Mù lòa do giun chỉ Onchocerca

    Giun chỉ Onchocerca volvulus gây ra bệnh “mù lòa đường sông” truyền bệnh sang người thông qua ruồi đen đốt thuộc giống Simulium. Bệnh gây ngứa nghiêm trọng, tổn thương ngoài da làm mất thẩm mỹ và suy giảm thị lực, thậm chí gây mù vĩnh viễn.

    Giun chỉ Onchocerca volvulus gây ra bệnh “mù lòa đường sông” truyền bệnh sang người thông qua ruồi đen đốt thuộc giống Simulium. Bệnh gây ngứa nghiêm trọng, tổn thương ngoài da làm mất thẩm mỹ và suy giảm thị lực, thậm chí gây mù vĩnh viễn.

    Bệnh lây thế nào?

    Bệnh Onchocerciasis còn được gọi là “mù lòa đường sông”, đây là một bệnh ký sinh trùng gây ra bởi giun chỉ có tên khoa học Onchocerca volvulus truyền qua vết cắn lặp đi lặp lại của ruồi đen (blackflies) giống Simulium spp bị nhiễm ký sinh trùng hay ấu trùng. Loài ruồi này sinh sản trong các dòng sông chảy nhanh và suối, chủ yếu ở các làng hẻo lánh gần đất màu mỡ nơi mà người dân sống dựa vào tập quán liên quan đến nông nghiệp. Ở trong cơ thể người, giun trưởng thành sinh ra ấu trùng (microfilariae), sau đó chúng di chuyển đến da, mắt và các cơ quan khác trong cơ thể. Nếu ruồi cái đen đốt người chúng sẽ bị nhiễm bệnh trong lúc hút máu, các ấu trùng phôi xâm nhập cơ thể ruồi và chúng tiếp tục phát triển thêm, sau đó được truyền đến các vật chủ người tiếp theo trong quá trình đốt hút máu người khác.

    Sơ đồ nhiễm giun chỉ Onchocerca volvulus gây mù lòa.

    Bệnh giun chỉ Onchocerciasis xảy ra chủ yếu ở các vùng nhiệt đới. Hơn 99% số người bị nhiễm bệnh sống ở các quốc gia trong tiểu vùng Sahara châu Phi và bệnh cũng được phát hiện ở một số nước thuộc châu Mỹ Latinh như Brazil, Guatemala, Mexico và Venezuela.

    Dấu hiệu phát hiện bệnh là gì?

    Bệnh Onchocerciasis là bệnh ký sinh trùng có “ái tính” ở mắt và da. Các triệu chứng gây ra bởi các ấu trùng microfilariae, chúng di chuyển ở cơ thể con người trong các mô dưới da và gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng trên nhiều bộ phận cơ thể người, đặc biệt là khi chúng chết. Bệnh nhân có thể thấy các triệu chứng lâm sàng như ngứa nặng và tổn thương da ở các mức độ khác nhau. Hầu hết bệnh nhân có các khối u phát triển dưới da. Một số người bị nhiễm bệnh phát triển các tổn thương mắt có thể dẫn đến suy giảm thị lực và mù vĩnh viễn.

    Phòng chống bệnh thế nào?

    Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin và không có thuốc ngăn ngừa nhiễm ký sinh trùng Onchocerca volvulus. Giai đoạn từ năm 1974-2002, bệnh Onchocerciasis đã được kiểm soát ở Tây Phi thông qua Chương trình Kiểm soát bệnh giun chỉ Onchocerciasis (Onchocerciasis Control Programme - OCP). Chủ yếu là sử dụng hóa chất phun diệt ấu trùng ruồi blackfly (kiểm soát véc-tơ) bằng trực thăng.

    Theo khuyến cáo của WHO: Điều trị bệnh Onchocerciasis với ivermectin ít nhất 1 năm 1 lần trong khoảng 10-15 năm. Chương trình này được bổ sung bằng việc phân phối thuốc ivermectin quy mô lớn kể từ năm 1989. OCP giảm 40 triệu người bị nhiễm bệnh, ngăn ngừa 600.000 người mù lòa và đảm bảo 18 triệu trẻ em được sinh ra không bị đe dọa bệnh tật và mù lòa. Ngoài ra, 25 triệu ha đất canh tác bị bỏ rơi trước kia nay đã được phun diệt hóa chất để giúp người dân khai hoang, định cư và sản xuất nông nghiệp, có khả năng nuôi 17 triệu người mỗi năm.

    Năm 1995, Chương trình Kiểm soát bệnh Onchocerciasis ở châu Phi (APOC) đã được đưa ra với mục tiêu kiểm soát bệnh Onchocerciasis tại các nước lưu hành còn lại ở châu Phi. Chiến lược chính đã được thành lập duy trì điều trị trực tiếp cộng đồng bằng ivermectin và kiểm soát véc-tơ với các phương pháp môi trường an toàn. Từ năm 2009, APOC chuyển từ chiến lược kiểm soát sang loại bỏ Onchocerciasis.

    Trong năm 2013, hơn 100 triệu liều điều trị ivermectin đã được phân phối tại 24 quốc gia APOC, nơi các chiến lược điều trị trực tiếp cộng đồng với ivermectin (CDTI) đang được thực hiện, đại diện cho khoảng 60% độ bao phủ điều trị.

    Chương trình loại trừ bệnh giun chỉ Onchocerciasis ở châu Mỹ (The Onchocerciasis Elimination Program of the Americas - OEPA) đã bắt đầu vào năm 1992 với mục tiêu loại trừ bệnh ở mắt và lan truyền khắp châu Mỹ vào năm 2012 thông qua điều trị quy mô lớn với ivermectin 6 tháng 1 lần. Tất cả 13 trung tâm đã đạt được độ bao phủ hơn 85% vào năm 2006 và lan truyền bị gián đoạn ở 10 trong 13 trung tâm dịch vào cuối năm 2011.

    Sau khi thành công điều trị cộng đồng trên quy mô lớn ở các khu vực bị ảnh hưởng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Colombia và Ecuador đã có thể ngăn chặn sự lan truyền bệnh trong năm 2007 và 2009. Hai nước Guatemala và Mexico cũng đã có thể ngăn chặn lan truyền bệnh trong nỗ lực năm 2011. Hiện tại các nỗ lực loại bỏ đang tập trung vào những người Yanomami sống ở Brazil và Venezuela.

    Ngày 5/4/2013, Tổng Giám đốc WHO đã đưa ra một bức thư chính thức xác nhận rằng Colombia đã đạt được mục tiêu loại bỏ bệnh Onchocerciasis. Sau đó, Ecuador là quốc gia thứ hai được khai báo không có bệnh mù lòa đường sông vào ngày 29/9/2014.

    Theo SKDS