Chớ nhầm thuốc ho với thuốc có tác dụng trên đờm
Thuốc tác dụng trên đờm như làm long đờm, hóa giáng đờm... rất hay bị dùng nhầm. Nguyên do có sự nhầm lẫn về tác dụng, cơ chế và thông tin dược học của thuốc...
Thuốc tác dụng trên đờm như làm long đờm, hóa giáng đờm... rất hay bị dùng nhầm. Nguyên do có sự nhầm lẫn về tác dụng, cơ chế và thông tin dược học của thuốc...
Thuốc tác dụng trên đờm là gì?
Thuốc tác dụng trên đờm là tất cả các thuốc làm thay đổi đặc tính, tính chất, số lượng và độ bám dính của đờm trên bề mặt đường thở. Thông thường, trên đường thở lúc nào cũng có một lớp nhầy, có độ dính, độ ẩm vừa phải và số lượng vừa phải để bảo vệ đường hô hấp. Nhưng khi hệ hô hấp bị bệnh lý, lớp nhầy này bị thay đổi tính chất, trở nên bám dính, đặc quánh và khi đó nó được gọi là đờm.
Cần dùng các thuốc có tác dụng trên đờm một cách hợp lý.
Đờm gây ra nhiều tai hại. Trong điều trị bệnh, lớp đờm này phải được tống ra ngoài. Để thải bỏ được đờm ra ngoài, người ta dùng các thuốc gọi là thuốc tác dụng trên đờm.
Thuốc tác dụng trên đờm bao gồm có 4 nhóm cơ bản sau đây: nhóm làm loãng đờm, nhóm làm hóa giáng đờm, nhóm làm giảm bám dính đờm và nhóm tăng thải đờm. Về nguyên lý và cơ chế tác dụng, thuốc tác dụng trên đờm rất hay bị dùng nhầm dưới dạng thuốc chống ho. Thật ra, trên cơ chế dược học, các thuốc này không hề tác dụng vào các cơ chế gây ho.
Những nhầm lẫn...
Các nhầm lẫn về thuốc tác dụng trên đờm khá phổ biến trong thực tế. Nó có thể bị nhầm lẫn bởi ngay chính các nhà cung cấp thuốc (công ty dược), nhầm lẫn bởi chính bác sĩ và nhầm lẫn về thuật ngữ.
Trước hết, bàn tới sự nhầm lẫn về thuật ngữ. Chúng ta không thể đồng nhất thuốc làm loãng đờm với thuốc hóa giáng đờm, cũng không thể đồng nhất thuốc làm tăng thải đờm với thuốc giảm bám dính đờm. Vì thực tế, chúng có tên khác nhau thì tác dụng và hiệu quả sẽ khác nhau.
Thuốc làm loãng đờm là những thuốc làm tăng sự tiết dịch (chủ yếu là nước) trên bề mặt đường hô hấp. Sự tăng tiết này làm đờm có thêm nước hòa tan nên sẽ làm tăng khối lượng đờm, tăng thể tích đờm, đờm trở nên lỏng ra trông thấy. Thuốc điển hình trong nhóm này trên thị trường là guaifenesin.
Trong khi đó, thuốc hóa giáng đờm là những thuốc tác dụng trực tiếp vào đờm, có tác dụng bẻ gãy các cấu trúc hóa học liên kết trong nội bộ đờm làm sự liên kết của chúng trở nên lỏng lẻo hơn. Kết quả cuối cùng, chúng không làm tăng tiết dịch, tăng số lượng đờm nhưng lại làm cho đờm bớt đặc, dễ bị thải bỏ ra ngoài. Thuốc kinh điển nhóm này là acetylcystein, ambroxol, carbocistein, bromhexin...
Khác nhau là vậy, nhưng về mặt thuật ngữ, người ta hay đồng nhất chúng và gọi chung là tuốc long đờm.
