Để dùng đúng các sulfamid điều trị nhiễm khuẩn

     Nếu như kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn thì sulfamid chỉ có tác dụng kìm khuẩn và được dùng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn.

     Nếu như kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn thì sulfamid chỉ có tác dụng kìm khuẩn và được dùng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng sẽ không phát huy được hiệu quả của thuốc mà còn gặp phải các tai biến do thuốc gây ra.

     
    Tác dụng của thuốc
     
    Nếu như kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn thì sulfamid chỉ có tác dụng kìm khuẩn. Cơ chế tác dụng kìm khuẩn của sulfamid là do sulfamid cạnh tranh với acid paraaminobenzoic (A.PAB) trong tế bào vi khuẩn, làm cho việc tổng hợp và vận chuyển acid folic thành nucleoprotein cần cho mọi tế bào sống của vi khuẩn bị ngưng trệ, gây rối loạn sự sinh sản và phát triển của vi khuẩn. Do đó, vi khuẩn bị tiêu diệt trước sức đề kháng của cơ thể hoặc nhờ tác dụng của các thuốc khác. Vì vậy, khi sử dụng sulfamid lúc đầu phải dùng liều cao tạo nồng độ thuốc cao trong máu để tranh chấp với A.PAB. Nếu liều ban đầu không đủ nồng độ để kìm hãm vi khuẩn thì vi khuẩn sẽ sinh ra những chủng mới có khả năng kháng lại sulfamid làm cho thuốc kém hoặc không còn tác dụng.

    Cần uống thuốc với nhiều nước để tránh sỏi thận.
     
    Một số sulfamid thường dùng như co-trimoxazol (bactrim, bisepton), sulfacetamid natri (sulfacylum, optin), sulfadiazin, sulfaguanidin (ganidan), sulfamethoxazol (SMX)... Về mặt lý thuyết, phổ kháng khuẩn của sulfamid rất rộng, gồm hầu hết các cầu khuẩn, trực khuẩn gram (+) và (-). Do đó, thuốc được dùng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng), nhiễm khuẩn tiết niệu, sinh dục, đường ruột (lỵ trực khuẩn, viêm ruột), viêm màng não, đau mắt hột, bệnh ngoài da...
     
    Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ kháng thuốc và kháng chéo giữa các sulfamid đang rất cao nên việc sử dụng sulfamid đã bị hạn chế rất nhiều. Vi khuẩn kháng thuốc bằng cách tăng tổng hợp A.PAB hoặc giảm tính thấm với sulfamid. Ngoài ra, do có nhiều độc tính và đã có kháng sinh thay thế nên sulfamid ngày càng ít dùng một mình đơn độc để chữa bệnh mà thường phối hợp với các thuốc khác. Hiện thuốc còn được chỉ định trong các trường hợp như viêm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn tiêu hóa và dùng bôi tại chỗ...
     
    Nguy cơ khi dùng
     
    Cũng như các thuốc điều trị khác, các sulfamid có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn cho người sử dụng. Đáng lưu ý nhất là nguy cơ gây sỏi thận (nguy cơ này là do sản phẩm acetyl hoá của sulfamid khó tan sẽ lắng đọng và kết tinh thành sỏi ở thận hoặc niệu quản, gây bí tiểu tiện, đái ra máu, gây cơn đau do sỏi thận).
     
    Trên tiêu hóa, thuốc có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Các biểu hiện dị ứng ngoài da do thuốc có thể từ nhẹ như mẩn ngứa, ban đỏ, viêm da đến rất nặng như hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell (thường gặp với loại sulfamid chậm). Thuốc có thể gây tổn thương hệ thống tạo máu (với các biểu hiện như thiếu máu, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu), gây viêm nhiều dây thần kinh, chứng lú lẫn, tâm thần, viêm tĩnh mạch, huyết khối, vàng da (do thuốc tranh chấp với bilirubin để gắn vào protein huyết tương, dễ gây vàng da)... Vì vậy, không dùng thuốc cho phụ nữ có thai và trẻ em mới đẻ, người suy gan, suy thận, thiếu G6PD, người có cơ địa dị ứng với thuốc. Trong quá trình dùng thuốc, nếu xảy ra một trong các triệu chứng trên, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.
     
    Những điều cần lưu ý
     
    Để tránh những nguy cơ (tác dụng phụ) của thuốc gây ra cho người sử dụng và dùng thuốc có hiệu quả trong điều trị bệnh, khi dùng các sulfamid, cần tuân theo các nguyên tắc sau:
     
    Khi dùng sulfamid, cần uống thuốc với nhiều nước (ví dụ, 1 gam sulfamid phải kèm ít nhất là 0,5 lít nước) hoặc uống kèm natri hydrocarbonat (để làm kiềm hoá nước tiểu), tránh nguy cơ gây sỏi ở đường tiết niệu do thuốc.
     
    Đối với các sulfamid ngày đầu phải dùng liều cao để đảm bảo đủ nồng độ kìm hãm vi khuẩn. Những ngày sau giảm dần đến liều đủ duy trì nồng độ kháng khuẩn trong máu để tránh hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc.
     
    Cũng giống như kháng sinh, các sulfamid cần phải dùng đủ thời gian và thường uống từ 7 - 9 ngày liền.
     
    Tác dụng của các sulfamid sẽ bị giảm đi khi nồng độ A.PAB tăng cao, do đó, khi dùng sulfamid điều trị vết thương (trong điều trị bệnh ngoài da) phải rửa sạch máu mủ để tránh A.PAB làm giảm tác dụng của thuốc. Nếu không rửa sạch máu mủ thì thuốc sẽ kém tác dụng hoặc sẽ không có tác dụng điều trị bệnh.
    Không dùng phối hợp sulfamid với các thuốc phân huỷ tạo ra A.PAB như novocain... vì nếu dùng đồng thời với các thuốc này thì sulfamid sẽ bị mất tác dụng kháng khuẩn.
     
    Khi dùng sulfamid, nên phối hợp với các thuốc khác như phối hợp với kháng sinh (để tăng hiệu quả điều trị), với vitamin (tăng sức đề kháng của cơ thể và bù lại lượng vitamin đã hao hụt do dùng thuốc).
     
    Theo SKDS