Cao răng - Thủ phạm gây bệnh nha chu

    Cao răng được hình thành do vôi hoá các mảng bám hay mảng vi khuẩn. Các vi khuẩn trong miệng tích tụ lại, hình thành nên màng vi khuẩn hay mảng bám răng. Các chất vô cơ mà thành phần chính là muối canxi lắng đọng lại tạo nên cao răng 

    Cao răng được hình thành do vôi hoá các mảng bám hay mảng vi khuẩn. Các vi khuẩn trong miệng tích tụ lại, hình thành nên màng vi khuẩn hay mảng bám răng. Các chất vô cơ mà thành phần chính là muối canxi lắng đọng lại tạo nên cao răng

    Lấy cao răng thường xuyên là biện pháp ngừa bệnh nha chu hiệu quả nhất.

    Phát hiện có dễ? Cao răng có thể thấy ở trên lợi hoặc dưới lợi hoặc cả trên lợi và dưới lợi.

    Cao răng trên lợi: bám ở mặt răng và xung quanh thân răng, phía trên lợi nên có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Cao răng trên lợi còn gọi là cao răng nước bọt thường có màu vàng, đôi khi có màu sẫm do dùng nhiều cà phê, thuốc lá, ngậm các thuốc nam hoặc do vi khuẩn trong miệng gây nên. Cao răng trên lợi hình thành từ nước bọt nên chúng ta thường thấy nhiều ở nơi tiết ra của các tuyến nước bọt; đó là mặt trong răng của hàm dưới và mặt ngoài răng hàm lớn hàm trên. Chúng ta cũng thấy cao răng trên lợi nhiều ở những vùng ít nhai như răng không có răng đôi diện, răng đối diện với răng sâu vỡ to và bề mặt của răng giả.

    Cao răng dưới lợi: bám xung quanh bề mặt chân răng. Bị lợi che phủ nên mắt thường không nhìn thấy được mà phải thăm khám mới phát hiện được. Loại này thường hình thành do các dịch tiết và chảy máu từ túi lợi nên còn gọi là cao răng huyết thanh. Cao răng dưới lớp lợi có màu nâu và bám rất chắc vào chân răng.

    Cao răng được tích tụ dần dần theo từng lớp, ngày càng dày lên. Lớp cao răng đầu tiên với bề mặt không phẳng, nhẵn sẽ tạo điều kiện hình thành cho việc tạo nên một lớp mỏng bám răng mới và trên cơ sở đó, lớp cao răng tiếp theo được tạo nên. Nếu không được lấy đi thì cứ như thế cao răng sẽ dày lên.

    Hậu quả do cao răng

    Cao răng là tác nhân đầu tiên kích thích tại chỗ, chủ yếu nhất là nơi tích tụ và duy trì vi khuẩn, là tác nhân gây nên bệnh viêm lợi và viêm quanh răng. Tuy cao răng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh nhưng nó có vai trò hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện cho mảng bám răng phát triển, là đất cho các vi khuẩn sinh sôi nảy nở gây ra phản ứng viêm lợi và tổ chức quanh răng.

    Viêm lợi là biểu hiện bệnh ở mức độ nhẹ. Các dấu hiệu bất thường chúng ta thường thấy là miệng có mùi hôi, đánh răng hoặc chạm vào lợi thấy chảy máu. Lúc này răng còn chắc và không lung lay. Giai đoạn nặng là bệnh viêm quanh răng hay còn gọi là nha chu viêm. Ngoài dấu hiệu hôi miệng, chảy máu ở chân răng khi va chạm còn có nhiều răng lung lay, ăn nhai vào đau, nhức, thỉnh thoảng gây sưng và có mủ ở vùng lợi chân răng. Vì bệnh nha chu này mà nhiều người còn ở độ tuổi 30-40 đã phải nhổ gần hết hoặc toàn bộ cả hàm răng.

    Tuỳ mức độ cao răng nhiều hay ít và tuỳ theo phản ứng của từng cơ thể đối với các loại vi khuẩn trên bề mặt cao răng mà biểu hiện bệnh có thể ở mức độ nặng hay nhẹ. Theo kết quả điều tra về tình hình bệnh răng-miệng gần đây ở Bệnh viện Răng hàm mặt TW Hà Nội thì hơn 90% số người được khám là có cao răng nhưng số người bị bệnh viêm quanh răng thì chỉ vào khoảng 25%. Vì không có biểu hiện đau nhức nên nhiều người cho rằng không cần thiết phải đi lấy cao răng, thậm chí còn có người cho rằng cao răng góp phần giữ cho răng chắc khoẻ hơn. Chỉ khi thấy đau nhức, lung lay, sưng nề vùng lợi chân răng mới đi khám. Lúc đó là thời gian quá muộn để phục hồi lại tổ chức quanh răng.

    Lời khuyên thầy thuốc

    Để giữ cho hàm răng của chúng ta luôn chắc khoẻ, miệng luôn được thơm tho, sạch sẽ thì biện pháp phòng bệnh là tốt nhất. Các biện pháp tốt để phòng bệnh là: Nên 6 tháng/lần đi khám và lấy cao răng tại bệnh viện hay các phòng khám răng hàm mặt. Chải răng sạch sẽ hằng ngày, sau bữa ăn và buổi tối trước khi đi ngủ, chải kỹ cả mặt trong và ngoài. Dùng chỉ tơ nha khoa làm sạch sẽ các kẽ răng, nơi bàn chải răng không làm sạch được.

    Theo SKDS