Các bệnh viêm gan siêu vi và vấn đề dinh dưỡng (kỳ 1)
Viêm gan nói chung và viêm gan siêu vi nói riêng rất nguy hiểm vì nó âm thầm lặng lẽ phá hoại gan mà bệnh nhân không có hoặc rất ít có triệu chứng rõ rệt cho đến khi bệnh phát nặng. Dinh dưỡng rất quan trọng cho người bị viêm gan.
Kỳ I: Các bệnh viêm gan siêu vi
Viêm gan nói chung và viêm gan siêu vi nói riêng rất nguy hiểm vì nó âm thầm lặng lẽ phá hoại gan mà bệnh nhân không có hoặc rất ít có triệu chứng rõ rệt cho đến khi bệnh phát nặng. Dinh dưỡng rất quan trọng cho người bị viêm gan.
Viêm gan A
Siêu vi khuẩn viêm gan A được tìm thấy trong mồ hôi, nước bọt, nước tiểu, nhưng nhiều nhất vẫn là ở phân của người có bệnh. Siêu vi khuẩn viêm gan A theo thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn xâm nhập vào cơ thể của chúng ta.
Bệnh thường không gây ra một triệu chứng nào, và nếu có, không cần chữa tự nhiên cũng hết. Siêu vi khuẩn viêm gan A chỉ gây sưng gan cấp tính chứ không tạo nên những biến chứng lâu dài, như: xơ gan, chai gan, hoặc ung thư gan.
Bệnh có thể chích ngừa được. Thuốc rất an toàn và công hiệu. Nếu chưa chích ngừa hoặc trong người chưa có kháng thể chống siêu vi khuẩn viêm gan A, thì phải giữ vệ sinh ( rửa tay bằng xà bông trước và sau khi dùng nhà cầu, rửa tay cẩn thận trước và sau khi ăn hay làm bếp, rửa sạch các bát đĩa của người bệnh) và tránh quan hệ tình dục với người đang ở thời kỳ ủ bệnh.
Viêm gan B
Bệnh viêm gan B là bệnh truyền nhiễm, nên ai cũng có thể bị, không kể tuổi tác. Siêu vi khuẩn viêm gan B được tìm thấy trong máu, mồ hôi, nước bọt, nước mắt cũng như nước tiểu và tinh dịch của bệnh nhân. Bệnh thường lây trực tiếp từ người này qua người kia… dễ dàng nhất là qua máu (như lây từ mẹ khi mới sinh, tiếp máu, dùng kim chích và dụng cụ y khoa thiếu vệ sinh, hoặc bị nhiễm qua vết trầy xước hay côn trùng) và qua đường sinh lý (tinh dịch). Chung đụng trong đời sống hằng ngày, như đụng vào mồ hôi nước mắt của người bệnh, cũng có thể bị lây. Tuy trong nước bọt của bệnh nhân viêm gan B cũng thấy có một số ít vi khuẩn nhưng cho tới nay chưa ai bị lây bệnh viêm gan B khi ăn uống chung với người có bệnh.
Virút viêm gan B
Siêu vi khuẩn viêm gan B có thể gây ra những triệu chứng cấp tính. Những triệu chứng này thay đổi nhiều, tùy theo tuổi tác của bệnh nhân khi bị lây bệnh. Bệnh có thể từ rất nhẹ và mơ hồ như những cơn cảm cúm thông thường không đáng kể đến rất nặng phải nhập viện để điều trị. Viêm gan B là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm gan cấp tính, viêm gan mạn, chai gan và ung thư gan. Rượu, bia và một số thuốc men trong đó có dược thảo có thể làm gan bị chai nhanh hơn.
Phương pháp duy nhất để định bệnh viêm gan B là thử máu. Các phép thử nghiệm khác như siêu âm... chụp scan chỉ cho biết thể chất hình thù và kích thước của gan, còn sinh thiết gan chỉ giúp bác sĩ biết về sự tiến triển và trang thái bệnh tật của gan.
Bệnh có thể được chữa trị bằng thuốc uống hoặc thuốc chích dưới da. Tuy cách thức chữa bệnh đã được cải tiến rất nhiều nhưng cũng chỉ có khả năng giảm thiểu sự tàn phá của siêu vi khuẩn viêm gan B chứ không hoàn toàn loại bỏ siêu vi khuẩn này ra khỏi cơ thể. Vì thế hơn lúc nào hết, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Thuốc chủng ngừa rất hiệu nghiệm nếu được chích ngừa đúng cách (chích 3 mũi).
