Ngừa biến chứng do rối loạn tuần hoàn não
Rối loạn tuần hoàn não (RLTHN) gặp chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi (NCT). Bệnh có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Rối loạn tuần hoàn não (RLTHN) gặp chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi (NCT). Bệnh có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
RLTHN có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên như tuần hoàn kém, viêm xoang, huyết áp thấp làm cho lượng máu lên não kém hoặc tăng huyết áp gây rối loạn vận mạch (đặc biệt là mạch máu não), tăng mỡ máu, nhất là loại mỡ máu xấu (cholesterol xấu) làm xơ vữa động mạch, đặc biệt là xơ vữa động mạch thân nền, động mạch cột sống cổ, động mạch cảnh làm cho lượng máu đi lên não bị hạn chế. Ngoài ra, RLTHN có thể xuất hiện ở NCT khi có lạnh đột ngột (khi thời tiết thay đổi, ở trong phòng máy lạnh) hoặc do ngộ độc độc tố vi khuẩn hay ngộ độc hóa chất (ngộ độc thực phẩm). Một số trường hợp NCT do mắc các bệnh về não bộ (u não, u tiểu não, u dây thần kinh số 8) cũng gây RLTHN.
Cục máu đông gây tắc mạch não dẫn đến TBMMN – một biến chứng nguy hiểm của RLTHN.
Làm thế nào để nhận biết bị rối loạn tuần hoàn não?
Nhức đầu là triệu chứng gặp sớm nhất ở NCT có hội chứng RLTHN. Nếu nhẹ thì nhức đầu không dữ dội mà âm ỉ khắp cả vùng đầu, nhiều trường hợp dùng thuốc giảm đau không thuyên giảm hoặc giảm ít. Dấu hiệu đặc trưng nhất của RLTHN ở NCT là chóng mặt. Chóng mặt đôi khi chỉ thoáng qua nhưng có thể kéo dài hàng giờ, hàng ngày hoặc còn lâu hơn và kèm theo buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn và đôi khi lặp đi, lặp lại nhiều lần. Chóng mặt sẽ làm mất thăng bằng, ngồi dậy, đứng lên rất khó khăn đôi khi gây nên sự cố bất thường (ngã), đặc biệt là NCT có sức khỏe kém. Hiện tượng này hay gặp nhất là lúc nửa đêm về sáng, khi tỉnh dậy không ngồi lên được do hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và có thể nôn. Người bệnh thấy choáng váng, loạng choạng, mất thăng bằng nếu cố ngồi dậy để đi có thể bị ngã hoặc dúi dụi xuống đất, nhẹ thì xây xước, chảy máu, nặng, có thể gãy chân tay, chấn thương sọ não. Khi thay đổi tư thế (nghiêng người từ trái qua phải hoặc ngược lại) là chóng mặt, buồn nôn tăng lên làm cho người bệnh rất sợ trở mình hoặc ngồi dậy. Nếu bệnh nhẹ thì chỉ thoáng qua nhưng nếu nặng thì không thể thay đổi tư thế được và buồn nôn, nôn nhiều. RLTHN ở NCT rất dễ gây rối loạn giấc ngủ (ngủ ít hoặc không ngủ được, ngủ chập chờn do đó dễ tỉnh giấc và rất khó ngủ tiếp), chóng quên, mệt mỏi, hay cáu gắt vô cớ.
NCT nên ăn ít nhất 3 bữa cá/tuần và tăng cường rau quả để tránh thừa cân béo phì dẫn đến vữa xơ động mạch.
Tai biến mạch máu não - Hậu quả nặng nề của rối loạn tuần hoàn não
Hậu quả của RLTHN ở NCT ít nhiều cũng có thể gây hiện tượng phù não gây rối loạn tâm lý từ nhẹ đến nặng, đặc biệt là tai biến mạch máu não (nhũn não). Đây là một dạng RLTHN cấp tính ở NCT. Thường có biểu hiện đột ngột là đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, méo miệng, liệt chi, dần dần đi vào hôn mê, đại tiểu tiện không tự chủ, nếu cấp cứu không kịp thời người bệnh có thể tử vong hoặc nếu thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì cũng phải đối mặt với rất nhiều di chứng nặng nề như liệt người, bại não, méo miệng, nói ngọng...
Phòng rối loạn tuần hoàn não bằng cách nào?
Khi NCT có dấu hiệu của RLTHN thì cần đi khám bệnh để tìm nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt, nhất là người có sẵn các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, tim mạch... Về sau, cần khám bệnh định kỳ để được theo dõi bệnh chặt chẽ tránh biến chứng xảy ra. Kiểm soát đường máu, tránh các yếu tố gây stress,… Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để đề phòng mắc các chứng bệnh thừa cân, béo phì, tăng mỡ máu gây xơ xữa động mạch. Ăn nhiều rau, quả, cá (mỗi tuần nên ăn vài ba bữa cá), hạn chế ăn nhiều thịt, không nên ăn mỡ động vật. Nên hạn chế đến mức tối đa uống rượu, bia. Bỏ thuốc lá hoặc thuốc lào. NCT nên tích cực vận động cơ thể bằng các phương pháp thích hợp với điều kiện của từng người. NCT không nên tắm nước lạnh, nên mặc ấm, nơi nằm ngủ tránh gió lùa. Mùa đông mỗi khi thức dậy cần cử động chân tay một lúc mới ngồi dậy, tránh lạnh đột ngột.
Theo SKDS