Đau nửa đầu, thuốc nào trị tốt?

     Nguyên nhân gây chứng đau nửa đầu chưa được giải thích rõ ràng, mà chỉ có một số giả thuyết cố gắng làm rõ một phần cơ chế bệnh sinh.

     Nguyên nhân gây chứng đau nửa đầu chưa được giải thích rõ ràng, mà chỉ có một số giả thuyết cố gắng làm rõ một phần cơ chế bệnh sinh.

    Đau nửa đầu (migraine) là một dạng đau đầu rất đặc biệt, khá phổ biến, chiếm khoảng 15% trong số những người bị chứng đau đầu và nữ giới chiếm tỉ lệ cao gấp 3 lần nam giới. Chứng bệnh này tuy không gây tử vong, nhưng làm người bệnh khổ sở vì các cơn đau đầu tái diễn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, làm việc.

    Nguyên nhân gây chứng đau nửa đầu (ĐNĐ) chưa được giải thích rõ ràng, mà chỉ có một số giả thuyết cố gắng làm rõ một phần cơ chế bệnh sinh. Cơn đau xuất hiện có thể do sự tham gia của nhiều yếu tố như: mạch máu ở đầu (đau do co mạch, sau đó giãn mạch), các chất trung gian hóa học (trong đó có vai trò của serotonin), sự tích tụ bất thường canxi bên trong tế bào thần kinh, và sự thay đổi hormon (ở phụ nữ thời kỳ đầu tuổi dậy thì, thời gian trước hành kinh, mãn kinh hoặc dùng thuốc tránh thai). Thường bệnh bắt đầu ở lứa tuổi thanh niên. Người ta cũng nhận thấy căn bệnh này có yếu tố gia đình (70 - 90%). Các trạng thái thần kinh (căng thẳng, trầm cảm, mệt mỏi quá mức, mất ngủ triền miên…) có thể làm xuất hiện bệnh, hoặc nặng thêm. Rượu và một số chất trong ăn uống cũng làm tăng bệnh.

    Dùng thuốc thế nào?

    Cho đến thời điểm này vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm chứng đau nửa đầu, mà chỉ có các loại thuốc cắt cơn và thuốc phòng ngừa cơn đau tái phát. Cần phải phối hợp giữa điều trị cắt cơn với điều trị dự phòng cơn, nhằm các mục tiêu giảm tần số, cường độ, thời gian và các triệu chứng kèm theo của cơn đau.

    Thuốc điều trị cắt cơn

    Đối với các thể nhẹ cơn đau xảy ra thưa, thời gian mỗi cơn ngắn, cường độ đau nhẹ hoặc vừa phải thì dùng các thuốc giảm đau thông thường không steroid (aspirin, indometacin, diclofenac …); với người bệnh dạ dày thì dùng paracetamol.

    Những thể nặng cơn đau dày có thể dùng thuốc sau:

    Naproxen: Là thuốc chống viêm giảm đau không steroid dẫn xuất của acid propionic có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp các prostaglandin làm hạ nhiệt giảm đau. Thuốc có tác dụng tốt cắt giảm cơn đau nửa đầu. Tuy nhiên, không được dùng cho người bệnh loét dạ dày, người hen suyễn, phụ nữ có thai hoặc nuôi con bú, trẻ em dưới 15 tuổi.

    Ergotamin: Là một ancaloid được chiết xuất từ nấm cựa gà (một loại nấm ký sinh trên các loại ngũ cốc, đặc biệt là lúa mạch đen). Thuốc chỉ dùng khi cơn đau nửa đầu không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường và dùng ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn. Nó có tác dụng gây co mạch, chống mất trương lực động mạch – phù hợp với cơ chế bệnh sinh của đau nửa đầu, nhưng không được dùng quá 7 ngày, nếu cần phải nghỉ mấy ngày mới được dùng tiếp. Khi người bệnh không dùng thuốc được theo đường uống, có thể dùng thuốc dạng viên đạn đặt trực tràng. Phụ nữ có thai, người bệnh tim, người suy gan thận nặng, xơ vữa động mạch, suy tuần hoàn ngoại vi không được dùng.

