Dùng dược mỹ phẩm gì cho da mùa hanh khô?

    Trong những ngày đông lạnh giá, rất nhiều người phải chịu đựng làn da bị khô nẻ, bong tróc vảy, thậm chí đỏ tấy. Tình trạng này tuy không nguy hiểm nhưng rất khó chịu. Hơn nữa, việc dùng kem bôi không đúng cách có thể khiến tình trạng da khô nẻ nặng hơn.

     Trong những ngày đông lạnh giá, rất nhiều người phải chịu đựng làn da bị khô nẻ, bong tróc vảy, thậm chí đỏ tấy. Tình trạng này tuy không nguy hiểm nhưng rất khó chịu. Hơn nữa, việc dùng kem bôi không đúng cách có thể khiến tình trạng da khô nẻ nặng hơn.

    Da khô nẻ vì sao?

    Hàng ngày, cơ thể luôn có sự mất nước từ bên trong qua da. Mùa đông thời tiết lạnh giá, cộng với độ ẩm thấp và hanh khô, sự mất nước này lại càng tăng mạnh, một số loại vitamin và dưỡng chất quan trọng trong da cũng bốc hơi theo. Khi thiếu nước và dưỡng chất, da mất đi sự đàn hồi dẫn đến hiện tượng da  khô ráp, dễ bị nứt nẻ, bong vẩy, nhất là đối với trẻ nhỏ. Trời càng lạnh độ ẩm càng thấp thì da càng khô hơn. Đây là do hiện tượng tăng mất nước qua thượng bì khi trời lạnh. Nếu bạn dùng điều hòa hay máy sưởi khiến da càng nhanh mất nước và khô hơn, thậm chí còn đỏ rát, nổi nốt ban đỏ, ngứa ngáy, khó chịu. Đồng thời, do sự chênh lệch nhiệt độ và độ ẩm, nước trên bề mặt da bị thất thoát nghiêm trọng khiến lớp sừng trở nên cằn cỗi. Các lớp tế bào chết bong tróc và bám đầy trên bề mặt, làn da trở nên thô ráp, sần sùi, xỉn màu mất đi độ mềm mại. Khi trời lạnh, mạch máu của con người co lại một cách tự nhiên, hạn chế lưu thông máu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp năng lượng nuôi dưỡng tế bào,dẫn đến da bị nhão và chảy sệ, xỉn màu hoặc tái đi. Da thiếu nước khiến cấu trúc lớp thượng bì bị suy yếu, không có khả năng bảo vệ các lớp da nên chúng trở nên nhạy cảm, yếu ớt trước tác động của môi trường bên ngoài. Mắt và môi là nơi có làn da mỏng nhất, ít được bảo vệ nên chịu ảnh hưởng mạnh nhất của tình trạng mất nước. Tình trạng khô nẻ không chỉ ở nơi da mặt và cổ mà còn nứt nẻ ở tay, chân. Nếu nứt sâu thì có thể gây chảy máu, nứt lại bị kèm viêm da nhiễm khuẩn thì bệnh nhân sẽ bị ngứa, đau đớn.

    Thuốc gì bảo vệ da bị khô nẻ?

    Mấu chốt trong điều trị da khô nẻ là khắc phục hàng rào chất béo (lipid) bị hỏng và ngăn ngừa mất nước ở tế bào da. Những thành phần dầu tự nhiên rất hữu hiệu khi giải quyết các vấn đề này gồm: dầu bơ, dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu cây rum, dầu jojoba, dầu hạnh nhân, dầu hạt cải, sáp ong, dầu vừng, dầu dừa... có thể bôi trực tiếp lên da.

    Hàng ngày, sau khi vệ sinh da sạch sẽ, cần bôi kem dưỡng ẩm cho da. Nên lựa chọn kem giữ ẩm sử dụng thành phần có bổ sung chất ẩm tự nhiên và kích thích sản sinh collagen - cơ quan giữ nước trong da. Có thể bôi các chế phẩm làm ẩm, mềm da như physiogel, cetaphil, vaselin, skincare-U, lacticare... Nếu nẻ nhiều có thể bôi ngày 2 - 3 lần. Những lựa chọn khác là thuốc mỡ hoặc kem dưỡng da chứa các thành phần như: axit lactic, axit hyaluronic, dimethicone, glycerin, lanolin, vitamin E... Nếu vùng da khô nứt nẻ có mụn nước, ngứa nhiều kèm theo nhiễm khuẩn (hay gặp ở những người bị viêm da cơ địa kèm nẻ hoặc những người có làn da dễ bị kích ứng) có thể phải dùng một đợt thuốc kháng sinh và thuốc kháng histamin, vitamin E hoặc vitamin C theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tuyệt đối không tự ý bôi các thuốc có chứa steroid để trị da khô nẻ như: trangala, cortebios, chlorocid H, flucinar, fobancort, gentrisone, diprosone... khi chưa có chỉ định của thầy thuốc. Dùng kéo dài các thuốc này sẽ gây nhiều hậu quả xấu như nổi mụn trứng cá, da mặt sần sùi, teo da.

    Khi vùng da khô nứt nẻ nhiều cần đi khám chuyên khoa da liễu để có chỉ định dùng thuốc

    Đặc biệt lưu ý: Có hai chế phẩm được nhiều người sử dụng trong việc chữa da bị nứt nẻ là mỡ tetracyclin và flucinar. Thực tế hai loại thuốc trên không có tác dụng trong việc bảo vệ da khỏi bị khô nẻ. Tetracyclin là kháng sinh dạng bôi rất hạn chế dùng trên da mặt và thuốc flucinar chứa flucinolone acetonide - dẫn chất của glycocorticosteroid, chỉ định điều trị bệnh vảy nến, viêm da tiết bã nhờn, lichen phẳng, ngứa sần, eczema, không dùng thuốc ở da mặt, da cổ. Dùng lâu có thể gây tổn thương tại chỗ cho da, đôi khi kích ứng và nhiễm trùng thứ phát.

    Khuyến cáo của thầy thuốc

     

    Khi bị  nẻ, mọi người cần chú ý giữ vệ sinh cho da, đặc biệt là những vùng da hở. Tắm rửa bằng nước ấm vừa phải, không dùng nước quá nóng sẽ làm da mất nước nhiều hơn. Không nên lạm dụng sữa rửa mặt và xà phòng vì hoạt chất tẩy rửa của chúng càng tẩy mất chất nhờn trên da nhanh hơn, da càng thêm khô. Không lạm dụng kem tẩy da chết sẽ làm da mất lớp bảo vệ bên ngoài. Nên dùng dưa chuột, cà chua, củ đậu rửa sạch, thái lát đắp mặt nạ trước khi đi ngủ. Cần coi trọng việc bổ sung nguồn vitamin cần thiết cho da bằng cách uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây mỗi ngày và khi đi ra ngoài trời  nên đeo khẩu trang để hạn chế việc da bị nẻ. Không dùng các loại kem tự chế hay không có nguồn gốc để chữa nẻ. Khi vùng da khô nứt nẻ có biểu hiện sưng tấy, ngứa nhiều cần đi khám chuyên khoa da liễu để có chỉ định dùng thuốc.

    Theo SKDS