Dùng thuốc kiểm soát hen phế quản: Vì sao dễ thất bại?
“Bệnh hen không thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể được kiểm soát”, đây là thông điệp trong chẩn đoán và điều trị hen của Tổ chức Toàn cầu phòng chống hen (GINA).
“Bệnh hen không thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể được kiểm soát”, đây là thông điệp trong chẩn đoán và điều trị hen của Tổ chức Toàn cầu phòng chống hen (GINA). Mặc dù chất lượng điều trị dự phòng bệnh đã cải thiện nhưng vẫn có khoảng 80% số bệnh nhân hen ở nhiều nước chưa đạt được kiểm soát hen theo định nghĩa của GINA. Trong hơn 3,5 triệu người bệnh hen ở Việt Nam thì có gần 60% số người bệnh chưa kiểm soát được hoàn toàn hen. Nguyên nhân nào khiến cho việc dùng thuốc điều trị hen phế quản thất bại?
Việc tuân thủ dùng thuốc và kỹ thuật dùng bình hít
Các vấn đề liên quan đến thuốc xảy ra rất thường xuyên trong điều trị hen, ngay cả ở những quốc gia phát triển. Dùng thuốc dự phòng hen không đầy đủ theo chỉ định, đặc biệt corticoid dạng hít là lý do thông thường nhất khiến triệu chứng hen không ổn định, nhất là ở trẻ em. Theo một khảo sát tại Anh, chỉ có 58% số liều corticoid dạng hít kê đơn được dùng trong thực tế và chỉ có 32% số liều được dùng đúng thời gian. Nguyên nhân của việc không tuân thủ điều trị có thể là do người bệnh quên dùng thuốc hoặc không muốn dùng thuốc. Ở các nước phát triển, hội chứng “sợ corticoid” xảy ra khá phổ biến ở các bệnh nhân hen, mà nguyên nhân chủ yếu là do họ chưa được thông tin đúng và đầy đủ về lợi ích và tác hại của nhóm thuốc này. Trong một cuộc khảo sát gần đây tại châu Âu, tới 31% bệnh nhân hen không muốn dùng thuốc điều trị, 28% không muốn dùng corticoid hít và 38% không muốn dùng corticoid uống. Nhiều người bệnh hen ở Việt Nam còn có tâm lý sợ thuốc Tây nói chung do lo ngại về độc tính của thuốc khi phải dùng kéo dài và tự ý chuyển sang điều trị bằng thuốc Nam không rõ nguồn gốc dẫn đến mất kiểm soát hen.
Kỹ thuật dùng bình hít của bệnh nhân hen phế quản là một yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của việc kiểm soát hen phế quản.
Kỹ thuật dùng bình hít của người bệnh cũng là một yếu tố rất quan trọng quyết định hiệu quả của việc điều trị dự phòng hen. Các thuốc điều trị hen đường hít được phân phối chủ yếu qua 3 dạng dụng cụ hít là bình xịt định liều chuẩn, bình hít dạng bột khô và phun khí dung. Nếu bệnh nhân dùng dụng cụ hít không đúng kỹ thuật, sự lắng đọng thuốc tại phổi sẽ bị giảm đáng kể, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị, tăng tỷ lệ tác dụng phụ tại chỗ và toàn thân. Có nhiều bằng chứng cho thấy, việc dùng dụng cụ hít sai kỹ thuật xảy ra rất phổ biến trong thực tế, đặc biệt với các loại bình xịt định liều chuẩn đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa tay và nhịp thở. Theo một khảo sát tại Mỹ, có tới 71% bệnh nhân hen dùng bình xịt định liều chuẩn chứa corticoid không đúng kỹ thuật. Không ít thầy thuốc và nhân viên y tế hướng dẫn điều trị hen cũng không thể sử dụng dụng cụ hít đúng kỹ thuật.