    Thuốc điều trị dự phòng

    Áp dụng cho những người có cơn đau dày, thể nặng để ngăn ngừa cơn đau nửa đầu tái phát. Các thuốc này có tác dụng trực tiếp đến các yếu tố tạo cơn đau. Có thể dùng một trong các thuốc sau:

    Dihydroergotamin: Là thuốc hay được dùng hơn cả, nó có tác dụng duy trì thế cân bằng vận mạch ở não và kháng serotonin. Cụ thể: kích thích chủ vận một phần các thụ thể alpha-adrenergic, đặc biệt là hệ thống tĩnh mạch, ổn định tính tăng phản ứng ở các mạch máu, nhất là ở hệ thống động mạch cảnh ngoài. Phụ nữ có thai hoặc nuôi con bú, người suy gan thận nặng … không được dùng.

    Pizotifen: Chống lại sự tăng cường chất trung gian hóa học serotonin, điều trị cơ bản chứng đau nửa đầu, nhức đầu vận mạch hoặc sau chấn thương. Dùng liều tăng dần. Phụ nữ có thai, nam giới phì đại tuyến tiền liệt, người bệnh tăng nhãn áp (glaucome) không được dùng.

    Flunarizin: Ngăn chặn sự tích tụ ion canxi trong tế bào thần kinh. Chống chóng mặt do nguyên nhân ở trung ương thần kinh, và có tác dụng phòng bệnh đau nửa đầu.

    Ngoài ra, còn có thể dùng các thuốc khác như: atenolol, propranolol (thuốc ức chế bêta, thường được dùng trị tăng huyết áp), amitriptylin (thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng)…

    Có nhiều loại thuốc được dùng để phòng ngừa cơn và việc lựa chọn thuốc thích hợp phải dựa vào kiến thức chuyên môn của y, bác sĩ. Thầy thuốc sẽ lựa chọn thuốc tùy theo thể trạng, sự dung nạp thuốc của người bệnh, vào hiệu quả của thuốc (làm giảm số lần lên cơn đau, cường độ đau) và tác dụng phụ của thuốc.

    Hiện nay, việc nghiên cứu tìm kiếm thuốc mới, hoặc thiết bị điều trị chứng đau nửa đầu vẫn đang được tiếp tục. Chẳng hạn, thuốc rizatriptan của Canada... Hoặc thiết bị có tên cefaly dùng để phòng ngừa các cơn đau nửa đầu. Mới đây, cefaly đã được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép lưu hành. Nó có thể giúp những bệnh nhân không chịu được các thuốc trị đau nửa đầu hiện hành, để phòng ngừa và điều trị các cơn đau …

    Phòng ngừa cơn đau tái phát

    Nhiều nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố thường gặp làm tăng nguy cơ chứng đau nửa đầu. Để phòng cơn đau, người bệnh cần lưu ý tránh các yếu tố khởi phát, hoặc làm tăng cơn đau. Phải biết cách giữ được tâm lý thoải mái, tránh mọi lo âu phiền muộn. Cố gắng tránh hoặc hạn chế các kích thích gây căng thẳng thần kinh (các stress). Tránh động não quá mức, lao động thể lực quá sức. Không nên ngồi quá lâu trước máy vi tính và nghe nhạc quá to. Ngủ đủ giấc, nên ngủ 7 - 8 giờ mỗi ngày. Giữ phong cách sống lành mạnh, tập thể dục vừa sức và đều đặn hàng ngày để nâng cao sức khỏe và giảm căng thẳng thần kinh, tăng cường tuần hoàn, giảm các cơn đau nửa đầu do vận mạch. Cần có chế độ ăn uống thích hợp, tránh một số loại thức ăn có chứa nhiều chất tyramin có nhiều trong sữa, trứng, fomat, sôcôla … Không được dùng các chất kích thích như: rượu, cà phê, thuốc lá, thuốc lào …

    Theo SKDS