới đây giới thiệu một số vấn đề về răng miệng đối với nhóm trẻ từ 0-3 tuổi.
Giai đoạn từ 0-3 tuổi là giai đoạn của những năm tháng đầu đời của trẻ em, sự phát triển ở trẻ em diễn ra rất nhanh. Trẻ có khả năng học hỏi rất nhanh song đồng thời các em cũng dễ bị tổn thương hay mắc các bệnh truyền nhiễm do các tác nhân bên ngoài. Bài viết dưới đây giới thiệu một số vấn đề về răng miệng đối với nhóm trẻ từ 0-3 tuổi.
Răng sơ sinh
Trung bình cứ 2.000 trẻ sơ sinh thì có 1 bé có răng từ khi mới lọt lòng mẹ . Bản chất của răng sơ sinh có thể do vị trí mầm răng nằm ở cao phía trên hoặc có thể là do sự lạc chỗ của mầm răng từ giai đoạn bào thai. Hầu hết các răng sơ sinh không có chỉ định điều trị mà sẽ được nhổ khi răng quá lỏng lẻo có nguy cơ rơi vào phế quản hoặc phổi hoặc gây loét vùng dưới lưỡi, môi, thậm chí gây khó khăn cho người mẹ khi cho trẻ bú.
Nanh sữa
Nanh sữa thường gặp ở 3/4 trẻ sơ sinh. Nanh sữa là những nang nhỏ, kích thước 1-3mm, màu trắng, nằm rời rạc hay tập trung thành đám trên niêm mạc khẩu cái, xương hàm hay ngay trên bờ lợi. Đa số các nanh sẽ tự vỡ, nếu các trường hợp nanh sữa khiến trẻ có biểu hiện biếng ăn, bỏ bú, cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ răng hàm mặt tiến hành thủ thuật chích nanh.
Giai đoạn mọc răng sữa
Bắt đầu từ 3 tháng, trẻ có thể có những dấu hiệu như chảy nước dãi, thường xuyên gặm nhấm đồ vật xung quanh, quấy khóc, chán ăn khó ngủ và đặc trưng là sốt. Đây là những triệu chứng điển hình của giai đoạn mọc răng sữa. Biểu đồ mọc răng dựa trên con số thống kê có tính xác suất. Tuổi mọc răng của từng bé khác nhau do di truyền, chế độ ăn, môi trường và nhiều yếu tố. Giai đoạn này bố mẹ cần giúp con giữ vệ sinh răng miệng, chăm sóc toàn thân nếu trẻ có biểu hiện sốt cao cần cho đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh khi cần thiết.
Trẻ bình thường sẽ mọc hết 20 chiếc răng sữa trong vòng 3 năm đầu tiên, bé gái thường mọc răng sớm hơn bé trai.
Các bệnh lý thường gặp
Sâu răng: Các lỗ sâu xuất hiện trên mặt nhai, mặt ngoài, mặt trong, mặt bên của trẻ. Ngay khi phát hiện có lỗ sâu trên răng, bố mẹ nên đưa trẻ đến viện để được điều trị thích hợp.
Sâu răng gây biến chứng tủy: Những răng sâu không được điều trị trám bít sớm sẽ gây biến chứng viêm tủy răng, làm trẻ đau răng, không ăn nhai được, bỏ ăn, sút cân, sốt... bố mẹ khi phát hiện trẻ có các triệu chứng như bỏ ăn, sút cân, sốt, kêu đau vùng răng miệng, hay phát hiện lỗ sâu trên răng cần đưa cháu đến bệnh viện hay cơ sở nha khoa để được khám chữa kịp thời, tránh để lâu gây các biến chứng nặng nề như áp-xe răng miệng, ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn, gây mất răng sữa sớm, lệch lạc răng...
Viêm lợi: Độ tuổi 0-3 tuổi thường có biểu hiện viêm lợi khi mọc răng, sau các đợt sốt cao, hay do bố mẹ không biết cách vệ sinh răng miệng.
Thường thấy trẻ quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn, lợi đau viêm tấy, chảy máu tự nhiên hay khi vệ sinh răng miệng, hơi thở hôi, vùng lợi viêm tấy đỏ sung nề, chảy máu lợi. Điều quan trọng là bố mẹ không nên dùng lá cây, lá rau đắp thuốc, gây nhiễm khuẩn huyết, cần đưa tới bác sĩ răng hàm mặt để được điều trị và hướng dẫn chăm sóc.
Chấn thương răng: Từ 0-3 tuổi là thời gian các bé chập chững tập những vận động đầu tiên của cuộc đời: lẫy, bò, đứng, đi... Đây là lúc các bé tìm hiểu cuộc sống và luôn hào hứng, hiếu kỳ với những thứ xung quanh. Chính vì thế, các tai nạn sinh hoạt rất dễ xảy ra và phần lớn làm chấn thương đến vùng răng miệng của các bé (các tư thế ngã sấp, đập mặt vào bàn ghế, ngã xe tập đi...) làm ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, thẩm mỹ, ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn chưa mọc của trẻ. Ngay khi bé bị ngã, bố mẹ cần kiểm tra răng miệng cho trẻ vì trẻ chưa tự ý thức được.
Nếu thấy có bất thường vùng răng miệng như chảy máu, di lệch răng, gãy vỡ, lún, trồi răng, rơi răng ra ngoài... bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Tuyệt đối không tìm cách tự chỉnh, sửa, làm bẩn vết thương gây nhiễm khuẩn. Tùy theo tình trạng, bác sĩ răng hàm mặt sẽ có phương pháp xử trí kịp thời để bảo tồn hay nhổ bỏ răng sữa và có biện pháp điều trị lâu dài thích hợp.
Trong những năm đầu của trẻ, bố mẹ nên hình thành sớm cho con thói quen vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần 1 ngày, khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần và ăn uống đủ chất, bổ sung canxi (theo chỉ định của bác sĩ), đảm bảo cho sự hình thành phát triển của răng và của trẻ trong suốt những năm tháng sau này.
Theo SKDS