Viêm gan C
Bệnh viêm gan C có thể lây qua máu như từ mẹ khi mới sinh, tiếp máu, dùng các vật dụng thiếu vệ sinh như đồ cạo râu, bàn chải đánh răng, kim châm cứu, xâm mình, cạo gió và các dụng cụ mổ xẻ. Bệnh cũng có thể lây qua đường sinh lý, nhưng trường hợp này hiếm.
Siêu vi khuẩn viêm gan C có thể gây ra những triệu chứng cấp tính thông thường 7 hay 8 tuần sau khi lây bệnh. Khoảng 30% số bệnh nhân bỗng dưng cảm thấy hơi khó chịu như bị cúm nhẹ. Một số bệnh nhân khác có thể bị nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức khớp xương và bắp thịt. Nhiều khi họ cũng cảm thấy buồn nôn, khó chịu, đau bụng, tiêu chảy, ăn kém ngon, xuống cân và đôi khi bị sốt hoặc nổi ngứa. Khoảng 30% số bệnh nhân viêm gan C có da và mắt trở nên vàng. Các triệu chứng nêu trên thường kéo dài từ 6 - 8 tuần và từ từ thuyên giảm, rồi hoàn toàn biến mất sau một thời gian ngắn. Bấy giờ, bệnh chuyển qua giai đoạn hoặc im lìm tức không hoạt động hoặc mạn tính tức tiếp tục tăng trưởng. Trong thời kỳ sơ khởi của giai đoạn mạn tính vẫn chỉ có những triệu chứng mơ hồ không đáng kể như là mệt mỏi thường vào xế chiều, mất dần khả năng tập trung tư tưởng, đau lâm râm hoặc đau nhói phần bụng trên dưới xương sườn bên phải hoặc buồn nôn, khó chịu, da nổi ngứa, đau khớp xương và bắp thịt. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh mỗi ngày một nặng hơn đưa đến xơ gan, rồi chai gan sau một thời gian trung bình là 20 năm. Thời gian chai gan có thể ngắn hơn nếu bệnh nhân đã bị lây do tiếp máu nhiễm khuẩn, uống nhiều rượu bia, uống một số thuốc khác nhau hoặc bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn viêm gan khác nhau.
Thử máu định kỳ hằng năm là phương pháp thường xuyên nhất trong việc tìm kiếm bệnh viêm gan C. Siêu âm gan không cho biết gan bị viêm hay không nhưng giúp bác sĩ có một khái niệm về hình thù và kích thước của gan (gan bị chai có thể nhỏ hơn bình thường) và nhận diện được một số bệnh khác, như: bướu gan, sạn trong túi mật, gan đóng mỡ hoặc cổ trướng. Ngoài ra sinh thiết gan có thể mang lại cho bác sĩ nhiều dữ kiện quan trọng trong việc định bệnh và chữa bệnh viêm gan.
Tế bào gan sẽ được lấy ra bằng một kim rất nhỏ, đâm giữa xương sườn vào thẳng lá gan rổi đem thử nghiệm dưới kính hiển vi.
Viêm gan C có thể đươc chữa trị bằng thuốc uống và thuốc chích dưới da.
Viêm gan D
Viêm gan D là một bệnh truyền nhiễm “có điều kiện”, nói một cách khác chỉ nguy hiểm cho những người đang hoặc sẽ bị bệnh viêm gan B mà thôi. Vì vậy những người được miễn nhiễm bệnh viêm gan B sẽ không sợ bị lây bệnh viêm gan D. Viêm gan D thường lây qua đường máu và đường sinh lý. Tuy nhiên, bệnh chỉ lây qua những người đang bị viêm gan B với kháng nguyên HBsAg mà thôi. Trong những năm gần đây, chích thuốc phiện đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm gan D, nhất là khi những người nghiện thuốc này dùng chung kim với nhau.
Triệu chứng của viêm gan D lệ thuộc vào tình trạng nhiễm vi khuẩn viêm gan B của lá gan. Nếu vi khuẩn viêm gan B đang tàn phá lá gan, siêu vi khuẩn viêm gan D cũng “đánh ké”. Nếu vi khuẩn viêm gan B bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch của bệnh nhân thì vi khuẩn viêm gan D cũng sẽ “chết theo”.
