Cảnh báo từ một ca bệnh
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vừa qua đã điều trị cho một nữ bệnh nhân 38 tuổi nhiễm trùng roi Trypanosoma evansi (T.evansi). Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong tình trạng sốt kéo dài 18 ngày, nhức đầu, ớn lạnh, đau 2 khớp gối.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vừa qua đã điều trị cho một nữ bệnh nhân 38 tuổi nhiễm trùng roi Trypanosoma evansi (T.evansi). Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong tình trạng sốt kéo dài 18 ngày, nhức đầu, ớn lạnh, đau 2 khớp gối. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân, theo dõi nhiễm giun chỉ. Một ngày sau, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy bệnh nhân tổn thương gan, thận, giảm 3 dòng tế bào máu ngoại biên và nhiễm trùng nặng. Kết quả phết máu ngoại biên và phết tủy xương soi cho thấy nhiễm trùng roi T. evansi. Xét nghiệm PCR tại Phòng Ký sinh trùng, Khoa Thú y, Trường đại học Ksetsart, Thái Lan cho thấy bệnh nhân dương tính với T. evansi. Điều này cho thấy bệnh do T. evansi đã xuất hiện tại Việt Nam.
Chu trình gây bệnh của trùng roi Trypanosoma evansi.
Biểu hiện thế nào?
Vào năm 2004, người đầu tiên nhiễm Trypanosoma evansi được tìm thấy ở làng Seoni, xã Taluka Sindevahi, huyện Chandrapur, bang Maharashtra, Ấn Độ. Các xét nghiệm bằng phương pháp nhuộm soi xác định hình thể ký sinh trùng trong máu, xét nghiệm miễn dịch học và khẳng định bằng phương pháp sinh học phân tử. Ban đầu bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng sốt từng cơn, ớn lạnh, vã mồ hôi. Bệnh nhân có tổn thương rách ngón tay và được cho là nhiễm T. evansi trong khi tiếp xúc với máu của động vật có nhiễm bệnh trong quá trình làm việc. Không phát hiện được trùng roi T. evansi ký sinh trong nước não tủy và trong tủy xương. Bệnh nhân được điều trị thành công bằng suramin một loại thuốc dùng để điều trị T. b. bhodesiense.
Xác định bệnh khó hay dễ?
Một nghiên cứu do tác giả Vijay Shegokar tiến hành vào năm 2005 tại làng có bệnh nhân đầu tiên nhiễm T. evansi tại Ấn Độ, nghiên cứu xét nghiệm phát hiện nhiễm T. evansi ở 1.806 người sử dụng phương pháp xét nghiệm ngưng kết hồng cầu. Có 410 người (22,7%) dương tính với xét nghiệm máu toàn phần, nhưng chỉ có 81 trường hợp được khẳng định là dương tính với T. evansi bằng xét nghiệm huyết thanh. Tuy nhiên, không có bất kỳ một trùng roi trypanosomes nào được phát hiện trong máu của 60 người trong số 81 người dương tính với xét nghiệm huyết thanh và họ không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh tật. Nghiên cứu cho thấy con người có thể phơi nhiễm thường xuyên với T. evansi. Ở đây hai giả thiết được đưa ra giải thích cho việc không tìm thấy trùng roi T. evansi trong máu: thứ nhất T. evansi được cho là không gây nhiễm cho người, cụ thể hơn yếu tố trypanolytic trong huyết thanh người bình thường chống lại việc nhiễm T. evansi và gần đây được xác định là yếu tố apolipoprotein L1. Thứ hai, ca nhiễm bệnh đầu tiên ở điểm nghiên cứu này phát hiện ký sinh trùng trong máu vào thời điểm bệnh nhân sốt cao và có sự tập trung ký sinh trùng cao trong máu, do đó dễ dàng phát hiện ra ký sinh trùng bằng soi kính hiển vi. Chính vì vậy, việc quan sát những người có huyết thanh dương tính với T. evansi là rất cần thiết để theo dõi sự tiến triển của bệnh nhất là khi họ bắt đầu có triệu chứng sốt. Một nghiên cứu giám sát dịch tễ học là cần thiết để theo dõi sự tiến triển của bệnh và sự xuất hiện một căn bệnh mới truyền từ động vật sang người.
Cần đề phòng nguồn lây bệnh
Việc phòng chống có hiệu quả là phải phát hiện, điều trị kịp thời cho người bị mắc bệnh. Chú ý phát hiện trùng roi ở một số động vật nuôi; chống ruồi đốt máu và truyền mầm bệnh bằng cách ngủ màn, mặc áo dài tay và quần dài, tránh lại gần các bụi cây, bẫy ruồi, dùng hóa chất diệt ruồi, dùng các loại thuốc xua diệt côn trùng...
Trypanosoma evansi (Steel 1885) Balbiani, là tác nhân gây bệnh đầu tiên thuộc nhóm Trypanosome được mô tả trên thế giới ở động vật có vú vào năm 1880 bởi Griffith Evans, tại Ấn Ðộ. Trypanosoma evansi thuộc dạng chỉ ký sinh trong máu, chủ yếu ký sinh trên động vật như: chuột, ngựa, trâu, bò; rất hiếm khi xuất hiện trên người. Trâu, bò mắc bệnh thể cấp tính thường sốt cao 41-41,70C, với các triệu chứng thần kinh như: ngã quỵ, kêu rống, đi vòng tròn và sẽ chết sau 7-15 ngày mắc bệnh. Ở thể mạn tính, các triệu chứng nhẹ hơn và bệnh kéo dài 1-2 tháng, con vật ngày càng gầy, niêm mạc mắt vàng nhạt hay sẫm, chảy nước mắt. Sức khỏe suy yếu dần, kém ăn, đột ngột sốt cao, bụng trướng to rồi tử vong.
Ðiều đặc biệt là loại trùng roi gây bệnh trên người chỉ từng ghi nhận ở châu Phi như loài Trypanosoma brucei gây bệnh ngủ cho người sau khi bị loài ruồi có tên Glossina (còn gọi là ruồi Tsetse) mang mầm bệnh cắn. Hoặc loại trùng roi khác ở Nam Mỹ có tên Trypanosoma cruzi gây bệnh Chagas. Người mắc bệnh sẽ bị các biến chứng ở hệ tiêu hóa và tim mạch như: phì đại thực quản, phì đại đại tràng, bệnh cơ tim, suy tim; thậm chí chết đột ngột do loạn nhịp tim, ngưng tim...
Theo SKDS