Dinh dưỡng cho người cao tuổi

    Theo độ tuổi, chức năng của các cơ quan đều giảm dần, số lượng các tế bào hoạt động ở các cơ quan khác nhau, dẫn đến giảm cường độ trao đổi chất trong cơ thể, ngoài ra người già thường vận động ít hơn. 

     Theo độ tuổi, chức năng của các cơ quan đều giảm dần, số lượng các tế bào hoạt động ở các cơ quan khác nhau, dẫn đến giảm cường độ trao đổi chất trong cơ thể, ngoài ra người già thường vận động ít hơn. 

    Vì vậy, ở tuổi gia, nhu cầu về năng lượng của cơ thể giảm, vấn đề ăn uống ở độ tuổi này cần phải được đặc biệt chú ý.

    Ăn vừa đủ

    Cùng với độ tuổi, lượng calo sử dụng cần phải giảm một chút, tuy nhiên vẫn phải được cung cấp thỏa đáng. Ăn ít có thể gây nên hiện tượng bị thiếu protid (chất đạm) và dẫn đến teo cơ, chóng mệt mỏi.

    Về các chất dinh dưỡng, thì nhu cầu của cơ thể về chất đạm ở người trưởng thành và người có tuổi là như nhau. Khuyến cáo nhu cầu về chất đạm trên 1 kg cân nặng ở tuổi già (1,0-1,2g/kg/ngày) và gần tương đương với nhu cầu về đạm ở tuổi trẻ em, vì nhu cầu đạm cho quá trình tái tạo ở tuổi già là rất lớn. Ở tuổi già, quá trình lão hóa diễn ra mạnh mẽ, do vậy lượng chất đạm phải được cung cấp đầy đủ để phục vụ cho việc tái tạo các tổ chức mô. Một số người cao tuổi, vì một lý do nào đó (do không nhận thức được ý nghĩa của việc ăn uống điều độ và hợp lý, do bệnh tật, do hoàn cảnh, do yếu tố tâm lý...) thường ăn ít, đặc biệt là ăn không đủ các chất đạm và kết quả là cơ thể gầy yếu, mệt mỏi, suy giảm khả năng đề kháng của cơ thể và dễ bị mắc bệnh.

    Cơ thể người cao tuổi cần được cung cấp một lượng tinh bột đầy đủ, tuy nhiên nên hạn chế dùng đường và bánh kẹo ngọt. Giảm sử dụng mỡ sẽ giảm được lượng calo sử dụng chung và giúp phòng chống vữa xơ động mạch, bệnh tim mạch, đái tháo đường, đau khớp... Trong khẩu phần ăn của người cao tuổi, tỷ lệ năng lượng do mỡ cung cấp nên dưới 20%.

    Bổ sung thực phẩm giàu vi chất

    Thức ăn của người cao tuổi cần chứa nhiều các vitamin khác nhau (rau quả, trái cây), các chất khoáng và chất xơ. Chất xơ có trong trái cây, rau và ngũ cốc. Chất xơ có tác dụng phòng ngừa bệnh táo bón ở tuổi già, ngoài ra chất xơ còn có tác dụng làm giảm mức độ cholesterol trong máu.

    Người cao tuổi nên ăn nhiều chất xơ.

    Các vitamin được đưa vào cơ thể trong thành phần của các nhóm chất dinh dưỡng. Những người cao tuổi thường không hay quan tâm đến việc ăn hoa quả và rau. Nhiều người trong số họ không có thói quen uống sữa, nguồn cung cấp chủ yếu canxi để phòng ngừa bệnh loãng xương... Tất cả những thói quen đó, kết hợp với khả năng hấp thụ các chất của cơ thể người cao tuổi kém hơn dẫn đến trong cơ thể người cao tuổi thường bị thiếu các loại vitamin và các khoáng chất khác nhau. Người cao tuổi cần phải thường xuyên uống từ 2-3 cốc sữa một ngày để phòng ngừa phát triển bệnh loãng xương. Tuy nhiên cần chú ý rằng, ở người cao tuổi khả năng tiêu hóa sữa kém hơn, do vậy khuyến cáo uống rải nhiều lần trong ngày, mỗi lần 100 - 120ml. Cơ thể người cao tuổi thỉnh thoảng nên được cung cấp vitamin bổ sung ở dạng dược phẩm. Đặc biệt là các vitamin nhóm B, vitamin có tính chất chống lão hóa như vitamin A, C, E.

    Cùng với tuổi tác, hệ thống tiêu hóa làm việc kém hiệu quả hơn, cường độ trao đổi chất trong cơ thể người cao tuổi diễn ra chậm, do vậy thức ăn cần được chế biến kỹ, tinh, tránh ăn các thức ăn khó tiêu như đồ rán, thịt mỡ, sụn, gân, da và cổ cánh gia cầm... Người cao tuổi nên ăn làm nhiều bữa trong ngày, có thể là 4 hoặc 5 bữa. Cần rèn cho mình thói quen ăn hoa quả hằng ngày để tăng cường cung cấp vitamin cho cơ thể.

    Uống đủ nước và chăm chỉ tập luyện

    Và cuối cùng, nước đóng vai trò quan trọng trong dinh dưỡng của người cao tuổi. Cơ thể người cao tuổi cần phải được cung cấp đủ nước, trong một ngày, người cao tuổi nên uống khoảng 1-1,5lít nước ở dạng nước trắng, nước hoa quả, nước chè. Uống đủ nước sẽ làm cho quá trình tiêu hóa thức ăn tốt hơn, phòng ngừa chứng táo bón.

    Chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đủ calo, có tỷ lệ cân đối giữa các chất, kết hợp việc tăng cường tập luyện thể dục thể thao với các bài tập rèn sức bền (đi bộ, chạy bước nhỏ, bơi, đạp xe đạp) có cường độ hợp lý và một cuộc sống tinh thần thoải mái sẽ đảm bảo một cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc ở người cao tuổi.

    Theo SKDS