“Điểm mặt” bệnh tiêu hóa thường gặp
Khi tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm, nhiều loại bệnh tật có thể tấn công người cao tuổi (NCT) bất cứ lúc nào, bất cứ cơ quan nào của cơ thể, trong đó có các bệnh về đường tiêu hóa.
Khi tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm, nhiều loại bệnh tật có thể tấn công người cao tuổi (NCT) bất cứ lúc nào, bất cứ cơ quan nào của cơ thể, trong đó có các bệnh về đường tiêu hóa.
Bộ máy tiêu hóa được tính từ miệng cho tới hậu môn (chưa kể đến một số cơ quan khác không thuộc đường tiêu hóa nhưng có vai trò khá quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn như: hàm răng, mật, tụy tạng). Ở bất kỳ vị trí nào của đường tiêu hóa cũng có thể bị bệnh. Với NCT càng dễ bị bệnh hơn bởi chức năng, bài tiết dịch vị, co bóp của đường tiêu hóa càng ngày càng sa sút do quá trình lão hóa.
Một số bệnh tiêu hóa thường gặp
Bộ răng tuy không thuộc bộ máy tiêu hóa nhưng chúng tham gia rất đắc lực trong việc nghiền thức ăn để khi dịch tiết ra từ nước bọt thấm vào thức ăn đã được nhai kỹ sẽ được tiêu hóa tốt. Khi hàm răng bị lung lay, sâu, rụng hoặc đeo hàm răng giả, NCT sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu hóa thức ăn. Khi thức ăn xuống dạ dày nhưng không được nghiền nát kỹ, không ngấm nhiều nước bọt (trong nước bọt có nhiều men tiêu hóa) sẽ rất khó tiêu hóa (mặc dù đã có dịch vị của dạ dày), lúc này môn vị sẽ không mở hoặc không mở hết để hỗn dịch thức ăn xuống hành tá tràng. Thức ăn ứ đọng trong dạ dày gây ậm ạch, đầy bụng rất khó chịu.
NCT có thể bị loét miệng là một bệnh thường gặp do sức đề kháng kém, virút Herpes rất dễ tấn công. Khi bị loét miệng gây rát bỏng, đau ảnh hưởng rất nhiều đến ăn, uống của NCT.
Một số bệnh như: ăn, uống bị nghẹn có thể gặp ở một số NCT. Nghẹn, nuốt khó, nuốt vướng có thể là cơ năng nhưng có thể là bệnh lý, thậm chí bệnh lý nguy hiểm. Ăn, uống thường bị nghẹn có thể do rối loạn thần kinh thực vật, các cơ thuộc về thực quản đã yếu do lão hóa (sự co giãn của cơ kém), trong một số trường hợp có thể do khối u (u lành hoặc u ác tính).
NCT có thể mắc hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản, dịch vị, thức ăn bị trào ngược lên thực quản, họng gây viêm họng, loét họng và ảnh hưởng đến tiêu hóa thức ăn ở dạ dày.
Bệnh về dạ dày - tá tràng là một bệnh gặp khá phổ biến ở nước ta, vì vậy, NCT có thể gặp phải bệnh này. Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh lý dạ dày ở NCT nhưng có một nguyên nhân cần được lưu ý là dùng thuốc giảm đau trong các bệnh xương khớp mà NCT thường gặp phải các loại bệnh này. Bệnh dạ dày gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sinh hoạt của người bệnh, nếu không chữa trị đúng có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: chảy máu, thủng dạ dày - tá tràng, thậm chí gây ung thư dạ dày.
Bệnh thuộc đường tiêu hóa ở NCT phải kể đến viêm đại tràng mãn tính, hội chứng ruột kích thích (viêm đại tràng co thắt, viêm đại trành xích ma). Đây là bệnh gây không ít phiền toái cho NCT. Các loại bệnh này gây rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, đầy hơi, bụng đau âm ỉ, trướng bụng, phân khi rắn, khi lỏng.
Bên cạnh đó, NCT có thể mắc bệnh táo bón. Táo bón ở NCT với nhiều nguyên nhân gây nên nhưng thường gặp là uống ít nước, ăn ít rau, chất xơ và ít vận động. Hậu quả của táo bón sẽ làm cho NCT luôn cảm thấy mệt mỏi, bụng khó chịu, chán ăn và điều quan trọng là táo bón lâu ngày có thể gây nên bệnh trĩ nội. Một số bệnh thuộc đường dẫn mật như: viêm, sỏi đường mật, túi mật sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn, bởi vì dịch mật có vai trò quan trọng trong tiêu hóa thức ăn khi chúng xuống tá tràng, ruột. Trong quá trình tiêu hóa thức ăn, dịch tụy cũng đóng vai trò rất quan trọng, vì vậy, khi tụy tạng lâm bệnh cũng ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.
NCT cũng có thể mắc một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa như: ngộ độc thực phẩm gây viêm dạ dày - ruột cấp tính, tiêu chảy cấp, bệnh kiết lỵ hoặc bệnh viêm ruột thừa cấp tính.
Viêm đại tràng mãn tính
Nguyên tắc chữa trị và phòng bệnh
Để chẩn đoán đúng bệnh tiêu hóa của NCT không đơn giản, nhất là NCT đã giảm trí nhớ, đặc biệt khi bị đau bụng. Bởi vì, đau bụng có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên từ các bộ phận tiêu hóa (dạ dày, ruột thừa, đại tràng, bệnh đường mật, bệnh tụy tạng). Vì vậy, khi NCT có đau bụng, rối loạn tiêu hóa nên được khám bệnh càng sớm càng tốt, nên khám toàn diện để xác định bệnh và mối liên quan của các bệnh với nhau (ví dụ, cân nhắc điều trị bệnh khớp và bệnh dạ dày trên cùng một người bệnh). Một số bệnh tiêu hóa ở NCT cần kiên trì điều trị với chỉ định của bác sĩ khám bệnh, không nôn nóng và không tự động thay đổi thuốc (ví dụ bệnh hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng mãn…).
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh, NCT nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong các bữa ăn cần có đủ rau. Hàng ngày nên uống đủ lượng nước (khoảng 1,5 lít), uống làm nhiều lần và nên tăng cường ăn trái cây, các loại quả có nhiều nước như dưa hấu. Một số bệnh ngoài việc dùng thuốc, cần kiêng khem ăn chua, cay, kiêng uống rượu, bia (bệnh dạ dày, đại tràng), người bệnh nên thực hiện nghiêm túc, bệnh mới chóng khỏi. Nên vận động cơ thể với các hình thức khác nhau tùy theo điều kiện của từng người.
Theo SKDS