Liên cầu lợn lây truyền như thế nào?

    Thời gian gần đây, bệnh liên cầu lợn ở người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân được xác định là do giết mổ lợn nhiễm bệnh và ăn các chế phẩm từ thịt lợn bệnh. Việc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời có ý nghĩa quyết định trong việc cứu sống bệnh nhân.

    Thời gian gần đây, bệnh liên cầu lợn ở người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân được xác định là do giết mổ lợn nhiễm bệnh và ăn các chế phẩm từ thịt lợn bệnh. Việc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời có ý nghĩa quyết định trong việc cứu sống bệnh nhân.

    Vi khuẩn S.suis gây bệnh liên cầu lợn .

    Liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn thường trú trên hầu họng lợn và có thể gây bệnh cho người, lợn nếu tiếp xúc trực tiếp. Vi khuẩn gây bệnh viêm cầu khuẩn cho lợn có tên Streptococus suis (S.suis). Chúng có thể sống ở nhiệt độ tương đối cao 50 - 60 độ C. Đây là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó gây bệnh ở lợn và người là chủ yếu.

    Ăn tiết canh là nguyên nhân gây bệnh liên cầu lợn

    Người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn, lợn ốm, hoặc thịt lợn bị nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn có thể lây lan qua vết thương, niêm mạc miệng, mũi... Hiện nay, bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là trong mùa nắng nóng. Nguyên nhân được xác định là do giết mổ lợn nhiễm bệnh và ăn các chế phẩm từ lợn bị bệnh, trong đó có ăn tiết canh lợn.

    Phòng bệnh liên cầu lợn

    Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh nhiễm liên cầu lợn cho người. Do đó, phòng bệnh tốt nhất phụ thuộc vào ý thức mỗi người. Để phòng bệnh liên cầu khuẩn, người dân cần tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Tránh tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh hoặc lợn mang vi khuẩn gây bệnh. Cách ly lợn ốm để điều trị. Lợn chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn xung quanh hố chôn hoặc tiêu huỷ. Chuồng trại chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.

    Không chỉ lợn ốm mà ngay trong lợn lành cũng có một số con có liên cầu khuẩn lưu trú ở vùng hầu họng (lợn lành mang vi trùng) nên nếu ăn các sản phẩm chưa nấu chín thì dù là thịt lợn lành vẫn có thể bị bệnh. Khi giết mổ, chế biến thịt lợn cần đảm bảo vệ sinh và đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn bệnh. Không ăn thức ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín, đặc biệt là tiết canh sống. Thịt lợn cần được nấu chín, không mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết. Chỉ mua thịt đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Không ăn thịt lợn tái, nhất là tiết canh lợn.

    Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

    Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

    Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

    Theo SKDS