Cẩn thận, coi chừng ngã
Nhiều trường hợp người cao tuổi bị ngã gây ra những hậu quả rất xấu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày.
Nhiều trường hợp người cao tuổi bị ngã gây ra những hậu quả rất xấu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày.
Người cao tuổi khi tuổi càng cao, ngoài sức đề kháng càng giảm, các chức năng suy yếu thì hệ thống cơ, xương, khớp, dây chằng cũng theo đó mà xuống cấp. Vì vậy, ngoài các bệnh tật tấn công thì vấp ngã, gây chấn thương cũng luôn rình rập NCT. NCT rất dễ bị bệnh tật tấn công vì “cỗ máy thời gian” đã bào mòn và gặm nhấm sức khỏe của họ.
Nguyên nhân gây ngã
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ NCT bị ngã gây chấn thương hàng năm rất cao, có tới từ 28 - 35% số người trên 64 tuổi bị ngã, trên 70 tuổi tỉ lệ này còn cao hơn (khoảng 42%). NCT dễ bị ngã có thể do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Do chủ quan bởi sức khỏe giảm sút, các cơ quan bị giảm chức năng (cơ teo, dây chằng, bao gân cơ yếu kém, khớp thoái hóa, loãng xương, xương khớp biến dạng, rối loạn dáng đi...). NCT có thể bị rối loạn thăng bằng bởi rối loạn tuần hoàn não (hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng), sa sút trí tuệ (quên lối đi, đi đứng khó khăn, trí nhớ giảm sút) nên đáp ứng chậm.
NCT thông thường thị lực cũng bị suy giảm làm cho đi lại khó khăn, khó phát hiện các vật cản trước mắt. Một số NCT do sức yếu hoặc do bệnh tật phải nằm nhiều gây nên trạng thái ì của hệ thống xương cơ khớp, dây chằng, vì vậy, rất dễ bị ngã khi đi, đứng. Một số NCT do mắc một số bệnh tật mãn tính nên phải dùng thuốc dài ngày (hen suyễn, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn men gan…) làm ảnh hưởng đến các chức năng khác (loãng xương, hạ huyết áp thể đứng). Yếu tố khách quan có tác động khá rõ trong các trường hợp NCT bị ngã, đó là nhà ở tối tăm, thiếu ánh sáng trong khi nhiều vật dụng bố trí thiếu gọn gàng làm cho NCT dễ bị vấp, ngã.
Một số NCT bị ngã do phải lên xuống cầu thang, bậc thềm hoặc ngã do sàn nhà, nhất là sàn nhà tắm trơn dễ trượt.
Có nhiều trường hợp NCT do dùng dày, dép không đúng kích cỡ hoặc mặc quần không gọn gàng cũng gây vấp ngã.
NCT dễ bị ngã có thể gặp trong các trường hợp dinh dưỡng kém, ăn uống kém hoặc quá kiêng khem làm cho cơ thể giảm đường huyết, thiếu năng lượng.
Phòng tránh ngã
Đề phòng tránh ngã, NCT không nên chủ quan, không tự cho mình còn đủ khả năng làm được những việc vượt quá khả năng như leo trèo, đi xe máy tốc độ cao, leo cầu thang khi tuổi đã cao hoặc chạy.
Khi thấy mình có hiện tượng bất thường về sức khỏe nên đi khám bệnh (hoa mắt, chóng mặt, nhìn kém, tức ngực, khó thở, tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp…).
Khi bị rối loạn tiền đình với bất cứ nguyên nhân gì (huyết áp thấp hoặc tăng huyết áp hoặc thoái hóa cột sống cổ…) cũng cần dùng thuốc theo đơn của bác sĩ khám bệnh cho mình. Nếu đã bị chứng rối loạn tiền đình thì khi thay đổi tư thế cần từ từ, nhất là từ tư thế nằm chuyển sang ngồi hoặc đứng, đi. Không nên đi xe máy, xe đạp hoặc leo trèo, lên xuống cầu thang, không nên chơi một số môn thể thao như: bóng chuyền, cầu lông khi đã mắc chứng rối loạn tiền đình.
Những trường hợp bị bệnh mãn tính phải dùng thuốc dài ngày mà có tác dụng phụ (buồn nôn, chóng mặt, tụt huyết áp thể đứng…) cần báo cho bác sĩ điều trị biết để có biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, NCT nên có sự luyện tập tùy theo sức của mình giúp cải thiện thăng bằng, dáng đi để khỏe cơ - xương khớp. Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và không nên kiêng khem quá mức hoặc bỏ bữa làm ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý bình thường của cơ thể.
Trong gia đình nên cố gắng loại bỏ các yếu tố nguy cơ cao gây ngã cho NCT như: thiếu ánh sáng; sàn nhà, nhà tắm cần lát gạch chống trơn. Cần sắp xếp gọn gàng các đồ dùng, vật dụng để tránh vấp, ngã. NCT nên chọn các loại dày, dép đúng kích cỡ, không mặc quần quá dài, quá rộng gây vướng lúc đi lại. Những NCT có sức khỏe giảm sút, yếu (tai biến mạch máu não, liệt, đi lại khó khăn) nên có gậy, nạng hoặc xe lăn, tốt nhất có người hỗ trợ, nếu để người bệnh tự vận động dễ gây ngã và hậu quả để lại xấu (nứt, rạn, gãy xương).
Theo SKDS