Chuyên gia dinh dưỡng 'bật mí' về bữa sáng tốt nhất cho trẻ
Một bữa sáng dồi dào và đầy đủ các chất xơ, protein, canxi cùng nhiều dưỡng chất quan trọng khác là tốt nhất cho trẻ. Những chất dinh dưỡng này giúp trẻ phát triển cả thể lực và chiều cao.
Một bữa sáng dồi dào và đầy đủ các chất xơ, protein, canxi cùng nhiều dưỡng chất quan trọng khác là tốt nhất cho trẻ. Những chất dinh dưỡng này giúp trẻ phát triển cả thể lực và chiều cao.
Ăn sáng đều giúp trẻ thông minh hơn
Bữa sáng rất quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể vì đây là lúc các tế bào trong cơ thể hoạt động mạnh nhất và hấp thụ các loại chất dinh dưỡng một cách hiệu quả. Một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng giúp cung cấp nguồn năng lượng dồi dào đảm bảo cho sự hoạt động của các tế bào trong cơ thể.
Riêng đối với trẻ nhỏ, bữa ăn sáng vô cùng quan trọng, đây là bữa ăn chính trong ngày bởi những năm đầu đời là nền móng cho sự phát triển của cơ thể chúng ta khi trưởng thành.
Buổi sáng là khoảng thời gian bé cần nạp thêm năng lượng sau mỗi giấc ngủ dài từ 8-10 giờ. Nguồn calo dự trữ trong cơ thể chỉ đủ năng lượng cho bé đến giữa buổi sáng nếu không được dung nạp thêm.
Bữa ăn sáng còn giúp bé duy trì trọng lượng cân đối vì buổi sáng là thời gian khởi động cho sự trao đổi chất trong cơ thể, thúc đẩy quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng; sự trao đổi chất thường xuyên sẽ giúp cơ thể đốt cháy calo.
Nếu không ăn sáng, bé sẽ có xu hướng tiêu thụ nhiều calo hơn, điều này liên quan đến nguy cơ bị béo phì. Khi bỏ bữa sáng, bé sẽ cảm thấy đói nhiều hơn vào giữa buổi và dễ ăn vặt hoặc ăn quá nhiều vào bữa trưa.
Ngược lại, một khi trẻ được cung cấp bữa sáng đầy đủ sẽ giúp trẻ tập trung tinh thần cao và sáng tạo trong những hoạt động, trẻ sẽ nhanh chóng nắm bắt được những kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như nhanh nhạy hơn trong việc phối hợp tay – mắt.
Sữa và các phụ phẩm từ sữa là món không nên thiếu trong bữa sáng của trẻ.
Một nghiên cứu được công bố đầu năm 2013 từ các chuyên gia trường Đại học Tổng hợp Florida, Mỹ chỉ ra rằng: “Nếu ăn sáng đều đặn sẽ giúp trẻ thông minh hơn!”.
Các chuyên gia đã tiến hành các bài kiểm tra IQ với 1269 trẻ em trên 6 tuổi Kết quả cho thấy, loại bỏ những yếu tố có ảnh hưởng đến chỉ số thông minh của trẻ như tình trạng thu nhập của gia đình, sự giáo dục, tác động bên ngoài… những trẻ em ăn sáng đều đặn luôn có điểm IQ cao hơn so với những trẻ em không ăn hoặc bỏ bữa sáng.
Theo các chuyên gia, việc bỏ bữa sáng sẽ khiến lượng đường trong máu thấp hơn mức bình thường và khiến não bị thiếu chất dinh dưỡng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và hoạt động của não trẻ. Không chỉ có vậy, chất lượng bữa ăn sáng cũng ảnh hưởng tới sự thông minh ở trẻ nhỏ. Những trẻ ăn sáng thường xuyên ít có nguy cơ bị béo phì, mặc dù lượng calo tiêu thụ trong ngày có thể nhiều hơn. Đáng chú ý là bữa sáng có thể cải thiện trí nhớ, nâng cao điểm số và việc đi học đều đặn ở trẻ.
Theo BS Lê Quang Hào, Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), bữa ăn sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày. Cha mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng vào bữa sáng sẽ giúp trẻ có trí nhớ tốt, khả năng tập trung cao và có thể học tốt đến tiết học cuối cùng của buổi sáng. Nếu không ăn sáng hoặc bữa ăn không đầy đủ, trẻ rất dễ bị hạ đường huyết làm giảm khả năng tập trung khi học.
Bữa sáng đủ dưỡng chất
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì một bữa sáng được cho là tốt nhất với trẻ nhỏ chính là bữa sáng giàu protein và đầy đủ dưỡng chất: chất xơ, canxi và khoáng chất. Nên hạn chế cho trẻ ăn nhiều các đồ ăn chứa nhiều đường và dầu mỡ để ngăn ngừa các vấn đề về răng và bệnh tiểu đường sau này.
Mỗi ngày, lượng calories trung bình mà trẻ cần được “nạp” được tính theo công thức: 1000kcal + 100 x số tuổi. Ví dụ, khi lên 4 tuổi trẻ cần 1400 kcal/ngày, đến 10 tuổi thì lượng calories tăng lên đến 2000 kcal/ngày.
Dưới đây là một vài gợi ý các nguồn thực phẩm có chứa các nhóm dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.
Protein và chất sắt: có trong các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, các loại hạt. Vai trò tạo hình cơ bắp của protein đặc biệt quan trọng. Riêng chất sắt là thành phần quan trọng của huyết sắc tố. Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, ảnh hưởng không tốt đến trí nhớ của trẻ.
Thức ăn tinh bột: có nhiều trong cơm, cháo, khoai tây, khoai lang, mì… Nhóm thức ăn này có chứa các tinh bột tạo nên chất bột đường cần thiết để chuyển hóa thành năng lượng cho các hoạt động của trẻ.
Trái cây và rau xanh: rau có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp cho cơ thể vitamin và chất xơ. Trái cây cũng chứa lượng vitamin cao, do đó các mẹ nên cho trẻ dùng thêm trong các bữa ăn.
Sữa tươi: đây là nguồn dưỡng chất khá phong phú vì chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất như protein, chất béo, sắt, kẽm, magiê, canxi, vitamin,… Do đó, các mẹ nên lựa chọn những sản phẩm làm từ sữa tươi để trẻ dùng kèm trong bữa ăn.
Theo SKDS