Ngăn ngừa tai nạn do quá liều thuốc ở trẻ em

      Đối với trẻ em, các dạng thuốc lỏng, sirô hay được dùng như thuốc giảm đau, thuốc cảm lạnh, thuốc ho, tiêu hóa và kèm theo thuốc là dụng cụ để đo lường như thìa, ống nhỏ giọt...

      Đối với trẻ em, các dạng thuốc lỏng, sirô hay được dùng như thuốc giảm đau, thuốc cảm lạnh, thuốc ho, tiêu hóa và kèm theo thuốc là dụng cụ để đo lường như thìa, ống nhỏ giọt...

    Cần dùng đúng dụng cụ đong liều có trong sản phẩm thuốc.

    Những “thiết bị cung cấp liều lượng” thường có những vạch đo lường đánh dấu trên chính thiết bị đó. Tuy nhiên, các dấu hiệu này không phải luôn luôn rõ ràng hoặc phù hợp với hướng dẫn trên bao bì của thuốc. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) đã nhận được nhiều báo cáo về tai nạn quá liều, đặc biệt là ở trẻ em, một phần có nguyên nhân là do việc sử dụng sai các thiết bị cung cấp liều lượng. Để tránh tình trạng cho trẻ uống quá ít hoặc quá liều thuốc, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý:

    Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc và thực hiện đúng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc.

    Biết được các “thành phần hoạt chất” có trong sản phẩm. Các thành phần này thường được ghi ở phần trên cùng của nhãn thuốc. Vì nhiều loại thuốc dùng để điều trị các triệu chứng khác nhau nhưng lại có cùng một hoạt chất. Ví dụ, nếu bạn đang điều trị cảm lạnh và đau đầu với hai loại thuốc khác nhau nhưng cả hai sản phẩm đều có cùng thành phần hoạt chất là giảm đau chẳng hạn. Nếu dùng cả hai loại sẽ dẫn đến tình trạng quá liều thuốc. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc.

    Cho uống đúng thuốc, liều lượng phù hợp với từng lứa tuổi. Ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn, liều lượng và hướng dẫn cũng khác nhau. Không bao giờ sử dụng thuốc nhiều hơn chỉ dẫn, trừ khi có ý kiến của bác sĩ.

    Sử dụng các thiết bị cung cấp liều lượng đi kèm với mỗi loại thuốc, chẳng hạn như một ống nhỏ giọt, cốc, thìa, muỗng... mà không sử dụng các dụng cụ đo lường khác như thìa chúng ta dùng ăn hàng ngày trong nhà bếp vì có thể sẽ cung cấp sai liều lượng thuốc. Và không bao giờ được uống thuốc nước trực tiếp từ chai, lọ thuốc.

    Biết sự khác biệt giữa các đơn vị đo lường như muỗng (thìa) canh hay muỗng (thìa) cà phê. Một muỗng cà phê tương đương với 5ml. Một muỗng canh gấp 3 lần một muỗng cà phê (tương đương 15ml).

    Biết chính xác trọng lượng của con, em mình. Đối với trẻ em, liều dùng một số loại thuốc dựa vào trọng lượng cơ thể trẻ. Vì vậy, không bao giờ được đoán trọng lượng để dùng thuốc hoặc ước liều của người lớn rồi chia ra cho trẻ em. Trường hợp với những thuốc nếu liều không được liệt kê cho trọng lượng của trẻ, hãy gọi cho bác sĩ của bạn.

    Sau mỗi lần sử dụng thuốc, cần đậy chặt nắp lọ, chai thuốc và để xa tầm với của trẻ để tránh tình trạng trẻ bị ngộ độc thuốc do vô tình uống phải. Đặc biệt, cẩn thận với bất kỳ loại thuốc có chứa sắt vì các sản phẩm này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ngộ độc thuốc ở trẻ nhỏ.

    Kiểm tra thuốc 3 lần trước khi sử dụng. Đối với bất kỳ loại thuốc nào, thực hành này luôn luôn cần thiết. Trước tiên, kiểm tra các bao bì bên ngoài xem có còn nguyên vẹn không. Thứ hai, kiểm tra nhãn trên bao bì bên trong để chắc chắn rằng bạn dùng có đúng thuốc không và nắp chia, lọ có còn nguyện vẹn không. Thứ ba, kiểm tra màu sắc, hình dạng, kích thước và mùi vị của thuốc. Nếu bạn nhận thấy có bất cứ điều gì bất thường, hãy nói chuyện với một dược sĩ hoặc cán bộ chăm sóc y tế khác trước khi sử dụng.

    Theo SKDS