Dấu hiệu tố bạn bị sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp và hay tái phát, với tỷ lệ mắc khoảng 4 - 12% dân số.
Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp và hay tái phát, với tỷ lệ mắc khoảng 4 - 12% dân số.
Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp và hay tái phát, với tỷ lệ mắc khoảng 4 - 12% dân số. Đa số sỏi được hình thành trong thận và một phần trong số đó có thể đi xuống niệu quản rồi tự đào thải ra ngoài theo đường tự nhiên. Nhưng nếu viên sỏi bị vướng lại ở một vị trí nào đó trên đường tiết niệu thì nó sẽ to ra, gây cản trở lưu thông của nước tiểu, đưa đến ứ đọng và giãn phình ở phía trên chỗ tắc. Lâu ngày sẽ dẫn đến biến chứng và cuối cùng là phá hủy dần phần thận đã sản sinh ra nó.
Sỏi tiết niệu.
Những ai có nguy cơ mắc sỏi tiết niệu?
Đối tượng nguy cơ là: người bị bất thường giải phẫu thận, đường tiết niệu, như thận hình móng ngựa, hẹp niệu quản; tiền sử gia đình mắc sỏi thận; tiền sử bản thân phẫu thuật hoặc can thiệp đường tiết niệu, hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu; mắc một số bệnh như tăng huyết áp, bệnh gút, cường cận giáp; người phải nằm bất động lâu ngày; người bị mất nước; rối loạn chuyển hóa làm tăng bài tiết các chất hòa tan, ví dụ nhiễm toan chuyển hóa mạn tính, tăng canxi niệu, tăng axit uric niệu; sử dụng một số loại thuốc như triamteren và bổ sung canxi hoặc vitamin D; ăn nhiều đạm động vật, thức ăn có hàm lượng canxi, purin, oxalat cao; thói quen chỉ uống nước khi khát: lượng nước uống vào không đủ so với nhu cầu làm cho thể tích nước tiểu giảm và tăng nồng độ các chất tạo sỏi trong nước tiểu tạo điều kiện thuận cho sỏi hình thành; uống trà lạnh sau ăn cơm: trong trà có chứa nhiều canxi và oxalat, uống trà thường xuyên làm tăng nồng độ các chất hình thành sỏi trong nước tiểu; làm việc trong môi trường nóng; nhịn tiểu.
Biểu hiện khi có sỏi tiết niệu
Đau vùng thắt lưng là biểu hiện đầu tiên, hay gặp nhất và là lý do chính khiến người bệnh phải đi khám bệnh. Đau thường âm ỉ kéo dài hay cơn đau quặn thận tùy theo vị trí và bản chất của sỏi: đau âm ỉ, căng tức vùng hố thận hay vùng mạng sườn thắt lưng, có xu hướng tăng lên sau đợt vận động gắng sức; hoặc cơn đau quặn thận: xuất hiện đột ngột, tự nhiên hoặc sau khi vận động gắng sức, bắt đầu đau ở vùng mạn sườn thắt lưng, đau lăn lộn, dữ dội, lan ra trước và xuống dưới vùng bẹn và cơ quan sinh dục cùng bên. Cơn đau thường kéo dài vài phút hay hơn, sau đó đỡ dần nếu được dùng thuốc giảm đau, giãn cơ và nghỉ ngơi.
Đái buốt: Đái buốt có thể là cuối bãi (đái gần xong thấy đau buốt ngược từ niệu đạo trở lên bàng quang) hoặc đái buốt toàn bãi (trong toàn bộ bãi đái bệnh nhân có cảm giác đau tại niệu đạo do sỏi nằm tại niệu đạo).
Đái ngắt ngừng: Đang đái tự nhiên dòng nước tiểu dừng lại, sau đó thay đổi tư thế lại đái được (là triệu chứng điển hình khi bị sỏi nhỏ trong bàng quang).
Đái khó: Khó tháo nước tiểu trong bàng quang ra ngoài, khi đi tiểu bệnh nhân phải rặn, huy động thêm các cơ thành bụng làm tăng áp lực ổ bụng.
Bí đái: Bàng quang căng đầy nước tiểu (có cầu bàng quang), mót đi tiểu dữ dội liên tục ngày một tăng, nhưng không thể tiểu được.
Đái máu: Có thể đái máu vi thể (mắt thường không thấy màu đỏ) nhưng sau vận động xuất hiện đái máu đại thể, nước tiểu màu hồng nhạt như nước rửa thịt. Do sỏi di chuyển cọ xát làm rách xước niêm mạc biểu mô
đường tiết niệu gây chảy máu, hay do nhiễm khuẩn tiết niệu.
Điều trị sỏi tiết niệu thế nào?
Mục đích điều trị là loại trừ sỏi ra khỏi đường tiết niệu và các biến chứng do sỏi gây ra; lập lại sự thông thoáng đường tiết niệu và ngăn ngừa sỏi tái phát.
Ở giai đoạn sớm chưa có biểu hiện, chức năng thận không bị ảnh hưởng và đường niệu thông suốt, có thể chỉ cần theo dõi sự di chuyển của sỏi là chủ yếu, hoặc kết hợp điều trị nội khoa hỗ trợ tạo điều kiện cho sỏi di chuyển thoát ra ngoài thuận lợi như: uống nhiều nước; vận động nhiều; dùng các loại thuốc chống phù nề, chống co thắt và giãn cơ trơn, lợi niệu nhẹ bằng thuốc Đông y như uống nước râu ngô, bông mã đề, kim tiền thảo...; tùy biểu hiện, có thể cần dùng thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau.
Giai đoạn sau, có thể cần dùng các biện pháp can thiệp như: tán sỏi, phẫu thuật nội soi lấy sỏi và mổ mở...
Lời khuyên thầy thuốc
Sỏi tiết niệu thường tái phát, vì vậy cần phải thích nghi và thay đổi lối sống để giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm tái phát sỏi.
Chế độ ăn uống: Uống đủ nước khoảng 2 - 3 lít nước/ngày, mùa hè uống nhiều hơn mùa đông, uống làm nhiều lần, trời nóng nên uống vào buổi sáng. Hạn chế ăn, uống các chất góp phần tạo sỏi như hạn chế các thức ăn, đồ uống có nhiều axit oxalic như chè, cà phê, sô-cô-la, các loại rau có màu xanh đậm; hạn chế thực phẩm có nhiều axit uric như các loại thịt màu đỏ, phủ tạng động vật; người có sỏi canxi hạn chế sử dụng thức ăn có nhiều canxi như pho mát, sữa đậu nành, nho. Không dùng nhiều thức ăn, đồ uống có nhiều canxi như sữa bổ sung canxi cho người già, các loại cao xương.
Thay đổi lối sống: Hạn chế ngồi lâu một tư thế, nên vận động nhiều; hạn chế làm việc nhiều giờ trong điều kiện nhiều ánh nắng mặt trời, nóng bức; không nhịn tiểu.
Theo SKDS