Biện pháp bảo vệ xương khớp trong mùa giá rét
Mùa đông, thời tiết chủ đạo là giá rét, trong đó có những ngày mưa phùn gió bấc, không khí ẩm ướt làm cho tình trạng đau khớp bùng phát dữ dội.
Mùa đông, thời tiết chủ đạo là giá rét, trong đó có những ngày mưa phùn gió bấc, không khí ẩm ướt làm cho tình trạng đau khớp bùng phát dữ dội. Vì vậy, việc chăm sóc khớp vào mùa lạnh đúng cách có ý nghĩa quan trọng bảo vệ các khớp và sức khỏe bệnh nhân. Những biện pháp sau đây giúp người khỏe mạnh và bệnh nhân viêm khớp bảo vệ xương khớp hiệu quả trong mùa lạnh.
Ăn uống đầy đủ
Nhân dân ta có câu “thực túc thì binh cường”. Tạm hiểu là khi ăn uống đầy đủ, cơ thể sẽ khỏe mạnh. Một chế độ ăn đầy đủ phải gồm 4 nhóm chất: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Đạm nên ăn là thịt nạc như thịt lợn, bò, gà, vịt, ngan, ngỗng, cá, tôm, cua, trứng, sữa. Chất đường nên ăn là gạo, ngô khoai, sắn, các loại đậu, trong đó, gạo không nên xay xát quá trắng sẽ làm mất hết các chất bổ. Chất béo tốt cho sức khỏe là chất béo trong cá và hải sản, các loại dầu thực vật dùng để chiên xào thức ăn. Tránh ăn nhiều mỡ động vật. Chất béo trong hải sản còn giàu omega-3, omega-6 rất tốt cho xương khớp và tim mạch. Vitamin và khoáng chất có nhiều trong rau, củ, quả, trái cây chín. Trong đó, cần chú ý tăng cường các vi chất cần thiết như canxi, vitamin C, D, cá, các loại hạt, rau lá xanh, ăn nhiều trái cây, uống sữa… Hạn chế các chất kích thích như rượu, cà phê, nước trà, đồ ăn quá chua, quá mặn… Người bệnh cần chú ý duy trì cân nặng hợp lý để tránh thừa cân béo phì gây áp lực lớn lên các khớp.
Mặc đủ ấm, vận động nhẹ nhàng để bảo vệ xương khớp mùa lạnh
Luôn luôn giữ ấm cơ thể
Thời tiết mùa đông có ngày lạnh nhiều, ngày lạnh ít nhưng điều quan trọng là bệnh nhân cần mặc đủ ấm, đội mũ, quàng khăn đi tất, đeo găng tay…để giữ ấm toàn bộ cơ thể. Những ngày trời rét đậm, rét hại (dưới 12oC), cần tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với nước lạnh. Khi rửa nước hay gặp trời mưa, nên nhanh chóng lau khô chân tay để tránh bị lạnh ẩm. Nếu thấy khớp có dấu hiệu đau nhức, cần dùng dầu cao xoa bóp hoặc chườm nóng. Tránh xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp đang bị sưng, nóng, đỏ, đau mà chỉ xoa bóp xung quanh khớp đau mà da vùng khớp lạnh.
Vận động nhẹ nhàng
Trên thực tế, khi càng bị đau nhức xương khớp, người bệnh càng ngại cử động dẫn đến các khớp tê cứng và bệnh càng nặng thêm. Để tránh tình trạng này, bệnh nhân cần vận động nhẹ nhàng để khớp được nuôi dưỡng tốt hơn, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất từ dịch khớp. Bệnh nhân có thể tập các môn: khí công dưỡng sinh, khiêu vũ, đi bộ… theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng.
Không tự ý dùng thuốc điều trị
Nếu khớp bị đau nhức, bệnh nhân cần đi khám để được chỉ định điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc giảm đau hay bất cứ thuốc gì khác về uống. Tránh dùng thực phẩm chức năng, các sản phẩm truyền miệng vì dễ bị tiền mất tật mang và làm mất cơ hội chữa bệnh sớm.
Theo SKDS