Hiểu rõ về thuốc diệt giun để dùng cho đúng
Giun là sinh vật ký sinh sống trong cơ thể người và chiếm đoạt chất dinh dưỡng, gây nên tình trạng suy dinh dưỡng (đặc biệt ở trẻ em).
Giun là sinh vật ký sinh sống trong cơ thể người và chiếm đoạt chất dinh dưỡng, gây nên tình trạng suy dinh dưỡng (đặc biệt ở trẻ em).
Nguy cơ nhiễm giun qua đường ăn uống diễn ra thường xuyên, do vậy cần phải dùng thuốc diệt trừ giun định kỳ, đặc biệt là ở đối tượng nguy cơ nhiễm giun cao. Tuy nhiên, việc dùng thuốc tẩy giun cũng phải có những hiểu biết nhất định, nếu không cũng gây ra những tác hại khó lường.
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc có thể sử dụng để điều trị giun, tùy theo độ tuổi và việc nhiễm loại giun nào. Các thuốc điều trị giun hiện nay về cơ chế tác dụng có thể chia làm 3 nhóm chính: nhóm làm giun bị chết và bị tống ra ngoài cơ thể theo phân; nhóm không làm giun bị chết mà chỉ làm chúng tê liệt không còn khả năng bám vào thành ruột và bị nhu động của ruột đưa ra ngoài; nhóm phá hủy cơ thể giun, làm tiêu giun.
Trẻ nghịch đất dễ nhiễm giun.
Một số thuốc trị giun thường dùng
Các thuốc điều trị giun thế hệ mới đều ở nhóm thứ 3, với nhiều ưu điểm là khá an toàn, có hiệu lực với nhiều loại giun và có dạng sử dụng thuận tiện. Trên thị trường hiện nay, có một số thuốc hay được sử dụng để điều trị giun là:
Mebendazole: viên 500mg, được chỉ định sử dụng khi nhiễm một hoặc nhiều loại giun như giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, giun lươn. Thuốc cản trở sự tạo thành vi ống tế bào ở ruột giun bằng cách kết hợp đặc hiệu vào vi ống và gây ra các thay đổi thoái hóa siêu cấu trúc ở ruột giun, khiến chức năng tiêu hóa của giun bị rối loạn dẫn đến quá trình tự phân giải.
Thuốc được chỉ định khi nhiễm một hay nhiều loại giun ở đường ruột.
Liều dùng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi là một viên duy nhất. Không dùng thuốc cho trẻ em dưới 2 tuổi trừ khi tình trạng nhiễm giun ảnh hưởng trầm trọng đến dinh dưỡng và phát triển thể chất của trẻ. Phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan không nên dùng thuốc.
Thuốc có tương tác với một số thuốc khác như cimetidine. Khi sử dụng cùng lúc có thể ức chế chuyển hóa mebendazole tại gan, làm tăng nồng độ thuốc trong máu. Do vậy, với người đang sử dụng cimetidin thì không nên dùng thuốc mebendazole hoặc phải ngừng cimetidine mới được dùng thuốc để tẩy giun.
Cũng không nên dùng mebendazole đồng thời với metronidazole vì có thể gây ra hội chứng Stevens-Johnson.
Albendazole: là một dẫn chất benzimidazole, cũng có tác dụng tương tự như mebendazole (về cấu trúc có liên quan với mebendazole). Thuốc cũng có phổ hoạt tính rộng trên các giun đường ruột như giun móc, giun đũa, giun kim, giun lươn, giun tóc và thể ấu trùng di trú ở cơ và da. Thuốc cũng có tác dụng đối với các loại sán dây, sán lá, ấu trùng sán lợn và ấu trùng sán ở mô. Albendazole có hoạt tính trên giai đoạn trưởng thành và ấu trùng của các loại giun đường ruột, diệt được cả trứng của giun đũa và giun tóc.
Thuốc được chỉ định khi nhiễm một loại hay nhiều loại giun. Không được sử dụng albendazole cho người có tiền sử nhiễm độc tủy xương, phụ nữ mang thai và người mẫn cảm với các hợp chất loại benzimidazole. Đối với người bệnh có chức năng gan bất thường, cần phải thận trọng sử dụng vì thuốc chuyển hóa ở gan, có thể gây nhiễm độc.
Các tác dụng không mong muốn như khó chịu ở đường tiêu hóa, nhức đầu có thể gặp nhưng sẽ tự hết sau khi ngưng thuốc.
Pyrantel pamoat: Là thuốc có tác dụng với giun đũa, giun kim, giun móc nhưng không có tác dụng đối với giun tóc; tác dụng đồng thời lên cả dạng chưa trưởng thành và đã trưởng thành của giun, nhưng không có tác dụng đối với ấu trùng của giun khu trú trong mô. Thuốc làm tê liệt giun và tống giun ra ngoài theo phân.
Không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan. Cần tránh dùng thuốc đồng thời với một số thuốc như lévamisoledo, piperazine vì có thể làm tăng độc tính của thuốc. Tác dụng phụ có thể gặp là rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, phát ban ngoài da. Các tác dụng phụ này hiếm gặp.
Dự phòng nhiễm giun bằng cách nào?
Sử dụng thuốc điều trị giun chỉ là việc loại trừ giun chứ không có tác dụng phòng tránh nhiễm giun. Vì vậy, để phòng nhiễm giun, người lớn cần chú ý thực hiện và giáo dục cho trẻ thực hiện chế độ vệ sinh trong mọi mặt của cuộc sống. Để tránh gặp các tác dụng phụ (hoặc dùng thuốc không đúng) của thuốc, trước khi sử dụng bất cứ một loại thuốc trị giun nào cần có ý kiến của bác sĩ.
Trẻ em hay bị nhiễm giun do trẻ hay lê la dưới đất, không biết rửa tay trước khi ăn... Khi thấy trẻ có các biểu hiện như xanh xao, chậm lớn, hay đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ăn vặt, hay chảy nước miếng nhất là khi đi ngủ... cần đưa trẻ đi khám để xác định xem trẻ có bị nhiễm giun không, khi đã bị nhiễm giun bác sĩ sẽ cho chỉ định điều trị.
Theo SKDS