Đột tử do huyết khối tĩnh mạch sâu

    Huyết khối tĩnh mạch sâu là một bệnh tim mạch thường hay gặp đứng vào hàng thứ ba của các bệnh tim mạch. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và thường gây ra những trường hợp đột tử cho bệnh nhân. Phần nhiều trong số đó không biết do thuyên tắc động mạch phổi. 

    Huyết khối tĩnh mạch sâu là một bệnh tim mạch thường hay gặp đứng vào hàng thứ ba của các bệnh tim mạch. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và thường gây ra những trường hợp đột tử cho bệnh nhân. Phần nhiều trong số đó không biết do thuyên tắc động mạch phổi.

    Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 100.000 - 200.000 trường hợp tử vong do thuyên tắc phổi và chỉ có 30% được chẩn đoán trước khi chết, số còn lại chỉ được phát hiện sau khi xét nghiệm tử thi. Các triệu chứng của thuyên tắc phổi bao gồm khó thở, đau ngực khi hít vào, ho ra máu và đánh trống ngực. Các trường hợp thuyên tắc phổi nặng có thể dẫn đến hôn mê, choáng và ngưng tim đột ngột.

    Các yếu tố nguy cơ

    Khi một huyết khối nhỏ hình thành ở tĩnh mạch sâu nó sẽ gây ra phản ứng viêm và kích thích tạo thêm các huyết khối mới. Nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu tăng khi lưu lượng máu giảm, hoặc ứ trệ tuần hoàn ở tĩnh mạch chi dưới. Điều này thường xảy ra khi bệnh nhân không thể cử động được trong một thời gian dài. Máu càng ứ đọng trong tĩnh mạch, huyết khối càng dễ hình thành. Các yếu tố nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm:

    Tuổi >70.

    Ung thư đang trong thời kỳ hoạt động hoặc đang được điều trị trong vòng 6 tháng nay.

    Phẫu thuật hoặc chấn thương vùng chậu hay chi dưới.

    Phẫu thuật nào cần gây mê kéo dài trên 5 giờ.

    Du lịch trên 1.000 dặm trong 12 tuần trước đó.

    Điều trị bằng estrogen/progesterone.

    Tình trạng hậu sản.

    Những tình trạng tăng đông máu do bẩm sinh hay mắc phải.

    Nằm liệt giường trên 3 ngày hoặc phẫu thuật trong vòng 4 tuần trước đó.

    Di chuyển bằng máy bay trên hành trình dài có thể gây huyết khối tĩnh mạch sâu, nhưng thường ít gặp. Đa số các trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu thường xảy ra trên những bệnh nhân trải qua phẫu thuật, đau ốm, được điều trị nội trú.

    Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu tăng cao ở người béo phì, có tiền sử nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim ứ huyết, có thai, cho con bú, sử dụng thuốc ngừa thai, hoặc bị viêm loét đại tràng.

    Diễn tiến

    Thường thì khoảng 60% số bệnh nhân, cục máu đông kéo dài mà không làm nghẹt lòng tĩnh mạch. Do đó, bệnh nhân có thể bị thuyên tắc phổi gây tử vong mà không có dấu hiệu hay triệu chứng tại vị trí khởi phát. Nhưng thường thì có những yếu tố khác góp vào như sốc, nhiễm trùng, chấn thương, hay suy tim sung huyết; già, béo phì, có thai, bệnh ác tính… 40% số bệnh nhân còn lại thì huyết khối gây nghẹt lòng tĩnh mạch gây ra đau chi và phù nề…

    Biến chứng quan trọng của huyết khối tĩnh mạch sâu là thuyên tắc động mạch phổi, đó là một tình trạng tắc của động mạch phổi hay một trong các nhánh của nó, gây ra do các các cục máu đông xuất phát từ huyết khối tĩnh mạch sâu. Nguy cơ thuyên tắc phổi gia tăng trong nhiều trường hợp như: ung thư và nằm bất động kéo dài.

    Hiện nay, người ta thấy những trường hợp thuyên tắc phổi nặng thường xuất phát từ phần tĩnh mạch gần của chi dưới. Thuyên tắc phổi trên lâm sàng nặng hay nhẹ tùy thuộc kích thước của cục huyết khối và tình trạng tim phổi của bệnh nhân.

    Các phương pháp điều trị

    Điều trị kháng đông đầy đủ là biện pháp điều trị chính trong bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Bắt đầu bằng heparin và sau đó là dẫn xuất coumarine để chống tái phát huyết khối. Một phương pháp điều trị khác điều trị tiêu sợi huyết là điều trị lý tưởng để làm tiêu cục huyết khối và duy trì chức năng các van tĩnh mạch. Người ta làm một số thử nghiệm để so sánh điều trị tiêu sợi huyết và điều trị kháng đông tiêu chuẩn thì thấy huyết khối mất hoàn toàn ở 45% số bệnh nhân được điều trị với tác nhân tiêu sợi huyết, trong khi chỉ 4% ở bệnh nhân dùng Heparin.

    Phần lớn bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch sâu đều phải nhập viện điều trị, tuy nhiên do sự tiện lợi của Heparin trọng lượng phân tử thấp, một số bệnh nhân có thể điều trị tại nhà với sự chăm sóc của nhân viên y tế gồm: huyết khối nhỏ, triệu chứng ít, có thể đi bộ được và bệnh nhân là người năng động, mang băng thun trước rồi khi phù giảm thì dùng vớ áp lực, tự chích được, tuân thủ y lệnh tốt, không có bệnh khác, không khó thở và nghi ngờ thuyên tắc phổi.

    Các phương pháp điều trị xâm lấn hơn: phẫu thuật lấy huyết khối, đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới: được dùng khi không sử dụng được thuốc kháng đông hoặc dùng kháng đông thất bại. Một dụng cụ lọc đặc biệt bằng kim loại có thể bảo vệ chống thuyên tắc phổi dụng cụ này được gọi là lưới lọc tĩnh mạch chi dưới được đặt vào tĩnh mạch chủ dưới. Lưới lọc tĩnh mạch chủ ngăn cản huyết khối bong ra từ các tĩnh mạch chi dưới không cho chúng về đến phổi.

    Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu

    Biện pháp phòng ngừa tốt nhất hiện nay là tăng cường tập thể dục bằng cách đi bộ, phát hiện sớm những trường hợp có huyết khối tĩnh mạch sâu để điều trị, vận động sớm sau phẫu thuật, sử dụng vớ y khoa nhất là khi đi máy bay lâu trên 4 giờ cho những người có yếu tố nguy cơ, sử dụng thuốc kháng đông khi có chỉ định của thầy thuốc… 

    Theo SKDS