Để an toàn khi điều trị viêm xoang
Nhiều người bệnh viêm xoang chợt cảm thấy vui mừng vì đâu đó xuất hiện một vài bài viết nói về hiệu quả của một số thuốc điều trị viêm xoang rất tốt. Nhưng bạn hãy cẩn trọng, vì đó chỉ là lời đồn thổi mà thôi.
Nhiều người bệnh viêm xoang chợt cảm thấy vui mừng vì đâu đó xuất hiện một vài bài viết nói về hiệu quả của một số thuốc điều trị viêm xoang rất tốt. Nhưng bạn hãy cẩn trọng, vì đó chỉ là lời đồn thổi mà thôi
Khi lướt qua một vài mục quảng cáo, vài trang facebook, twiter… nhiều người bệnh viêm xoang chợt cảm thấy vui mừng vì đâu đó xuất hiện một vài bài viết nói về hiệu quả của một số thuốc điều trị viêm xoang rất tốt. Ngay lập tức họ liên hệ để mua cho bằng được những lọ thuốc màu đen đen mà thành phần và bản chất trong đó không rõ là cái gì với giá khoảng 200.000 đến 300.000 đồng kèm theo lời quảng bá: “bảo đảm nhỏ 1 đến 2 giọt thuốc màu đen này một ngày trong vài ngày là dứt điểm viêm xoang, cho dù đó là loại viêm xoang nào”, “thuốc này là thuốc gia truyền, hiệu quả tuyệt đối”, “Chúng tôi cam kết điều trị dứt điểm mọi loại viêm xoang”…
Thực sự mà nói, đối với các bác sĩ chuyên khoa về tai mũi họng, cũng chưa có bác sĩ nào dám tự khẳng định mình có thể điều trị dứt điểm 100% căn bệnh viêm xoang. Vậy thì chúng ta lại sẽ đặt ra nhiều câu hỏi rằng viêm xoang là gì ? và tại sao nó lại khó chữa trị dứt điểm như thế ? và nếu điều trị bừa bãi không đúng phương pháp thì chuyện gì sẽ xảy ra ? …
Viêm xoang là gì?
Nếu chúng ta bị nghẹt mũi, nặng mặt, ho và chảy nước mũi, có thể chúng ta đã bị viêm xoang. Xoang của chúng ta là những hốc rỗng chứa không khí nằm trong xương gò má, quanh mắt và phía sau mũi. Xoang tạo ra những chất nhầy, giúp làm ẩm, làm ấm và lọc không khí khi chúng ta hít thở. Bình thường, những chất nhầy này sẽ được thoát xuống mũi. Tuy nhiên một khi có sự tắc nghẽn cản trở thoát dịch nhầy sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng.
Có một số loại viêm xoang, bao gồm:
- Viêm xoang cấp: kéo dài dưới 4 tuần, đa số các triệu chứng bắt đầu như cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một tuần đến 10 ngày. Nhưng cũng có một số bệnh nhân có sự lan rộng của tình trạng nhiễm trùng.
- Viêm xoang bán cấp: kéo dài từ 4 đến 12 tuần.
- Viêm xoang mạn, kéo dài hơn 12 tuần và có thể diễn tiến trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
- Viêm xoang tái phát, xảy ra nhiều đợt viêm trong một năm.
Những người bị viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn có nhiều khả năng bị viêm xoang mạn tính. Điều này xảy ra là do đường thở dễ bị viêm nhiễm mỗi khi bị viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn. Ngoài ra, viêm xoang cũng có thể do nguyên nhân nhiễm trùng, nhiễm nấm, vẹo vách ngăn, polyp mũi hoặc suy giảm miễn dịch…
Triệu chứng và chẩn đoán viêm xoang
Triệu chứng:
Cho dù cấp tính hay mạn tính, triệu chứng của viêm xoang cũng thường tiến triển sau khi bị cảm lạnh hoặc trong thời gian bị viêm mũi dị ứng nặng, bị liên tục kéo dài. Biểu hiện rõ ràng nhất của viêm xoang là đau nhức do áp lực ở má và trán. Các triệu chứng khác bao gồm:
Chảy nước mũi đặc màu vàng hoặc xanh. Chảy dịch vùng mũi sau, thay đổi vị giác. Ho nghẹt mũi đau nhức răng Trong một số trường hợp viêm xoang cấp có thể có sốt.
Chẩn đoán:
Các xét nghiệm về dị ứng có thể được thực hiện để xác định yếu tố dị ứng khởi phát đưa đến viêm xoang nhiễm trùng mạn tính hoặc tái phát.