Bệnh nhân có thể cùng một lúc lây cả hai bệnh viêm gan B và D (đồng nhiễm). Vì viêm gan D thường gây ra những triệu chứng tương tự như bệnh viêm gan B nên khi cơ thể bị tấn công một lúc bởi hai loại siêu vi khuẩn viêm B và D các triệu chứng có thể trầm trọng hơn, và bệnh có thể kéo dài hơn. Bệnh nhân bị nhiễm cùng một lúc viêm gan B và D sẽ có một số triệu chứng điển hình của bệnh viêm gan B trước, rồi sau đó, khi bệnh có vẻ như đang thuyên giảm thì các triệu chứng như vàng da, nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt... bắt đầu trở lại do đợt tấn công thứ hai; lần này do siêu vi khuẩn viêm gan D. Tùy theo tuổi tác khi bị lây bệnh, những triệu chứng kể trên có thể rất rõ rệt hoặc mơ hồ.
Bệnh nhân đang bị viêm gan B bị lây thêm bệnh viêm gan D (bội nhiễm): đây là trường hợp rất nguy hiểm. Với sự bành trướng của siêu vi khuẩn viêm gan D trong một cơ thể đang bị nhiễm trùng bởi siêu vi khuẩn viêm gan B, bệnh sẽ trở nên rất trầm trọng với những hậu quả vô cùng tai hại trong một thời gian rất ngắn. Ngay cả trong trường hợp siêu vi khuẩn B đang “ngủ yên”, siêu vi khuẩn D có thể đánh thức và cả hai sẽ hợp lực tàn phá lá gan nhanh chóng (từ 3 - 5 năm).
Cũng như các bệnh viêm gan siêu vi khuẩn khác, thử máu là phương pháp độc nhất và chính xác nhất trong việc định bệnh viêm gan D. Siêu âm cũng hữu ích.
Cho tới nay, chỉ có một thứ thuốc duy nhất được chấp thuận bởi FDA trong việc chữa trị bệnh viêm gan D: đó là Interferon alpha. Thuốc được dùng cho cả hai trường hợp: viêm gan D mạn tính và cấp tính viêm gan D chỉ lây qua những ai chưa có kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan B. Vì thế, chủng ngừa viêm gan B là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh viêm gan D. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa bệnh viêm gan D cho những người đang bị bệnh viêm gan B.
Viêm gan E
Tương tự như bệnh viêm gan A, bệnh lây từ người này qua người kia qua thức ăn và nước uống nhiễm vi khuẩn E. Bệnh dễ lây nhất qua phân so với bệnh viêm gan A, bệnh viêm gan E khó lây hơn. Bệnh đôi khi lây qua máu và rất hiếm khi qua đường sinh lý.
Thông thường triệu chứng của bệnh viêm gan E chỉ rất nhẹ và nhất thời, kéo dài từ vài ngày đến vài tuần lễ. Bệnh không gây ra những hậu quả lâu dài, như trong trường hợp của bệnh viêm gan B, D và C. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nên ác tính và nguy hiểm, nhất là khi bệnh nhân đang mang thai Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 15 - 60 ngày sau khi nhiễm siêu vi khuẩn. Thông thường, bệnh nhân bắt đầu bị hâm hấp sốt, mệt mỏi, đau nhức toàn thân như cảm cúm. Sau đó, da và mắt trở nên vàng, nước tiểu trở nên đậm mầu, phân có mầu nhạt như đất sét, bụng đau lâm râm, khó chịu, buồn nôn và ói mửa. Một số ít bệnh nhân bị tiêu chảy, nổi mề đay và đau khớp xương. Cũng như bệnh viêm gan A, đa số bệnh nhân không cần chữa, bệnh tự nhiên từ từ giảm dần và biến mất. Chỉ trong một số trường hợp hiếm hoi hơn, gan bị tàn phá một cách rất nhanh chóng và bệnh nhân có thể chết nếu không được ghép gan. Thử máu là phương pháp độc nhất để định bệnh viêm gan E.
Thông thường bệnh chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, và bệnh không cần chữa tự nhiên cũng hết. Các triệu chứng của bệnh có thể được chữa trị tùy theo tình trạng của mỗi bệnh nhân Tuy nhiên nếu bệnh trở nên ác tính, ghép gan là phương pháp độc nhất để có thể cứu được mạng sống của bệnh nhân. Cho tới nay, người ta vẫn chưa khám phá ra thuốc chích ngừa bệnh viêm gan E. Vì thế, giữ vệ sinh là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự bành trướng của căn bệnh đáng ngại này.
KỲ II: VẤN ĐỀ DINH DƯỠNG CỦA NGƯỜI BỊ VIÊM GAN
Theo SKDS