Phát hiện và điều trị các bệnh lý đi kèm
Hai loại bệnh lý thường đi kèm và có ảnh hưởng rõ rệt đến diễn biến của bệnh hen là viêm mũi xoang dị ứng (VMDƯ) và trào ngược dạ dày thực quản. Theo một số nghiên cứu dịch tễ học gần đây, 80-90% bệnh nhân hen có VMDƯ và 15% bệnh nhân VMDƯ có mắc hen. Nhiều bằng chứng cho thấy, nếu không được điều trị tốt, VMDƯ có thể làm tăng nặng triệu chứng và mức độ của hen, khởi phát các đợt hen cấp, làm tăng tỷ lệ nhập viện và đi cấp cứu liên quan đến hen. Do đó, điều trị kiểm soát hen luôn phải được tiến hành song song với việc kiểm soát tốt các triệu chứng của VMDƯ.
Trào ngược dạ dày thực quản cũng được chứng minh là có thể gây kích phát các triệu chứng hen về đêm do toan hóa ở đoạn cuối thực quản có thể gây kích thích thần kinh phế vị dẫn đến phản xạ co thắt phế quản và ho kéo dài. Những bệnh nhân hen khó kiểm soát cũng nên được thăm dò tìm kiếm xem có bị trào ngược dạ dày thực quản không và điều trị thử theo kinh nghiệm với các thuốc giảm tiết dịch vị.
Môi trường sống và các yếu tố kích phát cơn hen
Một số yếu tố có khả năng kích phát không đặc hiệu hoặc làm nặng các cơn hen: khói, bụi, mùi thơm, gắng sức, thay đổi thời tiết, cảm cúm... Phát hiện và tránh tiếp xúc với các yếu tố này có vai trò rất quan trọng trong chiến lược điều trị kiểm soát hen. Các yếu tố kích phát cơn hen có tính cá thể, nhưng một số khuyến cáo có thể được đưa ra với hầu hết người bệnh hen như tránh tối đa việc dùng các loại rượu bia và các đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, tránh những nơi môi trường bị ô nhiễm (bụi, khói, hóa chất), tránh hoạt động gắng sức, tránh dùng thực phẩm chứa các chất phụ gia có gốc sulfite, tránh xúc động mạnh... Một số loại thuốc có thể gây khởi phát các cơn hen nặng hoặc làm giảm triệu chứng của các thuốc cắt cơn hen như các thuốc chống viêm giảm đau (aspirin, mofen, diclofenac), thuốc chẹn bêta giao cảm (propranolol) cũng nên tránh sử dụng.
Bên cạnh việc giảm thiểu các yếu tố kích phát hen, cần kiểm soát tốt môi trường sống nhằm hạn chế tối đa sự tiếp xúc của người bệnh hen với các loại dị nguyên gây bệnh như bọ nhà, phấn hoa, nấm mốc... Tránh dùng các vật dụng có khả năng bắt bụi cao như thảm, rèm treo, giặt chăn ga gối đệm thường xuyên giúp giảm số lượng các loại bọ nhà, tạo đủ ánh sáng và giảm độ ẩm trong nhà, lau sạch các vùng ẩm thấp giúp hạn chế sự phá triển của nấm mốc. Ngoài ra, cũng nên đóng kín cửa và hạn chế ra ngoài khi phấn hoa rụng nhiều (trong khoảng từ 5 -10 giờ sáng).
Bỏ sót hoặc thất bại trong việc loại bỏ các yếu tố kích phát cơn hen hoặc dị nguyên gây bệnh thường dẫn đến thất bại trong việc kiểm soát hen bất chấp việc tăng liều thuốc dự phòng.
Trên đây là một số yếu tố nếu không được kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng rõ rệt đến hiệu quả của việc điều trị dự phòng hen. Khi chưa đạt được kiểm soát hen hoàn toàn, cần xem xét và giải quyết tốt tất cả các vấn đề trên trước khi quyết định tăng bậc điều trị.
Theo SKDS