Biến chứng do bệnh gút
Người bị bệnh gút cần thực hiện chế độ ăn giảm đạm, giảm mỡ, ăn nhiều rau, trái cây và uống nhiều nước đặc biệt là nước khoáng kiềm
Bệnh gút (bệnh thống phong) khá phổ biến ở nước ta. Bệnh gặp chủ yếu ở lứa tuổi trên 40, nhưng chiếm tỉ lệ cao nhất vẫn là người cao tuổi (NCT).
Nguyên nhân của bệnh gút là do sự tăng cao acid uric trong máu. Trong bệnh gút, sự thay đổi khác thường của các phản ứng trong cơ thể dẫn đến chất acid uric được tạo ra nhiều hơn hoặc là sự lọc thải ra bằng đường tiểu không kịp. Khi acid uric tăng lên trong máu, chúng kết hợp lại và tạo nên những khối trong suốt gọi là tinh thể urat và lắng đọng trong màng hoạt dịch khớp gây viêm khớp. Ngoài ra, acid uric còn có thể lắng đọng ở các cơ quan khác như thận, tổ chức dưới da gây nên sỏi thận và hình thành các hạt tophy. Ở nước ta bệnh gút đã trở nên rất phổ biến, đứng hàng thứ 4 trong 15 bệnh khớp nội trú thường gặp nhất.
Người cao tuổi dễ mắc bệnh gút, vì sao?
Bệnh gút thường xảy ra ở NCT và đa số là nam giới. Bởi vì, ở độ tuổi này, các rối loạn chuyển hóa thường rõ rệt và thường xuyên hơn, trong khi ở tuổi trẻ vốn đã ít lại thường kín đáo.
Hơn nữa, bệnh gút là bệnh rối loạn chuyển hóa cho nên ở NCT thường có kèm theo các yếu tố thuận lợi làm xuất hiện hoặc tái phát bệnh gút như: thừa cân, ăn nhiều chất đạm (đặc biệt là các phủ tạng động vật). Hoặc có thể gặp ở những người rối loạn chuyển hóa lipit máu, đái tháo đường, bệnh mạch vành hoặc ở người thường ăn các thức ăn chế biến sẵn, uống nhiều đồ uống có cồn cũng có nguy cơ mắc bệnh gút. Uống ít nước, xơ vữa động mạch sẽ làm giảm khả năng bài tiết acid uric qua đường tiểu cho nên gây sự lắng đọng ở khớp và một số cơ quan khác của cơ thể.
Ngoài ra, NCT thường có nhiều bệnh mãn tính nên việc sử dụng một số thuốc cũng có khả năng làm hạn chế bài tiết acid uric (thuốc hạ huyết áp, corticoid).
Biểu hiện bệnh gút
Chính những khối tinh thể muối urat tích tụ ở các khớp xương và dẫn đến sự viêm, sưng tấy, cũng như đau nhức cho người bệnh. Sự tích tụ nhiều tinh thể urat ở các khớp làm cho các khớp sưng lên. Một hậu quả của sự tăng chất acid uric trong máu nữa là sự hình thành sạn trong thận.
Một số thực phẩm giúp giảm đau khớp chân do bệnh gout gồm có: dứa, chanh, nghệ, gừng, quả sơri,...
Thể gút cấp tính thường có đau khớp dữ dội, rát bỏng là một triệu chứng đặc trưng. Triệu chứng này thường xuất hiện vào lúc nửa đêm về sáng, nhất là sau các bữa ăn có nhiều đạm, uống bia, rượu. Tại các khớp đau có hiện tượng viêm rõ rệt (sưng, nóng, đỏ, đau). Một đặc điểm trong viêm khớp của bệnh gút là các khớp đau không đối xứng. Các khớp đau thường hay gặp trong bệnh gút là khớp cổ chân, khớp ngón chân, khớp gối và đặc biệt là khớp ngón chân cái (ở nữ thường đau các khớp ngón tay). Khớp đau kèm theo nóng rát rất khó chịu. Trong bệnh cấp tính acid uric máu thường tăng cao.
Thể mạn tính thường đau một số khớp xương nhưng không phải đau thường xuyên mà đau tái đi tái lại nhiều lần. Mỗi lần lên cơn đau có khi không điều trị gì cũng tự khỏi. Chính vì lẽ đó mà NCT mắc bệnh gút rất dễ chẩn đoán nhầm với bệnh thoái hóa khớp hoặc viêm khớp dạng thấp. Một số NCT có thể cùng một lúc mắc cả 3 loại bệnh này, để phân định từng loại một không đơn giản chút nào.
Biến chứng thường gặp của bệnh gút
Bản chất của các hạt tophy là tinh thể urat. Hạt tophy có khả năng làm biến dạng các khớp, dó đó dần dần sẽ làm hạn chế vận động của khớp, đi lại khó khăn, nặng hơn nữa là gây tàn phế. Các hạt tophy có thể bị vỡ, khiến vi khuẩn xâm nhập vào trong khớp gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết. Bệnh gút mãn tính có thể gây lắng đọng muối urat trong thận tạo thành sỏi thận. Và do đó có thể làm tăng nguy cơ thận ứ nước, ứ mủ gây suy thận, tăng huyết áp. Biến chứng của bệnh gút có thể do dùng thuốc điều trị, điển hình là gây dị ứng nhất là loại allopurinol hoặc tác dụng phụ của các thuốc chống viêm corticoid hoặc không steroid làm tổn hại đến hệ tiêu hóa, máu, thận...
Người mắc bệnh gout nên ăn thực phẩm nhiều chất xơ và thanh mát như trái cây, sữa chua, rau xanh.
Để hạn chế các biến chứng do bệnh gút gây ra, NCT cần được khám chuyên khoa xương khớp càng sớm càng tốt mỗi khi có đau, viêm khớp và người bệnh cần điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ. Song song với việc dùng thuốc rất cần kết hợp ăn kiêng và tăng lượng nước uống theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Các loại phủ tạng động vật, hải sản là những loại thực phẩm làm tăng và tái phát bệnh gút, cần kiêng khem.
Cần thực hiện chế độ ăn giảm đạm, giảm mỡ, giảm cân (nếu béo phì), ăn nhiều rau, trái cây và uống nhiều nước (khoảng 1,5 - 2 lít nước/ngày), đặc biệt là nước khoáng kiềm (để tăng cường thải tiết acid uric qua nước tiểu). Cần bỏ rượu, bia (kể cả rượu vang, rượu thuốc) và không nên để bị đói (vì acid uric trong máu tăng cao khi đói). Nên có chế độ sinh hoạt điều độ, làm việc nhẹ nhàng, tránh mỏi mệt cả về tinh thần lẫn thể chất (tránh lạnh, lao động quá mức, chấn thương, stress...). Ngoài ra, bệnh nhân gút cần tránh dùng một số loại thuốc có thể làm tăng acid uric máu như các thuốc lợi tiểu, corticoid, aspirin.
Theo SKDS