Chớ coi thường khi trẻ nhiễm khuẩn hô hấp

    Nhiễm khuẩn hô hấp, đặc biệt là viêm phổi là bệnh rất hay gặp ở trẻ em, diễn biến bệnh khó lường… Nếu không được phát hiện, điều trị sớm và kịp thời sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

     Nhiễm khuẩn hô hấp, đặc biệt là viêm phổi là bệnh rất hay gặp ở trẻ em, diễn biến bệnh khó lường… Nếu không được phát hiện, điều trị sớm và kịp thời sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

    Ðường hô hấp bao gồm từ mũi xuống họng, thanh quản, khí quản, phế quản và phổi - có chức năng thu nhận không khí từ bên ngoài vào để cung cấp oxy cho cơ thể, đồng thời thải khí cacbonic ra ngoài. Vì thế nhiệm vụ của bộ máy hô hấp vô cùng quan trọng. Người ta có thể nhịn ăn trong nhiều ngày, nhưng không thể nhịn thở được dù chỉ trong vài phút. Khi bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT), nghĩa là trẻ có thể bị bệnh ở đường mũi họng, thanh quản, khí quản, phế quản; trong đó đặc biệt viêm phổi là bệnh nguy hiểm nhất.

    Tai cũng là một bộ phận của đường hô hấp và thông với họng, vì vậy những bệnh viêm nhiễm ở tai cũng được xếp vào các bệnh NKHHCT.

    Biểu hiện khi trẻ bị NKHHCT

    Trẻ bị NKHHCT thường có một trong các triệu chứng sau:

    - Ho.

    - Sốt.

    - Khó thở, thở nhanh hoặc thở khác thường.

    - Ðau họng.

    - Chảy nước mũi.

    - Chảy mủ tai.

    Trong đó ho là triệu chứng hay gặp nhất. Thông thường ho hay kèm theo sốt, tuy vậy cũng có nhiều trẻ nhỏ bị viêm phổi nặng nhưng không sốt. Có điều may mắn là đa số các trẻ bị ho, sốt, chảy nước mũi thường là do cảm cúm hoặc cảm lạnh, và bệnh sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần mà không phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, một số trẻ trong nhóm này có thể bị viêm phổi. Khi bị viêm phổi, nếu không chữa trị kịp thời, bệnh sẽ nặng lên rất nhanh và có thể dẫn đến tử vong, còn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh sẽ khỏi hoàn toàn.

    Bệnh dễ mắc và diễn biến khó lường

    TS. Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, BV. Bạch Mai) cho biết, đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh (virus, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở. Đối với trẻ, đường thở ngắn và hẹp nên mầm bệnh dễ lây lan hơn. Đặc biệt, trẻ dưới 5 tuổi, bệnh đường hô hấp thường xuyên tấn công do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém, trẻ không đủ sức chống đỡ với sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

    Ngoài ra, vì trẻ còn quá nhỏ, chưa có ý thức giữ vệ sinh, tự bảo vệ mình trước các nguy cơ lây nhiễm bệnh từ môi trường sống và người có bệnh nên càng dễ mắc bệnh.

    So với các bệnh thông thường khác, bệnh đường hô hấp như cúm có mức độ lây nhiễm cao, khó kiểm soát, có thể gây dịch nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng. Những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm nhiễm đường hô hấp chỉ là ho, có thể kèm theo sổ mũi, hắt hơi, sốt… Ở trường hợp nặng hơn, trẻ có thể biểu hiện khó thở rõ rệt hơn (thở nhanh, thở co lõm lồng ngực).

    NKHHCT, đặc biệt là viêm phổi là bệnh rất hay gặp ở trẻ em, diễn biến thường nặng và khó lường… Do đó, nếu những bệnh lý này không được phát hiện, điều trị, xử trí sớm và đúng, sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp cấp, viêm phổi, viêm tai, viêm màng não, áp-xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong.

    Lưu ý:

    - Nếu trẻ có ho và rút lõm lồng ngực, phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện điều trị cấp cứu vì trẻ có thể bị viêm phổi nặng.

    - Nếu trẻ ho và thở nhanh hoặc thở khác thường, hãy đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn điều trị cụ thể vì trẻ có thể bị viêm phổi.

    - Nếu trẻ chỉ bị ho, sốt đơn thuần thì không cần dùng kháng sinh, có thể theo dõi và chăm sóc điều trị tại nhà bằng thuốc ho Ðông y hoặc sirô ho và thuốc hạ sốt Paracetamol.

    Theo Vnmedia