Hậu quả không ngờ của việc ép con ăn

     Nhiều cha mẹ thường có tâm lý ép con ăn thêm dù chỉ là vài thìa. Điều đó không giúp trẻ nhận thêm được nhiều dinh dưỡng mà chỉ khiến chúng thêm khắc sâu nỗi sợ hãi và ám ảnh với thức ăn.

     Nhiều cha mẹ thường có tâm lý ép con ăn thêm dù chỉ là vài thìa. Điều đó không giúp trẻ nhận thêm được nhiều dinh dưỡng mà chỉ khiến chúng thêm khắc sâu nỗi sợ hãi và ám ảnh với thức ăn.

    Mỗi ngày, tôi được chứng kiến cảnh ông bố, bà mẹ, những người giúp việc quanh khu chung cư ép con ăn. Sáng ra, mới mở mắt hoặc tôi sẽ thấy một bác giúp việc cầm theo cái bát to hoặc cơm, hoặc cháo, chạy vòng vòng đuổi theo cậu nhóc đang lắc lư trên xe đạp để đút được miếng cháo. Đôi khi cậu nhóc tỏ vẻ không muốn ăn, nên chạy xe càng nhanh và cứ thế hai bà cháu đuổi nhau khắp hành lang… Ra đến cửa hàng ăn sáng, lại gặp cảnh một ông bố, vừa đút cho con ăn vừa giục “ăn nhanh lên! Nhai! Nuốt! Rồi đứa bé trợn trạo thế nào nôn cả ra áo, vậy là được thế, tôi lại được nghe thêm cả tiếng hét lên của ông bố, tiếng gầm gừ của bà mẹ vì “toi công rồi”.

    Chiều tan sở, vào lớp đón con, câu hỏi mà tôi được nghe nhiều nhất là: “Hôm nay, cháu ăn được nhiều không cô?’ Tối tối về đến cửa, lại bắt gặp cảnh một bà mẹ, một tay cầm đũa, một tay cầm bát, đứa trẻ thì khóc khóc mếu mếu vừa há miệng và nước mắt, nước mũi dàn dụa…

    Câu chuyện về việc ép con ăn không còn mấy xa lạ. Chúng ta có thể thấy những đứa trẻ bị nhồi ăn sữa, ép đút cháo ở bất cứ nơi đâu, từ sân khu tập thể, ngoài nhà hàng, trong các bữa cơm gia đình hay thậm chí cả ở trong các lớp mầm non, tư thục. Thực tế ép con ăn có rất nhiều tác hại mà cha mẹ chưa nhận thức hết được:

    Dậy thì sớm:Trẻ bị ép ăn nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thừa dinh dưỡng, làm tăng lượng hormon trong cơ thể khiến các trẻ em bị dậy thì sớm. Thậm chí làm hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ. Nhiều bé gái đã hốt hoảng, sợ hãi, xấu hổ, lo lắng, dẫn đến buồn rầu và bỏ học khi cơ thể có sự thay đổi. Một số trẻ bị rơi vào trầm cảm vì không biết chia sẻ cùng ai. Các bé trai có khuynh hướng hung hăng, dễ nổi cáu và hay gây gổ với những người xung quanh. Trẻ có thể bị mất ngủ, đứng ngồi không yên hoặc có những hành vi bất thường, nhiều trẻ còn bị rối loạn suy nghĩ và có cái nhìn lệch lạc về tình dục…

    Thừa cân 

    Trẻ bị ép ăn nhiều dẫn đến lượng lipid trong máu cao gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Các nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ trẻ em bị ép ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì là 31,4%, tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ tăng 7,8% so với các trẻ em khác. Thêm vào đó, nếu tình trạng này kéo dài thì những trẻ em này sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch vành, sỏi thận, bệnh gout và nhiều bệnh khác khi trưởng thành.

    Ảnh hưởng tâm lý

    Ép con ăn dẫn đến những thói quen ăn uống không lành mạnh gây ra nỗi đau tâm lý lên trẻ. Ép ăn sẽ ảnh hưởng đến vô thức của trẻ, khiến tâm lý của trẻ có khuynh hướng cộc tính, hung dữ, hay quậy phá dẫn đến việc dễ bị các tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày.

    Tạo thói quen xấu trong ăn uống

    Một trong các yếu tố đó là, thật trớ trêu, những trẻ bị ép ăn trở nên gầy hơn và bị suy dinh dưỡng hơn những trẻ không bị ép ăn. Điều này dẫn đến một chu kì xấu: bố mẹ tìm cách ép trẻ ăn vì chúng gầy, và trẻ tiếp tục gầy vì chúng bị ép ăn. Hơn nữa, trong lúc ép con ăn thường bố mẹ sẽ có chính sách trao thưởng nếu con ăn hết. Việc này ảnh hưởng xấu đến thói quen ăn uống của trẻ, trẻ ăn vì “phần thưởng” chứ không phải ăn vì ham muốn, hay cảm nhận được thức ăn ngon.


    Ép trẻ ăn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của trẻ sau này.

    Làm thế nào để không ép con ăn?

    Việc loại bỏ thói quen ép trẻ ăn có thể rất khó. Bước đầu tiên là hỏi bản thân bạn là liệu bạn có cảm thấy tội lỗi khi ép con ăn? Bước tiếp theo là bạn cần làm một thực nghiệm sau trong khoảng thời gian ít nhất là 30 ngày – nó có thể lâu hơn nếu con bạn từng bị ép ăn tương đối lâu và do đó đã phát triển những thói quen không lành mạnh .

    - Ngay từ khi bé mới được sinh ra, người lớn cần nắm rõ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.

    - Người lớn cần làm gương cho trẻ. Tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh và khoa học.

    - Bạn sẽ kiểm soát thức ăn mà trẻ có thể ăn, và có thể kiểm soát thời gian chúng ăn, nhưng bạn sẽ không kiểm soát việc chúng ăn bao nhiêu,

    - Bạn sẽ cố hết sức để tạo một sự thèm ăn lành mạnh trước giờ ăn ở trẻ.

    - Người lớn cần tạo cho bé thời gian để tăng các hoạt động thể chất. Cho bé vui chơi hay tham gia tập thể dục sẽ là cách để bé khỏe hơn, hạn chế thời gian xem tivi hay ngồi ì một chỗ.

    - Tập cho bé thói quen không ăn vặt, không ăn quá khuya, không ăn quá nhiều đồ ăn chiên rán hay đồ ngọt. Ngay từ khi còn nhỏ, người lớn cần dạy bé cách cung cấp năng lượng cho bản thân khi đói và uống nước ngay cả khi không khát.

    - Cho bé đi khám định kỳ, người lớn cần thường xuyên ghi lại các chỉ số về chiều cao, cân nặng của bé để dễ dàng phát hiện những biểu hiện lạ như cân nặng của bé tăng đột biến hay những mầm mống bệnh tật mới hình thành.

    Nếu bạn chọn con đường tôn trọng trẻ và cơ thể của chúng thì bạn có thể sẽ bắt đầu nhận thấy những lợi ích gần như ngay lập tức. Thiết nghĩ bố mẹ chỉ là người bày thức ăn và trẻ sẽ là người tự quyết ăn gì và ăn bao nhiêu. “Ăn thêm 1,2 thìa cơm không giúp trẻ nhận thêm được là bao dinh dưỡng mà chỉ khiến chúng thêm khắc sâu nỗi sợ hãi và ám ảnh với thức ăn. Thay vì hỏi cô giáo “Hôm nay cháu ăn được mấy bát” bố mẹ hãy hỏi “hôm nay con ăn có vui không”.

    Theo SKDS