Cách chăm sóc để bé không bị viêm phế quản
Chăm sóc trẻ đúng cách, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Cụ thể: Cho trẻ bú mẹ ngay từ lúc mới sinh đến 2 tuổi. Điều quan trọng là người mẹ cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh nhằm đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng.
Chăm sóc trẻ đúng cách, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Cụ thể: Cho trẻ bú mẹ ngay từ lúc mới sinh đến 2 tuổi. Điều quan trọng là người mẹ cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh nhằm đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng. Trong suốt thời kỳ cho con bú, cần lưu ý đặc biệt tới các loại đồ ăn giàu canxi như các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc, ngũ cốc nguyên cám, rau lá xanh, các loại hạt hay các loại cá. Các chế phẩm bổ sung vitamin sẽ giúp tăng thêm nguồn vitamin trong sữa mẹ. Khi trẻ được 6 tháng, cần cho trẻ ăn dặm đúng cách. Tùy thể trạng từng trẻ, có thể tập cho trẻ ăn dặm từ từ, bắt đầu từ 5 - 6 tháng tuổi trở đi, bữa ăn của trẻ phải bao gồm đầy đủ bốn nhóm dinh dưỡng chính: Tinh bột; chất đạm; rau, trái cây; dầu thực vật. Cho trẻ uống đủ nước.
Trẻ mắc viêm tiểu phế quản cần được bác sĩ khám và chỉ định điều trị đúng cách.
- Đối với trẻ bị bệnh tim, phổi bẩm sinh càng cần được chăm sóc và lưu ý kỹ hơn.
- Giữ cho môi trường trẻ ở được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá vì đây là nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp và làm nặng hơn tình trạng bệnh ở trẻ.
- Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ, tránh để trẻ tiếp xúc gần gũi với người đang bị viêm đường hô hấp cũng như các trẻ bệnh khác vì virut gây bệnh lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp, nhất là qua các giọt nước bọt, chất tiết bắn ra từ mũi, miệng người bệnh, lây từ trẻ này sang trẻ khác qua bàn tay người chăm sóc và khi tiếp xúc bề mặt bị nhiễm như đồ chơi, quần áo trẻ bị bệnh.
- Chú ý mặc quần áo thích hợp cho trẻ, khi thời tiết giao mùa chuyển nóng hoặc lạnh đột ngột cần thường xuyên thay quần áo phù hợp. Mùa nóng cần bố trí nơi ở của trẻ thoáng mát, không sử dụng điều hòa nhiệt độ quá chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài, không bật quạt gió thổi trực tiếp vào người trẻ, không để trẻ bị lạnh hay ra quá nhiều mồ hôi, thường xuyên lau mồ hôi cho trẻ.
- Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
- Sau khi bị viêm tiểu phế quản, đường thở của trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn và dễ tái phát nếu sức đề kháng kém, vì vậy, trẻ mắc bệnh cần phải được điều trị đúng, dứt điểm và cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp trên để phòng tránh tái phát.
Lời khuyên của thầy thuốc
Cách chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản như sau: Tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Có thể chia nhỏ thành nhiều cữ bú, bữa ăn để trẻ đỡ bị nôn ói khi ho nhiều. Cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước và làm loãng đờm, dịu ho. Có thể dùng thuốc ho dạng thảo dược theo chỉ định của bác sĩ. Điều chỉnh nhiệt độ phòng vừa phải, sao cho không khí không quá khô và lạnh. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38,5 độ. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Có thể nhỏ mũi với 2-3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ. Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc vì nếu dùng không đúng có thể làm trẻ bệnh nặng hơn hay có thể có tác dụng có hại, nhất là ở trẻ nhỏ. Tái khám đúng hẹn theo lịch hẹn của bác sĩ.
Theo SKDS