Trong trường hợp viêm xoang mạn tính hoặc viêm xoang nặng, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ kiểm tra mũi của chúng ta bằng một kỹ thuật gọi là nội soi mũi xoang. Với kỹ thuật này, một ống soi dẻo và mỏng đưa vào hốc mũi để quan sát các lỗ xoang và tìm ra chỗ tắc nghẽn.
Người bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm MRI hoặc CT scan để tìm các bất thường khác trong xoang như hẹp đường thoát dịch, polyps hoặc vẹo vách ngăn…
Cần tái khám ngay nếu chúng ta bị sốt, đau sưng mặt hoặc mắt, sưng đỏ vùng má hoặc quanh mắt, nhức đầu dữ dội, lú lẫn hoặc cảm thấy cứng cổ…
Điều trị và theo dõi viêm xoang
Việc điều trị viêm xoang tùy thuộc nguyên nhân, mức độ và thời gian kéo dài.
Viêm xoang cấp:
Trên 70% bệnh nhân viêm xoang cấp tự hồi phục mà không cần sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Đây là điều mà khá nhiều người tự ý sử dụng thuốc điều trị bừa bãi nhầm tưởng hiệu quả đạt được do thuốc mình sài là chính xác.
Nếu nguyên nhân do nhiễm trùng, việc sử dụng kháng sinh có thể rút ngắn thời gian bị viêm xoang cấp và cũng có thể làm giảm mức độ nặng của các triệu chứng. Tuy nhiên, việc chọn lựa kháng sinh, liều dùng, đường dùng, thời gian sử dụng cho từng bệnh nhân… cũng rất quan trọng, quyết định việc thành công trong điều trị bệnh hay không. Việc lạm dụng kháng sinh quá mức trong giai đoạn hiện nay tại nước ta đã tạo ra một tỷ lệ tương đối cao các loại vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, người bác sĩ chỉ nên sử dụng kháng sinh trong trường hợp có nhiễm trùng và chỉ chọn loại kháng sinh có độ nhạy cao đối với vi khuẩn gây bệnh.
Thuốc chống xung huyết làm thông mũi hoặc thuốc xịt mũi xoang có thể làm giảm triệu chứng và tăng thoát dịch nhiễm trùng. Nhiều bệnh nhân sử dụng nước muối để rửa mũi cũng cải thiện bệnh đáng kể.
Các thuốc giảm đau như Aspirin, Acetaminophen (Tylenol..) hoặc Ibuprofen (Advil, Motrin…) có thể có lợi khi bệnh nhân đau nhức nhiều. Không nên dùng Aspirin cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Bên cạnh việc điều trị dùng thuốc, còn có việc điều trị không dùng thuốc như:
- Nghỉ ngơi và uống nhiều nước trong ngày.
- Sonde mũi bằng hơi ấm, khí ẩm hoặc rửa hốc mũi bằng dung dịch nước muối.
Viêm xoang mạn:
Viêm xoang mạn thường không do nhiễm trùng, do đó điều trị bằng kháng sinh không giúp ích được gì mà còn làm tăng thêm khả năng kháng thuốc của vi trùng.
Cần tránh các hoạt động và những nơi có thể làm nặng thêm triệu chứng viêm xoang, đặc biệt nếu các triệu chứng này có liên quan đến dị ứng.
Thuốc xịt mũi Corticosteroid có thể sử dụng cho viêm xoang tái phát nhưng cần sự chỉ định của bác sĩ. Vì sử dụng sai chỉ định hoặc lạm dụng corticoisteroid có thể gây ra nhiều tai biến nặng nề.
Nếu chẩn đoán viêm mũi xoang có liên quan đến nấm, cần thiết phải sử dụng thuốc kháng nấm. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ soi cấy định danh vi nấm và chọn lựa thuốc kháng nấm nhạy cảm nhất. Đồng thời cũng cần tìm thêm các vấn đề liên quan đến miễn dịch của người bệnh vì nấm mũi xoang thường xảy ra trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch, lao, HIV...
Nếu viêm xoang tái phát do dị ứng, có thể sửdụng thuốc kháng dị ứng để điều trị triệu chứng tạm thời. Tuy nhiên quan trọng hơn hết là phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên kích thích.Vệ sinh môi trường làm giảm dị ứng nguyên rất cần quan trọng đối với bệnh nhân viêm mũi dị ứng do bụi, nấm mốc, lông thú vật…
Khi điều trị nội khoa thất bại, phẫu thuật nội soi mũi xoang có thể là một chọn lựa. Tuy nhiên cần phải xem xét đến nhiều yếu tố tình trạng bệnh lý và vấn đề dị ứng. Phẫu thuật là cách điều trị cuối cùng ở trẻ bị viêm xoang không đáp ứng đối với tất cả các phương pháp điều trị.
Theo SKDS