Trong điều trị bệnh, người dùng (trong đó có một số nhân viên y tế và bệnh nhân) có quan niệm, cứ ho có đờm là dùng “thuốc long đờm”. Nhưng rất đáng tiếc, công thức điều trị này đôi khi không phù hợp với tất cả mọi người. Thuốc tác dụng trên đờm chỉ thực sự hữu ích trong điều trị nếu như biết dùng đúng thời điểm. Nếu dùng chưa đúng thời điểm, tác dụng thu được không như người điều trị mong muốn.
Ví dụ, lời khuyên chung là có đờm thì phải long đờm, loãng đờm để khạc ra ngoài. Nhưng người ta lại quên mất có đờm ở mức độ nào mới dùng thuốc long đờm. Một trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nếu đang có sự tăng tiết đờm quá nhiều, đang nhiều ran ẩm và ran nổ, đang có viêm phổi sòng sọc thì việc dùng thuốc lúc này sẽ đẩy viêm phổi mạnh hơn. Lý do: phổi sẽ càng nhiều dịch, càng nhiều tiếng ran hơn và càng khó thở. Một bệnh nhân COPD người lớn, lượng đờm tiết ra trong những đợt cấp tính là rất dữ dội. Nếu tiếp tục dùng các thuốc này vào sẽ rất bất lợi, vì ho sẽ càng tăng và khó thở sẽ càng rõ rệt. Vấn đề lúc này phải giảm tiết đờm nhằm mục tiêu kiểm soát lượng đờm cho phép trước khi quyết định dùng thuốc tác dụng trên đờm vào thời điểm sau đó. Xác định rõ mức độ đờm thế nào, dùng khi nào hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ, sự cẩn thận, sự tỉ mỉ trong khám bệnh cũng như kinh nghiệm điều trị.
Để dùng đúng thuốc
Để có cách dùng đúng, chúng ta cần nắm vững về cơ chế và nguyên lý tác dụng. Khi nào cần dùng thuốc làm loãng đờm, khi nào cần dùng thuốc hóa giáng đờm, khi nào cần dùng thuốc chống bám dính đờm.
Trong thời điểm đờm đang quá nhiều, việc dùng thuốc làm loãng đờm hoặc thuốc hóa giáng đờm là rất không nên. Vấn đề lúc này cần điều tiết lượng đờm bằng các thuốc khác nhau. Sau khi đã kiểm soát được lượng đờm, vấn đề thải bỏ đờm là quan trọng. Lúc này các thuốc tác dụng trên đờm thực sự hữu ích.
Thuốc long đờm không phải là thuốc chống ho. Vì thuốc không có tác dụng cắt đứt cơn ho trên cơ chế và trên thực tế. Vì vậy, giải pháp cho dùng thuốc để cắt đứt cơn ho là không phù hợp. Một vài trường hợp dùng thấy khỏi ho hoàn toàn không do thuốc có tác dụng mà đó chỉ là sự khỏi đồng thuận may mắn do tình cờ mà có. Ví dụ, trong cảm cúm nhẹ, bạn sẽ có ho. Dù bạn có uống thuốc long đờm hay không thì một vài ngày sau bạn cũng khỏi cúm và cũng khỏi ho. Việc khỏi này hoàn toàn không do thuốc long đờm tạo ra.
Rất quan trọng với dùng thuốc tác dụng trên đờm là nước. Thuốc sẽ không đạt công hiệu tối đa nếu không uống nước nhiều và đầy đủ. Nước là một chất trực tiếp làm tăng dịch tiết trong đờm, tăng độ loãng cho đờm. Nên nếu như không uống kèm thêm một chỉ định thì dù có uống liều cao guaifenesin hay liều cao ambroxol thì hiệu quả thu được rất hạn chế. Thường phải uống ít nhất 1,5 lít nước/ngày với một người trưởng thành. Thêm chừng 300-500ml nếu có sốt cao.
Theo SKDS